Bàn chính sách phát triển đô thị, liên kết vùng Thủ đô

12/04/2022 4:56 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 12/4, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học về một số chính sách liên quan đến phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, liên kết, phát triển vùng Thủ đô. Đây là các vấn đề đặt ra trong xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bàn chính sách phát triển đô thị, liên kết vùng Thủ đô - Ảnh 1.

Quang cảnh Tọa đàm

Hai nhóm Chính sách được đưa ra tọa đàm là: "Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô" và "Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm".

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ, phát triển nhanh, bền vững, giải quyết các vấn đề tồn tại, phát huy lợi thế của Thủ đô nhằm phát triển đô thị và hạ tầng giao thông là yêu cầu rất quan trọng; có ảnh hưởng đến tương lai của Thành phố. Hà Nội cũng cần chủ động thể hiện vai trò đầu tàu, liên kết và phát triển kinh tế trong vùng Thủ đô.

Do đó, Viện sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng Hà Nội hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu khẳng định tầm vóc, vị trí của mình…

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, dự báo tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến hai nội dung trên.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh đánh giá, chính sách "Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô" là chính sách lớn, sâu rộng. Trong đó, liên quan quản lý biệt thự cũ, nhà trong khu vực nội đô lịch sử, danh mục biệt thự cũ của Hà Nội có hơn 1.200 nhà. Qua rà soát, Sở Xây dựng đề xuất 2 giải pháp, trong đó, có giải pháp được phép bán, cho thuê một số nhà cũ nằm trong danh mục 292 nhà phải bảo tồn.

Trong đó, loại 1 có 48 nhà có giá trị lịch sử, văn hóa, cần phải bảo tồn nguyên trạng; loại 2 gồm 140 nhà có giá trị lịch sử cần bảo tồn, có khả năng bán, trong đó, người dân phải cam kết toàn bộ kiến trúc mặt tiền, kết cấu quan trọng phải bảo tồn. Loại 3 có 104 nhà nằm trong phố cổ, cũ, chất lượng kém, có thể bán cho hộ đang thuê để họ có cơ sơ tôn tạo, chỉnh trang lại.

Ngoài ra, rất nhiều nhà sở hữu của người dân đang xuống cấp, trong khi người dân không có cơ chế, nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang, do đó, cần phải có nguồn lực hỗ trợ người dân chỉnh sửa, cải tạo...

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, với tiêu đề chính sách "Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô", nên có nội dung về xây dựng mới. Mục tiêu của chính sách không chỉ cần đặc thù với nội đô lịch sử mà cần cho cả các đô thị khác hiện hữu ở Hà Nội, nên cần bổ sung về nội dung xây dựng mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bên cạnh đó, tiêu đề chính sách chỉ nêu cơ sở hạ tầng giao thông là chưa đủ. Hạ tầng giao thông là cơ bản nhưng có gắn với hạ tầng kỹ thuật khác và các định hướng đột phá đã xác định hiện nay là kết cấu hạ tầng nên có thể điều chỉnh "hạ tầng kỹ thuật".

Đối với chính sách "Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm", theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, đây là chính sách quan trọng liên quan đến quản lý dân số, kết cầu hạ tầng và cấu trúc mô hình Hà Nội. Về mục tiêu, phải rà soát lại Dự thảo để bảo đảm vai trò của Thủ đô với vùng và cả nước, không chỉ nên giới hạn "vùng Thủ đô"…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần làm tốt công tác quy hoạch và chiến lược phát triển cũng như phân bổ nguồn lực tổng hợp của Hà Nội. Trong đó, cần chắt lọc, đề xuất bãi bỏ những quan điểm, quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bất hợp lý làm cản trở mục tiêu phát triển Thành phố theo hướng hiện đại, văn minh.

Thùy Linh

Top