Ba Vì: Tìm hướng phát triển lâu dài cho chăn nuôi bò sữa
(Chinhphu.vn) - Do giá thu mua sữa bò thấp hơn so với các công ty không ký hợp đồng thu mua sữa nên hầu hết bà con trên địa bàn huyện Ba Vì đã bán bò, không tái đàn và chuyển sang chăn nuôi lợn. Trước thực trạng này, ngành chăn nuôi Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ và giúp bà con ổn định chăn nuôi trở lại.
Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa ở huyện Ba Vì giảm số lượng đàn bò, không tái đàn. Ảnh: Tú Mai |
Từ thực trạng không tái đàn…
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có rất nhiều hộ nông dân đã bán bò sữa để chuyển sang chăn nuôi lợn. Nguyên nhân là do giá thu mua sữa của các công ty thu mua sữa trên địa bàn huyện rẻ hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giá chỉ dao động từ 6.000 đồng/kg-12.000 đồng/kg, tùy thuộc vào chất lượng sữa. Trong khi đó, so với thời điểm trước, giá thu mua sữa lúc cao nhất của các công ty là 14.000 đồng/kg.
Mặt khác, có 85% số hộ chăn nuôi bò sữa ký hợp đồng thu mua sữa với Công ty sữa Quốc tế IDP nhưng công ty này lại có giá thu mua thấp hơn so với Công ty sữa Vinamilk và Công ty sữa Ba Vì. Chính vì giá thua mua sữa không đảm bảo nên bà con nông dân đã bán bớt bò sữa để chuyển sang chăn nuôi lợn. Trong khi đó, nếu trước kia mua 60 đến 70 triệu đồng một con bò sữa giống thì đến nay, khi bán đi bà con chỉ còn bán được 35 đến 40 triệu đồng một con. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bà con giảm đàn bò trong chăn nuôi. Theo số liệu của phòng kinh tế huyện Ba Vì, năm ngoái trên địa bàn huyện có 9.700 con bò sữa nhưng hiện nay con số đó đã giảm hơn 1.000 con, hiện chỉ còn 8.500 con.
Trước tình trạng này, hội nông dân huyện Ba Vì cũng sử dụng quỹ hỗ trợ nông dân để giúp bà con tái đàn, hỗ trợ sản xuất và một số công ty cũng cho bà con vay để mua bò sữa nhưng với giá thu mua sữa như hiện nay thì hầu hết các hộ đã bán bò để trả tiền vay của các công ty và không thiết tha với việc chăn nuôi bò như trước.
Theo đánh giá của ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện nay tình hình chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Ba Vì gặp nhiều khó khăn, đàn bò sữa có xu hướng giảm mạnh do chủ yếu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến khâu kỹ thuật chăm sóc đàn bò, bên cạnh đó các Công ty chế biến sữa ngày càng siết chặt quản lý, đánh giá chất lượng sữa và trả tiền sữa theo chất lượng nên giá sữa thu mua trước đây bình quân là 12.500 đồng/kg đến nay giảm xuống còn 10.061 đồng/kg. Có nhiều hộ chỉ bán được giá sữa trên 7.000 đồng/kg, do vậy lãi suất từ chăn nuôi bò sữa không còn hấp dẫn nên đã có các hộ bán bò sữa để chuyển sang chăn nuôi lợn, dê sữa. Đây là những động thái không có lợi cho chính người chăn nuôi cũng như sự phát triển chăn nuôi bò sữa. Nhưng cũng với những khó khăn bất lợi trên đối với người chăn nuôi bò sữa thì đây lại chính là thời cơ tốt cho những người có điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, tuyển chọn thay thế giống bò kém về năng suất, chất lượng sữa. Đồng thời là thời điểm thích hợp để tái cơ cấu ngành chăn nuôi bò sữa theo hướng tăng quy mô chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định ngay cho người chăn nuôi bò sữa.
