Bản sắc văn hóa Việt tại các đền, đình, chùa

27/06/2022 8:07 AM

(Chinhphu.vn) - Trong đời sống tinh thần của người Việt, khái niệm văn minh làng và văn hóa làng luôn đan xen, hòa quyện vào nhau khó mà phân định, tách bạch được. Bản sắc văn hóa nằm ngay trong quá trình vật chất hóa những yếu tố mỹ thuật ở kiến trúc dân gian đền, đình, chùa.

Bản sắc văn hóa Việt tại các đền chùa - Ảnh 1.

Biểu tượng "hai chim phượng chầu vào quả cầu lửa" - Ảnh: Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tiến Thắng

Trên nóc những mái đình, mái chùa, trên cổng các ngôi đền thờ, chúng ta thường bắt gặp mô tip trang trí rất quen thuộc, mà dân gian vẫn quen gọi "Lưỡng long chầu nguyệt". Mô típ trang trí được cấu trúc bởi hai con rồng chầu vào một quả cầu lửa ở giữa, tạo hình đẹp, bố cục chặt chẽ. Xét về mặt hình tượng trang trí, cùng sự đăng đối, mực thước trong tạo hình, cho thấy có sự ảnh hưởng và chi phối của tinh thần Nho giáo. Điều này có thể lý giải, mô típ trang trí là sản phẩm của tạo hình dân gian, nhưng các nghệ nhân lại chịu ảnh hưởng rất lớn từ đội ngũ tri thức ở làng họ là những ông Đồ, thầy Địa lý, những vị hưu quan của xã hội phong kiến.

Không chỉ có "lưỡng Long chầu nguyệt" mà kiến trúc truyền thống còn xuất hiện mô típ trang trí có cấu trúc "hai con chim Phượng chầu quả cầu lửa ở giữa" Những mô típ này có ở Đền Cổ Loa Đông Anh Hà Nội và Đền Đô Bắc Ninh, chúng được đặt trang trọng nơi cổng đền.

Hình tượng Long, Phượng trong văn hóa phương Đông được xếp vào nhóm tứ linh, Nhật (mặt trời), Nguyệt (mặt trăng) được coi là biểu thị tối thượng của vũ trụ. Khi xét bất cứ mô típ nào ở đây đều thấy chúng có đủ các thuộc tính ngôn ngữ: Hàm súc, hội ý, ẩn dụ, trang nghiêm và độc đáo. tiêu chuẩn của một biểu tượng. 

Đã từng có khá nhiều ý kiến tranh luận về biểu tượng: "Hai con rồng hai bên, ở giữa là quả cầu lửa" gọi là thế nào cho đúng ! Có ý kiến cho rằng không thể gọi là "lưỡng long chầu nguyệt" được, mà phải gọi là "lưỡng long tranh châu" mới chính xác ! Cũng có người lập luận: Phải gọi là "lưỡng long chầu nhật" mới đúng vì ở giữa hai con rồng là quả cầu lửa. Tuy nhiên nhiều có nhiều ý kiến nghiêng về biểu tượng này là "lưỡng Long chầu nguyệt". 

Những người theo quan niệm này dựa vào các tượng của quẻ trong kinh dịch để lý giải: Rồng thuộc dương có tương 1 vạch liền, mặt trăng thuộc âm có 1 vạch đứt theo trình tự vạch dương, vạch âm, vạch dương sẽ cho quẻ ly trong kinh dịch. Căn cứ vào nội hàm của quẻ ly cho thấy nó đáp ứng được ước nguyện về một cuộc sống tốt lành, bền vững. hanh thông của cộng đồng làng. Ý kiến này được coi là khả chấp nhận, nó cho chúng ta một hướng giải quyết khi đưa các hình tượng mĩ thuật về ngôn ngữ tượng hình của các quẻ trong Kinh dịch. 

Đối với những biểu tượng trang trí trên các công trình kiến trúc dân gian ở làng, biểu tượng "hai con rồng chầu quả cầu lửa" được gọi là "lưỡng Long chầu nguyệt" có sức thuyết phục hơn cả. Theo Kinh dịch quẻ Ly: "Lợi về sự giữ vững, chính bền, hanh thông, nuôi trâu cái thì được tốt lành" (Ly: lợi trinh, hanh, súc tần ngưu cát). Trong xã hội nông nghiệp ở hình thái làng xã, bên cạnh những ước muốn về sự bền vững ổn định, sự hanh thông, thì nhu cầu nuôi trâu cái để tăng trưởng đàn trâu cày luôn là cái khả ao ước. 

Nếu gọi biểu tượng trên là "lưỡng Long chầu nhật" thì sẽ có trình tự: Rồng thuộc dương, mặt trời thuộc dương và rồng thuộc dương, 3 vạch liền sẽ cho quẻ Càn trong kinh dịch. Luận nội hàm cho thấy: "Càn tương trưng cho trời, nguyên thủy, hanh thông, hài hòa có lợi, trinh chính kiên cố". Rõ ràng với hàm nghĩa này nếu gọi biểu tương là "lưỡng Long chầu nhật" sẽ khiên cưỡng khi đặt lên những kiến trúc, đình làng, chùa làng. Quẻ Càn tượng trưng cho trời cao xa, với dân chúng chỉ có thể "kính nhi viễn tri", quẻ này hợp với các bậc đế, vương hơn, ý nghĩa quẻ này ở tầm quốc gia hợp lý hơn cấp độ làng xã. Lý giải theo hướng đưa về tượng của quẻ dịch cho thấy cả hai cách gọi "lưỡng Long chầu nhật" và "lương Long chầu nguyệt" đều có hàm nghĩa rõ rệt, vấn đề là chúng được đặt ở đâu phục vụ cho mục đích gì.

