Bài học ‘Dân là gốc’ và thực tiễn áp dụng tại Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Thực tiễn giải phóng dân tộc đã chứng minh, tin dân, dựa vào dân, biết khơi dậy sự đồng lòng và phát huy ý chí, khát vọng toàn dân tộc mới bảo đảm được sự trường tồn của non sông đất nước.
Báo Điện tử Chính phủ xin giới thiệu loạt bài viết về sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt bài học "Dân là gốc", phát huy được sức mạnh toàn dân trong triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng của TP. Hà Nội; các cấp ủy, chính quyền từ Thành phố tới cơ sở đã luôn thể hiện tinh thần tôn trọng nhân dân, phát huy sức dân, coi đây là "chìa khóa" tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm tập hợp nhân dân và những giải pháp Hà Nội cần thực hiện để phát huy bài học "dân là gốc", tập hợp đoàn kết nhân dân trong tình hình mới…
Bài 1: Sợi chỉ đỏ xuyên suốt
Với mỗi nhiệm vụ mà Đảng, Trung ương giao phó, có sự đồng hành của dân thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Tin dân, trao đổi với dân, trước việc khó phải cùng dân bàn bạc... là bí quyết thành công của Thủ đô Hà Nội trong thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng vận động người dân chung sức, đồng lòng cùng Thành phố, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh triển khai dự án Vành đai 4. Ảnh: VGP/SL
Trân trọng niềm tin của nhân dân
Cùng với không khí hối hả những tháng cuối năm 2023, Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang tích cực được triển khai thi công trên toàn tuyến. Chủ động và khẩn trương là không khí trên công trường đang thi công các gói thầu. Trong khi đó, tại các quận, huyện đã hoàn thành công tác bồi thường để làm cơ sở bàn giao cho các nhà thầu xây dựng kế hoạch và tổ chức thi công.
Nhớ lại hơn một năm trước, tháng 6/2022, ngay khi Quốc hội thông qua dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại kỳ họp thứ 3, Hà Nội đã bắt tay vào cuộc một cách "thần tốc" giải phóng mặt bằng với những cách làm quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, để chỉ một năm sau đó, tại lễ khởi công dự án, Thành phố đã bàn giao được 70% mặt bằng sạch theo đúng kế hoạch đề ra.
Điều khiến việc giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 gây tiếng vang không phải là ở thời gian một năm ngắn ngủi, mà để có mặt bằng cho dự án quan trọng này, Hà Nội đã có được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong việc di dời hơn 14.000 ngôi mộ.
Nói về quá trình này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng từng chia sẻ, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là nhiệm vụ chính trị được Trung ương giao phó cho Hà Nội - một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề. Nhưng Hà Nội quyết tâm làm vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay.
Việc di dời mồ mả được các quận huyện tích cực vận động thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2022 và nhận được sự đồng thuận lớn của bà con, kể cả những ngôi mộ mới. Nhiều hộ dân chưa nhận tiền đã bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho di chuyển mộ. Nhiều quận, huyện đã hoàn thành việc di chuyển mồ mả ngay trước Tết Nguyên đán...
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chia sẻ, sự ủng hộ, đồng thuận của người dân là rất tích cực, có lẽ ít có dự án nào nhận được sự đồng thuận như vậy. Ông nhấn mạnh, sự hy sinh của bà con nhường một phần đất ở, đất canh tác và chủ động di dời phần mộ của người thân để bàn giao mặt bằng cho dự án là biểu hiện rõ nhất về tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân vì lợi ích chung, vì sự phát triển đi lên của Thủ đô và đất nước.
Vì thế, quá trình thực hiện dự án, lãnh đạo Thành phố mà đích thân là Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã nhiều lần đi khảo sát thực địa, trao đổi cùng chính quyền và người dân 7 quận, huyện với quan điểm, phải bảo đảm tiến độ dự án vì chậm một ngày thì dân khổ thêm một ngày, vốn đầu tư cũng tăng thêm…
Đồng chí cũng nhắc nhở lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, nhất là người đứng đầu phải quán triệt tinh thần trách nhiệm cao vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; sát sao công việc, bám sát tình hình ở cơ sở, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra sai sót ảnh hưởng lòng tin của dân.
Tin dân thì dân tin

Người dân Thủ đô đã chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ chống dịch COVID-19 cùng cấp ủy, chính quyền. Ảnh: VGP/SL
Trong một bài chia sẻ cùng báo chí hồi đầu năm 2023, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng bày tỏ, người dân Hà Nội rất tốt, rất tin chính quyền. Dẫn ví dụ về 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, người dân Thủ đô đã chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ chống dịch cùng cấp ủy, chính quyền bằng việc tự nguyện tham gia các tổ COVID cộng đồng, nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, theo tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi: "Mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch COVID-19".
Mô hình cách ly 3 lớp khi ấy tại huyện Đông Anh đã huy động 11.000 người tham gia. Các lực lượng phân công trực ba ca/ngày. Người dân đóng góp tiền của, vật chất để ủng hộ, giúp những người "giữ chốt" yên tâm với công việc.
Hà Nội là địa bàn kinh doanh sầm uất, giờ đây phải dừng bán hàng tại chỗ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh, nhưng mọi người dân đều nghiêm túc thực hiện, không thể vì cái lợi trước mắt của mình mà làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Thành phố. Việc tạm dừng hoạt động thể dục thể thao tại các địa điểm công cộng gây không ít xáo trộn, nhưng nhìn chung người dân vẫn nghiêm túc thực hiện.
Bí thư Thành ủy khẳng định, qua dịch dã mới biết chính quyền nói gì dân đều nghe, nhưng mình phải đúng và phải lăn lộn cùng dân.
Ông kể lại, trong thời gian chống dịch, chỗ nào dịch căng là đều tới kiểm tra, đi sâu vào trong khu dân cư, đưa ra những phương án tự quản phù hợp. "Khi đi tận nơi, vào sâu sát như vậy thì nói dân rất nghe, càng sâu, càng sát, dân càng nghe. Mình phải tin dân, phải thật sự thật lòng với dân và mình phải là dân luôn".
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Thành phố rất quan tâm triển khai bài học Dân là gốc, dân là trung tâm.
Quá trình thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy Hà Nội luôn hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm phục vụ, cụ thể hóa bằng các chương trình công tác cụ thể. Nổi bật là Chương trình về xây dựng Đảng, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội... Thông qua việc triển khai có hiệu quả các chương trình công tác lớn, Thành ủy Hà Nội đã đưa nghị quyết vào cuộc sống, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thành phố cũng đã tập trung thực hiện 3 chương trình mục tiêu của Trung ương về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chương trình dân tộc miền núi. Kinh tế của Thủ đô không ngừng phát triển và có sự chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, tăng tỷ trọng dịch vụ, du lịch; an sinh xã hội của thành phố luôn được quan tâm. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, quá trình gần 40 năm đổi mới đã khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng là yếu tố quan trọng hàng đầu để đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn. Bài học "Dân là gốc", "Dân là trung tâm" và vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, là yếu tố quan trọng để hoàn thành những nhiệm vụ được Trung ương giao.
(Còn nữa)
Gia Huy-Song Linh