... đến chính sách phát triển lâu dài
Để từng bước ổn định tình hình sản xuất, hạn chế thấp nhất rủi ro cho người chăn nuôi và có hướng phát triển ổn định lâu dài vùng chăn nuôi bò sữa Ba Vì với tiềm năng lợi thế còn rất lớn, ông Tạ Văn Tường đã yêu cầu phòng Phát triển chăn nuôi gia súc lớn khẩn trương phối hợp với chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp để thông tin tuyên truyền và triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi bò sữa. Đồng thời hướng dẫn cách thức giải quyết những khó khăn trong chăn nuôi bò sữa. Phòng chống những rủi do khi người chăn nuôi nóng vội có những thay đổi sang vật nuôi khác.
Tư vấn hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến sữa, trạm thu gom sữa thực hiện các giải pháp cùng với những người chăn nuôi có điều kiện để phát triển tăng quy mô chăn nuôi, đầu tư hiệu quả. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân phát triển chế biến sữa ra các sản phẩm đặc sản phục vụ khách du lịch cũng như nhu cầu người tiêu dùng để mở rộng các hình thức tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi. Mời gọi nhiều doanh nghiệp giải quyết tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi còn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Đối với Trạm Phát triển chăn nuôi số 1 là đầu mối phối hợp thực hiện các giải pháp và chỉ đạo của Trung tâm tại cơ sở. Bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình để tham mưu cho chính quyền các cấp, tư vấn cho các Chi hội chăn nuôi bò sữa, Trạm thu gom sữa, các hộ chăn nuôi và các tổ chức cá nhân có liên quan giải quyết tốt nhất những khó khăn đang gặp phải.
Mặt khác cần tư vấn cho người chăn nuôi thải loại bò kém chất lượng và cải tạo điều kiện chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sữa, cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp thăm khám, kiểm tra chất lượng bò sữa và tư vấn chuyên môn cho các hộ chăn nuôi bò sữa.
Phối hợp với các doanh nghiệp, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, gắn kết từ người chăn nuôi, trạm thu gom đến nhà máy chế biến sản xuất sữa để công tác thu gom, tiêu thụ sữa được ổn định, bền vững và kiểm soát được tốt chất lượng sữa.
Các trạm thu gom tiêu thụ sữa trên địa bàn cần nắm sát diễn biến của các hộ chăn nuôi nhập sữa cho trạm, báo cáo tình hình chăn nuôi của các hộ và những hộ có triển vọng phát triển chăn nuôi tốt, có khả năng tăng quy mô chăn nuôi từ 10 con trở lên, những hộ có nguy cơ bán bò, chuyển nghề để phối hợp với Trạm PTCN số 1 tư vấn trực tiếp cho các hộ. Đồng thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với các hộ chăn nuôi bò sữa và cùng Trạm Phát triển chăn nuôi số 1 triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn.
Nghiên cứu các giải pháp chế biến, sản xuất các sản phẩm sữa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và khách du lịch để tiêu thụ sữa cho những hộ có khó khăn trong tiêu thụ sữa.
Để từng bước giải quyết khó khăn trong chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Ba Vì hiện nay, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan như Công ty Cổ phần sữa quốc tế IDP, Công ty Cổ phần sữa Ba Vì thu mua hết lượng sữa tươi của các hộ chăn nuôi sản xuất ra. Mặt khác phối hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi tiếp tục tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để cải thiện chất lượng sữa. Thực hiện kết nối các doanh nghiệp sản xuất thức ăn để cung cấp trực tiếp cho các hộ chăn nuôi và triển khai phương thức thanh toán thông qua việc đối trừ tiền bán sữa nhằm giảm giá thành sản xuất và giảm áp lực tài chính cho các hộ chăn nuôi.
Phòng Kinh tế huyện Ba Vì, UBND xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm tuyên truyền để các hộ chăn nuôi bò sữa yên tâm tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi. Và phối hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi nắm bắt kịp thời tình hình chăn nuôi bò sữa để tham mưu cho UBND huyện, Sở NN & PTNT Thành phố có các biện pháp kịp thời giải quyết những khó khăn hiện nay.
Tú Mai