Bài 4: Hướng đi nào cho du lịch Thủ đô sau tác động của dịch bệnh

19/05/2020 2:33 PM

(Chinhphu.vn) - Dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đã làm thay đổi kịch bản tăng trưởng của cả nước, cũng như với Hà Nội. Ngành du lịch Hà Nội không thoát khỏi vòng xoáy suy giảm nghiêm trọng trong quý I/2020 do dịch bệnh này.

* Bài 1: Hà Nội thực hiện nhiệm vụ "kép": Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

* Bài 2: Hà Nội phải vươn lên, làm gương về phát triển

* Bài 3: Để doanh nghiệp Thủ đô ‘bật dậy’, phục hồi sau dịch

Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội. Ảnh: Minh Anh

Theo ông Trần Đức Hải, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, bên cạnh mục tiêu hàng đầu là tập trung phòng, chống dịch Covid-19, một trong những ưu tiên sẽ là kích cầu du lịch nội địa để tái khởi động ngành du lịch sau dịch bệnh.

Những thách thức với ngành du lịch Thủ đô do dịch bệnh

Với diễn biến ngày càng phức tạp và số quốc gia ghi nhận dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp liên tục gia tăng với 212 quốc gia. Từ đầu tháng 3/2020, Việt Nam đã có những chính sách nhập, xuất cảnh đối với người nước ngoài. Theo số liệu cung cấp từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an Thành phố, tháng 4/2020, bình quân mỗi ngày Hà Nội có khoảng 192 lượt khách nước ngoài lưu trú tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn Thành phố.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong tháng 4/2020, khách du lịch đến Hà Nội tiếp tục giảm mạnh, tổng hợp báo cáo từ các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội, công suất trung bình khối khách sạn trong tháng 04/2020 ước đạt khoảng 12.8%, giảm 10.6% so với tháng 3/2020 và giảm 61.8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 4 do ảnh hưởng dịch COVID-19, khách du lịch chủ yếu còn lại ở trong các cơ sở lưu trú (chỉ còn lại 1,5%); so với cùng kỳ năm trước, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 khách nội địa chỉ đạt 8,1%. Công suất phòng chủ yếu còn ở khách sạn 3-5 sao, giảm 61% so với cùng kỳ.

Với tác động của dịch, có 1.200 cơ sở lưu trú đã thông báo tạm dừng hoạt động; trước ngày 30/4, 1/5 có 1.364 doanh nghiệp lữ hành ngừng hoạt động, lượng lao động trong nhóm này có khoảng trên 35 nghìn người không có việc làm. Hiện nay vẫn còn khoảng 100 cơ sở lưu trú chưa hoạt động trở lại.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, theo kịch bản 2 mà ngành du lịch dự báo, tổng lượng khách du lịch năm 2020 dự kiến chỉ đạt 23,49 triệu lượt, giảm 18,8% so với năm 2019 và chỉ đạt 73,7% kế hoạch (khách quốc tế đạt 5,74 triệu lượt, giảm 18,3% và đạt 70% kế hoạch); tổng thu từ khách du lịch chỉ đạt 95.180 tỷ đồng, giảm 8,3% và chỉ đạt 81,5% kế hoạch.

Nhận định tình hình khó khăn chung, toàn ngành du lịch cũng đã song song đẩy mạnh các biện pháp nhằm phòng, chống dịch. Vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng, một số cơ sở lưu trú đã thu hẹp phạm vi hoạt động, du lịch Thủ đô vẫn duy trì đầy đủ các dịch vụ để bảo đảm hoạt động thông suốt và sẵn sàng đón khách trở lại sau khi dịch kết thúc.

Ông Trần Đức Hải cho biết, bám sát chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, ngay trong những thời điểm khó khăn nhất, suốt quý I năm nay, ngành du lịch Hà Nội đã chủ động tham mưu cho UBND Thành phố và chủ động ban hành các hệ thống văn bản, kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng như phát triển sự nghiệp du lịch. Có đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch trên địa bàn Thành phố, đề xuất Thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch Thủ đô bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngành du lịch đồng thời thực hiện cải cách thủ tục hành chính cũng được chú trọng duy trì trong công tác quản lý ngành du lịch ngay trong những thời điểm dịch bệnh căng thẳng.

Khách du lịch trong và ngoài nước sẽ sớm quay trở lại du lịch Thủ đô, đó là điều ai cũng mong mỏi sau những thách thức mà dịch Covid-19 gây nên. Ảnh: Minh Anh

Tái khởi động ngành du lịch, tìm cơ hội trong thách thức

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, ngoài cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, các ngành các cấp, các doanh nghiệp cần chung tay giảm thiểu thiệt hại, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho việc phục hồi kinh tế khi dịch bệnh lắng xuống.

Bám sát tinh thần này, ông Trần Đức Hải cho biết, Đảng bộ ngành du lịch quán triệt tinh thần tích cực triển khai các nhiệm vụ trong giai đoạn bình thường mới sau khi hết giãn cách xã hội, tái khởi động để phục hồi du lịch và đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới.

