Đề xuất 16 nhóm chính sách trong xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
(Chinhphu.vn) - Liên quan đến những góp ý về Báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, nhìn chung, 16 vấn đề chính sách được nêu là những vấn đề hoàn toàn mới, là sự sửa đổi, bổ sung toàn diện cho Luật Thủ đô.
Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội, chiều 24/2, Thường trực Thành ủy đã giải trình, tiếp thu các ý kiến thảo luận tại 4 tổ.
Tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện Luật Thủ đô một cách toàn diện
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, sau 2 buổi thảo luận, các đại biểu đã có có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, với những quan điểm, định hướng, cơ sở lý luận, thực tiễn rất sâu sắc, chất lượng cho việc hoàn thiện các báo cáo, đặc biệt là các chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Giải trình về những tồn tại, hạn chế trong thi hành Luật Thủ đô, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, có cả nguyên nhân chủ quan do trách nhiệm tổ chức thi hành Luật của Thành phố còn hạn chế, có những nội dung chưa quyết liệt đề xuất Trung ương, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện. Đồng thời, cũng có những nguyên nhân khách quan liên quan đến thể chế, trách nhiệm của các cơ quan khác, nguồn lực tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Thành phố Chu Ngọc Anh dẫn chứng trường hợp di dời trụ sở các cơ quan, đơn vị Trung ương, cơ sở công nghiệp, các cơ sở đại học, bệnh viện gặp nhiều vướng mắc về việc bố trí quỹ đất, nguồn lực tài chính để thực hiện, có những cơ quan Trung ương đã xây dựng trụ sở mới nhưng xin Trung ương giữ lại trụ sở cũ, không bàn giao lại cho Thành phố.
Một số bệnh viện đã đầu tư xây dựng cơ sở mới nhưng không giảm mà còn tăng quy mô giường bệnh tại cơ sở cũ trong nội thành. Đây là các cơ sở, đơn vị do Trung ương quản lý, vì vậy, việc Thành phố có thể quyết định các biện pháp thực hiện trong vấn đề này rất khó khăn, gặp rất nhiều rào cản.
Hay như trong trường hợp quy định về quy hoạch mở rộng và việc thu hồi diện tích đất mở rộng 2 bên tuyến đường khi thực hiện quy hoạch cũng gặp nhiều khó khăn. Đối với các quy hoạch mở rộng hoặc làm mới các tuyến đường trong nội đô cơ bản đã được quy hoạch, xác định mốc giới thu hồi đất trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực, việc điều chỉnh quy hoạch để mở rộng diện tích thu hồi đất gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, nguồn lực tài chính để đền bù, giải phóng mặt bằng đối với diện tích này là rất lớn, vượt ra ngoài khả năng cân đối của Thành phố, trong khi các quy định về hợp tác đối tác công tư trước đây chưa đủ căn cứ để tổ chức thực hiện nên không huy động được các doanh nghiệp tham gia vào các dự án mở rộng đường giao thông nội đô.
Liên quan đến những góp ý về Báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, nhìn chung, 16 vấn đề chính sách được nêu là những vấn đề hoàn toàn mới, là sự sửa đổi, bổ sung toàn diện cho Luật Thủ đô. Sau hội nghị, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan, tổ soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện một cách cơ bản, toàn diện.
Đối với Báo cáo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt và định hướng nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với định hướng phát triển đô thị TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, các ý kiến góp ý cơ bản thống nhất với báo cáo; lý do, sự cần thiết, căn cứ xây dựng Báo cáo, các tồn tại hạn chế, các mục tiêu, quan điểm và định hướng, cùng các nội dung kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Sửa đổi quy chế làm việc theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền
Cũng tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã giải trình và tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ về 2 nội dung: Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2011-2020 và sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII.
Theo đó, đối với Đề án tổng kết Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, tất cả các ý kiến đều đánh giá việc xây dựng các văn bản đã bảo đảm khoa học, chất lượng, lấy ý kiến qua nhiều vòng, nhiều bước, với sự tham gia của các Bộ, ban, ngành Trung ương, các ban Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học.
Đa số các ý kiến nhất trí với các dự thảo văn bản trong Đề án tổng kết và đánh giá các báo cáo đã nghiêm túc, nhìn thẳng sự thật, đánh giá khách quan những kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân.
Đối với dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII, các ý kiến cơ bản thống nhất việc sửa đổi quy chế làm việc của Thành ủy; sửa đổi, bổ sung các nội dung trong dự thảo Quy chế mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho Thường trực Thành ủy, Đảng đoàn HĐND Thành phố, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố.
Việc phân công các cơ quan được giao chủ trì theo từng lĩnh vực thực hiện việc sơ, tổng kết các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và đóng góp ý kiến đối với các chương trình, kế hoạch, đề án, báo cáo… của các Bộ, ban, ngành Trung ương, các ý kiến cũng cũng cho rằng, việc Thành ủy tham gia ý kiến là phù hợp với các chỉ đạo mới của Trung ương, bảo đảm nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay để giảm bớt thời gian, rút ngắn quy trình xin ý kiến…
Tiếp đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7.
Thùy Linh