Bảo đảm an toàn thực phẩm: Nâng cao trách nhiệm từ quản lý đến tiêu dùng
(Chinhphu.vn) - Ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh, kiểm tra, xử nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần nói “không” với thực phẩm không an toàn; đồng thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho cơ quan chức năng.
Đẩy mạnh quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Trong quý I/2022, cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra về vấn đề an toàn thực phẩm được hơn 14.700 cơ sở dịch vụ ăn uống; trong đó có hơn 12.500 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ hơn 85%), còn lại gần 2.200 cơ sở có sai phạm đã bị nhắc nhở, xử phạt với số tiền gần 397 triệu đồng.
Qua công tác kiểm tra cho thấy, ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực. Thế nhưng, có không ít nơi vẫn chưa tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm như khu vực sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh, người tham gia sản xuất chưa được tập huấn kiến thức, thực phẩm không xuất trình được nguồn gốc, xuất xứ…,
Mặc dù các ngành chức năng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, nhưng với lực lượng mỏng, thiết bị thiếu, việc kiểm soát chưa được triệt để, "một cây làm chẳng lên non". Vì vậy cần sự vào cuộc quyết liệt của cả cơ quan chuyên môn, nhà quản lý, chính quyền địa phương, tiểu thương, người dân…
Là quận trung tâm Thủ đô, quận Hoàn Kiếm đã và đang đẩy đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là thời gian diễn ra SEAGAMES 31 từ ngày 12/5-23/5/2022.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, quận đã yêu cầu Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm 18 phường khẩn trương tổ chức điều tra cơ bản số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở phải ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết không để tình trạng hoạt động không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, công khai các cơ sở mất an toàn thực phẩm lên trang thông tin điện tử và bản tin của phường. Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn…
Tại quận Thanh Xuân, hưởng ứng "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2022, quận sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các sản phẩm, các địa chỉ sản xuất kinh doanh nông nghiệp chất lượng, an toàn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng nông sản thực phẩm;
Đồng thời, vận động, hướng dẫn bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tuyên truyền, phổ biến, vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Tránh hình thức trong kiểm tra an toàn thực phẩm
Về bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực công thương, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với chủ đề "Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản, thực phẩm trong tình hình mới" của "Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" năm 2022, Sở sẽ tập trung chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ nghiêm luật định trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.
Sở Công Thương cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động nguồn cung ứng hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền kế hoạch và chủ đề của "Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn và trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, triển lãm kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm cấp thành phố kiểm tra công tác triển khai của các địa phương.
Trong lĩnh vực giáo dục, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Lưu Hoa cho biết, Sở sẽ có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục của Thành phố để triển khai "Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm".
Trong đó, tập trung vào 2 nội dung chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh, đặc biệt là các nhân viên chế biến thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin của nhà trường hiểu rõ những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời chỉ đạo các phòng giáo dục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở giáo dục có bếp ăn, căng tin để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh.
Nhấn mạnh vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm làm công việc thường xuyên, liên tục, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu, các địa phương tăng cường trách nhiệm hơn nữa, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn để kế hoạch được triển khai hiệu quả, tránh hình thức.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông một cách công khai, minh bạch về vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như hậu kiểm trong việc chấp hành các quy định về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; chú trọng vấn đề thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng…
"Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2022 được triển khai trên toàn Thành phố từ ngày 15/4 đến 15/5. Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, sự kiện còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Diệu Anh