“Chuyển dịch mục tiêu phát triển thị trường nội địa là định hướng mà ngành du lịch Hà Nội đã đặt ra từ từ cuối năm ngoái, trước khi có dịch bệnh, nên việc tập trung phát triển du lịch nội địa ngay sau khi kiểm soát được dịch Covid-19 hoàn toàn đã có sự chuẩn bị đúng hướng”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết.

Theo ông Hải, đến nay, ngành du lịch sau khi hoạt động trở lại đã có các dư địa để tăng trưởng. Ngành du lịch Hà Nội xác định, để thị trường du lịch sớm hồi phục, cần có giải pháp mang tính dài hơi và đồng bộ. Trong đó, điểm mấu chốt là, dù thực hiện chính sách giảm giá - kích cầu, các đơn vị, doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm chất lượng các tour du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, tiếp tục đề cao sự an toàn của khách hàng, của chính những người làm du lịch.

Các doanh nghiệp trong ngành du lịch Hà Nội cũng đang chủ động thực hiện kế hoạch xây dựng lại thị trường, kích thích nhu cầu du lịch của khách nội địa trong mùa hè này. Công ty Lữ hành Hanoi Redtours sẽ thực hiện 4 gói tour du lịch nội địa có mức giảm sâu từ 30% đến 50%, trong đó đáng chú ý nhất là sản phẩm dành cho gia đình. Gói sản phẩm này hình thành nhờ sự phối hợp của công ty lữ hành, các hãng hàng không, cơ sở lưu trú 4 sao, công ty vận chuyển khách du lịch, nhằm giúp du khách tận hưởng chuyến bay và chỗ ở chất lượng; giá rẻ, nhưng vẫn có thể thực hiện hành trình tham quan theo ý muốn.

Công ty Vietravel - Chi nhánh Hà Nội đã xây dựng xong các sản phẩm du lịch mang tên “Việt Nam - Chào ngày mới” với mức ưu đãi chưa từng có, giảm giá đến 50% đối với các dịch vụ. Công ty Du lịch Hanoitourist cũng đã giới thiệu các tour du lịch đến miền Trung với mức giá chỉ từ 4-5 triệu đồng. Bênh cạnh đó, chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" đặt ra nhiệm vụ chính là đẩy mạnh công quảng bá các điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, triển khai các gói kích cầu du lịch đa dạng.

Chọn thị trường để tập trung kích cầu

Đối với việc kích cầu thu hút du khách đến Hà Nội, ông Trần Đức Hải cho biết, Hà Nội phải lựa chọn thị trường để tập trung kích cầu. Đối với khách du lịch nội địa, Hà Nội có thế mạnh là khách du lịch trải đều tất cả 62 tỉnh, thành phố. Thành phố vẫn tập trung vào du lịch văn hóa, vận động các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nâng cấp sản phẩm cũ.

Trong đó, ngành du lịch sẽ tập trung vào hai trọng điểm là du lịch Mỹ Đức và Ba Vì. Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với huyện Mỹ Đức tìm giải pháp đổi mới hoạt động du lịch để thu hút khách quanh năm đến với lễ hội chùa Hương. Tại huyện Ba Vì, khu vực núi Tổ Ba Vì thờ Thánh Tản Viên chưa khai thác hết tiềm năng, có thể khai thác, kích cầu du lịch nội địa bên cạnh các sản phẩm sẵn có.

Bên cạnh sản phẩm an toàn, các doanh nghiệp cũng cần tạo ra yếu tố giá tốt, bổ sung những sản phẩm, dịch vụ mới để mở rộng, kích thích nhu cầu của du khách.

Ngành Du lịch Thủ đô xác định một trong những giải pháp trọng tâm đó là phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô; trong đó tập trung vào triển khai đề án nâng cao chất lượng một số khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội trên cơ sở bộ tiêu chí đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao và danh mục các khu, điểm du lịch trọng điểm cần tập trung đầu tư đã được xác định. Song song với đó là phối hợp tham mưu thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao; thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch và khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch cao cấp; xây dựng điểm dừng chân, không gian nghệ thuật, điểm trung chuyển khách, giới thiệu sản phẩm du lịch trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh, tiếp tục đầu tư năng cao chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch. Đặc biệt thực hiện số hóa các điểm đến điểm du lịch của các quận, huyện trong hệ thống giới thiệu du lịch chung của Thủ đô bằng giao diện ảnh 360, 3D, FLYCAM, công nghệ thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du lịch…

Hi vọng với những giải pháp đồng bộ này, và sát những chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, ngành du lịch sẽ đóng góp và mục tiêu phấn đấu tăng trưởng chung của Thành phố gấp 1,3 lần bình quân tăng trưởng chung của cả nước.

Nhóm PV

* Bài 5: Nhiều lĩnh vực chủ động thích ứng với trạng thái 'bình thường mới'

Top