Trở lại Đền thờ Cổ Loa Đông Anh Hà Nội, và Đền Đô Bắc Nình vậy biểu tượng "hai chim phượng chầu vào quả cầu lửa" sẽ có tên gọi là gì? Để gọi tên của biểu tượng này, ta cần xác định chức năng xã hội của nó trên những công trình kiến trúc cụ thể. 

Đền Đô Bắc Ninh thờ các vị Vua nhà Lý (Lý bát đế), Đền Cổ Loa Đông Anh thờ Thục An Dương Vương và công chúa Mị Nương. Tính chất của hai thiết chế này đều ở quy mô quốc gia, chức năng của hai ngôi Đền nay đều là nơi thờ phụng bậc đế vương. Đây chính là cơ sở để xác định chức năng xã hội của biểu tượng ở đền thờ này phải thuộc về quẻ Càn. Theo như tinh thần đã diễn giải ở các biểu trượng trước đó sẽ có trình tự: Phượng phía Nam, hành hỏa, thuộc dương, Nhật mặt trời thuộc dương, rồi Phượng thuộc dương. Với ba tượng dương, ba vạch liền cho quẻ Càn như vậy biểu tượng này được goi là "lưỡng Phượng chầu nhật". Có thể ai đó sẽ hỏi: Tại sao người Việt lại không sử dụng luôn biểu tượng "lưỡng Long chầu nhật" cho Đền Cổ Loa và Đền Đô, mà lại dùng biểu tượng "lưỡng Phượng chầu nhật" ?

Suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, chúng ta luôn kề cận với nạn xâm lăng của ngoại bang, trong đó đặc biệt phải kể đến nước láng giềng Trung Hoa. Ông cha chúng ta đã từng phải mất hàng ngàn năm đấu tranh và tự hoàn thiện để giành độc lập và thoát khỏi ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc.

Ngay cả khi chúng ta đã giành được độc lập tự chủ thì trong sâu thẳm ý thức của người Việt vẫn luôn có xu hướng thoát Tàu (Trung Hoa) về tư tưởng, văn hóa.

Ở phương Đông từ xa xưa hình tượng rồng luôn đồng nghĩa với vương quyền. Đối với các triều đại phong kiến Trung Hoa, hình tượng rồng luôn được coi là đặc hữu của các bậc thiên tử, những quốc gia láng giềng cũng bị ảnh hưởng tinh thần này. Các triều đại phong kiến Đại Việt dù tiếp thu những yếu tố tích cực trong khai thác hình tượng rồng từ phương Bắc nhưng luôn tìm cách thể hiện riêng sao cho khác với Trung Hoa. Tuy nhiên cũng phải đến thời Lê Sơ trở về sau khi trong lòng xã hội phong kiến xuất hiện dòng văn hóa dân gian ở làng xã, khi đó khát vọng và quyết tâm thoát Tàu của người Việt mới có điều kiện thể hiện. 

Trong văn hóa phương Đông mô hình tứ tượng có Thanh Long (phía Đông thuộc dương) và Phượng Hoàng (phía Nam thuộc dương). Vì đều thuộc dương nên Phượng và Long có thể thay thế cho nhau được. Một lý do nữa để người Việt chủ động thay đổi hình tượng trong biểu tượng, rất có thể do vị trí của Phương Hoàng đóng ở phía Nam nơi "Vua Nam ở". Hơn thế nữa trong ký ức về cội nguồn hình tượng chim Lạc trên trống đồng của văn hóa thời Hùng Vương cũng rất gần với hình tượng chim Phượng hoàng.

Có thể nói việc dùng hình tượng chim Phượng thay cho Rồng trong biểu tượng "lưỡng Phượng chầu nhât", mà nội hàm về cơ bản không thay đổi so với "lưỡng Long chầu nhật" là có chủ ý rõ rệt. Biểu tượng "lưỡng Phượng chầu nhật" được đặt ở nơi thờ phụng các vị Vua Đại Việt chính là khát vọng thoát tàu của ông cha chúng ta. Việc thay thế hình tượng mĩ thuật trong cấu trúc để tạo dựng biểu tượng mới phù hợp hơn trong đời sống tinh thần người Việt là một sự sáng tạo rất đáng trân trọng, nó thể hiện ý thức độc lập, tự cường của người Việt mọi thời đại. Đứng trước cổng đền thờ các vị Vua Đại Việt, ngắm nhìn hình tượng đôi chim Phượng hoàng lửa chầu phục mặt trời phương Nam rực nắng, trong lòng mỗi người Việt như âm vang bài thơ Thần sảng khoái của danh tướng Lý Thường Kiệt năm xưa !

"Nam quốc sơn hà nam đế cư 

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư 

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? 

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!"

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, không chỉ thuần túy là lòng dũng cảm và ý chí bất khuất mà còn cần đến sức mạnh tiềm tàng của tri thức. Để có được điều này ông cha chúng ta đã phải rất bản lĩnh trong quá trình hội nhập và tiếp biến văn hóa với các nước xung quanh đặc biệt là những nước lớn. Sự tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng triết học và văn hóa phương Đông, đã giúp người Việt có cơ sở để xây dựng cho mình một nền văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tiến Thắng

Top