Bài 4: Người dân Thủ đô chung sức bảo vệ thành quả chống dịch

13/10/2021 8:38 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, cả hệ thống chính trị Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và bước đầu đã có những thành quả nhất định, mang lại niềm vui, sự tin tưởng cho người dân. Càng vui hơn khi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), từ những nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch, người dân Thủ đô sẽ càng quyết tâm, chung tay giữ vững thành quả, hướng tới ngày chiến thắng “giặc COVID-19”.

Người dân Thủ đô chung sức cùng Thành phố đẩy lùi dịch COVID-19. Ảnh: Diệu Anh

* Bài 3: Ổn định, khôi phục sản xuất, bảo đảm đời sống công nhân

* Bài 2: Giữ vững "vùng xanh" để khôi phục và phát triển kinh tế

* Bài 1: Dựa vào dân, huy động sức dân, quyết tâm giữ thành quả chống dịch

Trong khó khăn thấy rõ hơn sức mạnh của đoàn kết

Cho đến giờ phút này, rất nhiều người cảm thấy hạnh phúc vì được sinh ra, lớn lên hay được ở Hà Nội những ngày này. Chỉ trong thời gian khoảng 2 tháng, Hà Nội đã làm được những điều thần tốc và hiệu quả. Cùng với việc phong tỏa, khống chế các ổ dịch phức tạp, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, Hà Nội cũng đã triển khai tiêm chủng diện rộng, để gần như “phủ sóng” vaccine toàn Thành phố.

Như vậy, trong khi một số địa phương còn dịch bệnh kéo dài, thiệt hại lớn về người và của, một số nơi còn phải thực hiện “khóa chặt, đông cứng” thì tại Hà Nội việc bảo đảm những tiêu chí để nới lỏng dần giãn cách, thực sự rất đáng tự hào. Đó là nhờ sự phối hợp, chung tay, đồng lòng của người dân Thủ đô với các cấp chính quyền.

Ông Nguyễn Văn Thúy, Phó Bí thư Chi bộ 10, phường Liễu Giai, quận Ba Đình. Ảnh: Diệu Anh

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thúy, Phó Bí thư Chi bộ 10, phường Liễu Giai, quận Ba Đình chia sẻ: Trong gần 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát, nhất là trong đợt dịch thứ 4 này, TP. Hà Nội đều tích cực, chủ động xây dựng phương án ứng phó kịp thời, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

“Trực tiếp tham gia tổ COVID-19 cộng đồng, thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ trực chốt hằng ngày, tôi nhận thấy hầu hết người dân đều ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, tự giác tuân thủ các quy tắc phòng dịch của Bộ Y tế cũng như những quy định của chính quyền”, ông Thúy nhìn nhận.

Đặc biệt, trong khó khăn mới thấy rõ hơn sức mạnh đoàn kết, đồng lòng sẻ chia của người dân Thủ đô. Thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhân dân Tổ 10, phường Liễu Giai chúng tôi đã san sẻ, ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn như: Tặng phường Liễu Giai 1 máy sát khuẩn tự động, ủng hộ các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch 260 suất cơm. Mọi tầng lớp nhân dân ở Tổ 10 và nhiều đảng viên sinh hoạt hai chiều tại Chi bộ 10 đã ủng hộ tiền mặt, tạo nguồn hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 ở Tổ 10, với tổng số tiền 82,6 triệu đồng.

Nhân dân sẻ chia, ủng hộ những người tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Diệu Anh

Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã tự nguyện cử các thành viên tham gia trực chốt tự quản phòng dịch cùng với lực lượng Tổ Covid cộng đồng, hỗ trợ các chốt trực không kể sớm muộn, mưa gió; nhiều gia đình ủng hộ thiết bị y tế phòng, chống dịch như khẩu trang, nước khư khuẩn, bánh, mì tôm, nước uống,…Chính yếu tố này đã góp phần tạo lên thành quả chống dịch của phường Liễu Giai, quận Ba Đình nói riêng và của cả TP. Hà Nội nói chung.

“Chúng tôi rất phấn khởi trước kết quả phòng, chống dịch của TP. Hà Nội trong thời gian qua. Tuy nhiên, để giữ vững thành quả đạt được, tôi cho rằng, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch, giúp kiểm soát được dịch bệnh, đưa toàn xã hội bước sang giai đoạn bình thường mới, đặc biệt khi sắp đến kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10)”, ông Thúy nói.

Bắt nhịp với cuộc sống “bình thường mới”

Bạn Lê Thủy-Giáo viên Trường Tiểu học Thắng Lợi. Ảnh: Diệu Anh

Gần 2 tuần sau khi thành phố Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, người dân Thủ đô dần bắt nhip trở lại với nhịp sống bình thường. Dù vậy, bạn Lê Thủy (Giáo viên Trường Tiểu học Thắng Lợi) vẫn chọn duy trì những nếp sống như trong thời kỳ giãn cách, thận trọng, không chủ quan để phòng tránh dịch COVID-19. 

“Mình đang dạy các em học sinh online vào mỗi tối nên ban ngày mình thường ở nhà soạn giáo án, bài giảng. Đôi lúc có việc phải ra ngoài nhưng mình luôn ý thức việc đeo khẩu trang, không tụ tập và duy trì khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với nhiều người bởi mình nghĩ dịch bệnh vẫn còn đâu đó ngoài cộng đồng, chúng ta không nên chủ quan”, bạn Lê Thủy chia sẻ.

Cũng theo bạn Thủy, việc nới lỏng giãn cách chứng tỏ dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Nhưng điều đó chưa đủ để tất cả người dân có thể buông lỏng cảnh giác. Dịch bệnh vẫn ở trước mắt, mọi người vẫn nên góp phần chống dịch theo khả năng của mình. Hạn chế đi lại, thực hiện quy tắc 5K và chủ động tiêm phòng vaccine chính là việc đơn giản nhất chúng ta có thể làm vì bản thân, cộng đồng và không làm uổng sức chống dịch bấy lâu nay của cả hệ thống chính trị Thành phố.

Ông Nguyễn Văn Phú (Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Diệu Anh

Là bộ đội về hưu, ông Nguyễn Văn Phú (Thường Tín, Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, cả hệ thống chính trị của Thủ đô đã cùng vào cuộc, các địa phương, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng y tế, công an, quân đội phải căng mình trên tuyến đầu chống dịch. Với phương châm “Ở đâu dân khó đã có bộ đội”, hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô không chỉ xung phong trên tuyến đầu chống dịch, mà còn tích cực giúp đỡ nhân dân bằng những việc làm thiết thực góp phần ổn định đời sống...

Điển hình như Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tổ chức thu, mua các mặt hàng nông sản; tổ chức “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng” và hoạt động phối hợp thăm, tặng quà động viên nhân dân có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp quản lý, vận hành các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, điều trị các công dân F0… chủ động rà soát các cơ sở cách ly tập trung…

Cùng với đó, hàng triệu người dân Thủ đô, những người có ý thức trách nhiệm đã tuân thủ nghiêm túc quy định phòng, chống dịch với mong muốn sớm đẩy lùi dịch COVID-19. Hàng vạn con người đã hy sinh quyền lợi cá nhân, bất chấp nguy hiểm để góp phần làm nên những thành quả bước đầu trong công tác phòng, chống dịch của Thủ đô.

“Tôi cho rằng mặc dù TP. Hà Nội đã thực hiện nới lỏng nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan. Bản thân tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở con cháu nghiêm túc thực hiện tốt 5K, không được tụ tập, tự mình bảo vệ mình cũng chính là bảo vệ mọi người, góp phần chung sức cùng Thành phố chống dịch bệnh thành công”, ông Phú chia sẻ thêm.

Bà Nguyễn Mai Cánh (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: Diệu Anh

Còn theo bà Nguyễn Mai Cánh (Tây Hồ, Hà Nội), hàng nghìn năm qua, người Hà Nội đã chiến thắng bao nhiêu khó khăn gian khổ, việc đấu tranh với “giặc COVID-19” tiếp tục là một thử thách mà bằng sức mạnh cá nhân hòa trong sức mạnh cộng đồng, chúng ta sẽ lại tiếp tục vượt qua như lớp lớp người đi trước đã dày công kiến tạo. Có niềm tin như vậy là chúng ta đã có một tâm thế mới để đón chờ ngày Hà Nội bình thường trở lại.

“Cuộc chiến COVID-19 kéo dài đã cho mọi người nhiều bài học, chỉ một chút lơ là của cá nhân sẽ ảnh hưởng tới cả một khu phố, một địa bàn. Nên tôi mong rằng, dù Thành phố có nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, mọi người vẫn nên hạn chế tối đa việc đi lại vào thời điểm này để bảo vệ chính mình, bảo vệ gia đình, người thân và tạo điều kiện cho chính quyền sớm kiểm soát được dịch bệnh”, bà Cánh nói.

Là một người kinh doanh, chị Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng đồ ăn nhanh trên đường Võ Chí Công cho biết, để bảo đảm an toàn cho mọi người cũng như tuân thủ tốt các biện pháp trong phòng, chống dịch COVID-19, chị vẫn dặn dò nhân viên cần đeo khẩu trang, thực hiện 5K, đặc biệt mã QR được cửa hàng chị đặt ngay dưới tấm biển “chỉ bán mang về” để thuận tiện cho người dân khi đến mua hàng.

“Tôi nghĩ đây là một việc làm nhỏ nhưng ai cũng cùng chung sức, đồng lòng thực hiện thì những thành quả bước đầu trong công tác phòng, chống dịch của TP. Hà Nội sẽ được bảo toàn, người dân sẽ sớm có cuộc sống bình thường trở lại”, chị Hương nói.

Có thể thấy, điều quan trọng hơn hết, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tiếp tục cần sự vào cuộc của toàn dân. Mỗi người dân Thành phố tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, nêu cao tinh thần cảnh giác; mỗi người dân là một chiến sĩ, nỗ lực, đồng thuận cùng chính quyền địa phương tiếp tục tham gia phòng, chống dịch, quyết tâm bảo vệ thành quả mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua. Sự góp sức, đồng lòng và chung tay của mỗi một cá nhân trong lúc này sẽ tạo thành một bức tường thành vững chắc ngăn chặn triệt để và đẩy lùi dịch bệnh.

Đây là lúc mỗi người nên thể hiện tình yêu Hà Nội bằng những việc làm trách nhiệm, thiết thực nhất. Nâng cao ý thức, bảo vệ thành quả chống dịch để cho những ngày bình thường mới thực sự quay trở lại.

Diệu Anh

Top