Bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão

02/10/2019 2:05 PM

(Chinhphu.vn) - Từ đầu mùa mưa bão đến nay, Hà Nội đã hứng chịu nhiều trận mưa lớn, cơn dông lốc mạnh. Dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có khả năng xảy ra trong mùa mưa bão, Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động, hạn chế tình trạng cây gãy đổ, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.

Cắt tỉa cây xanh trên tuyến đường Kim Ngưu, Hà Nội. Ảnh: Thùy Chi

Trước mùa mưa bão, để bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho nhân dân, giảm thiệt hại nguy cơ gãy đổ từ hệ thống cây xanh, chiếu sáng mùa mưa bão năm 2019, Sở Xây dựng Hà Nội đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng) đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị để rà soát khối lượng cây bóng mát gây nguy hiểm, thực hiện cắt tỉa và gia cố cọc chống chưa bảo đảm về kỹ thuật đối với cây bóng mát mới trồng; xử lý kịp thời cây bóng mát có nguy cơ gây mất an toàn mùa mưa bão.

Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội xây dựng phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão làm cây đổ, gẫy theo địa bàn quản lý; tăng cường công tác cắt tỉa cây bóng mát; đặc biệt là công tác chằng chống, khắc phục lại các cọc bị hỏng, mục không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để cây mới trồng không bị nghiêng ngả, đổ khi có gió lớn, đồng thời hạn chế cây đổ mùa mưa bão.

Thực hiện công tác trên, tính cho đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã cắt tỉa, làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao 59.522/67.600 cây cần cắt tỉa theo kế hoạch năm 2019 (tương đương 88%). Trong đó, khu vực 12 quận hoàn thành cắt tỉa 27.915 cây/197 tuyến đường phố, 9 công viên, vườn hoa; 17 huyện và thị xã Sơn Tây hoàn thành cắt tỉa 31.626 cây/123 tuyến đường.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị đã chú trọng cắt tỉa hạ độ cao, hạ tán những cây có đường kính và chiều cao lớn như xà cừ, muồng, phượng... Nội đô cũng có nhiều cây lâu năm bị cây sâu, mục nên phải chặt hạ. Công ty cũng bổ sung, gia cố gần 14.000 cọc chống với những cây trồng mới.

Gần đây xảy ra nhiều cơn dông lốc bất ngờ với sức tàn phá rất mạnh và nguy hiểm. Điển hình, phải kể đến vụ dông lớn chiều ngày 15/7. Cơn mưa dông kèm theo gió giật mạnh đã khiến nhiều tuyến đường Hà Nội ngập sâu 30-50cm, loạt cây xanh gãy đổ.

Ngày 3/8, ảnh hưởng bởi bão số 3, khu vực nội thành Hà Nội có mưa và gió lốc lớn khiến nhiều cây xanh đổ la liệt, làm ảnh hưởng giao thông trên nhiều tuyến phố.

Chiều 29/8, ảnh hưởng của bão số 4, Hà Nội lại tiếp tục xảy ra mưa dông lớn trên diện rộng. Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, đã có 92 cây xanh bị đổ, bật gốc và gãy cành; trong đó có 11 trường hợp cây đổ đè vào ô tô, dây điện; 2 trường hợp cây đổ đè vào người đi đường khiến một người tử vong tại chỗ...

Tuy nhiên, những con số trên đã giảm được rất nhiều thiệt hại. Người nghe sẽ không khỏi rùng mình khi nhớ lại con dông lớn vào ngày 13/6/2016, cơn dông này đã làm gãy đổ gần 1.300 cây xanh, 21 cột điện, làm cho 13 ô tô, nhiều xe máy và những vật dụng khác bị hư hại.

Việc này cho thấy, nhờ việc chủ động đầu tư nhiều phương tiện chăm sóc cây xanh hiện đại, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, tăng cường kiểm tra, cắt tỉa, chặt hạ cây nguy hiểm, giám sát chất lượng cây bóng mát mới trồng, đã giúp Thành phố giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh và các quận, huyện, thị xã luôn chủ động lên phương án ứng phó, phòng ngừa, bên cạnh việc xử lý các sự cố đột xuất, giải tỏa cây gãy đổ sau mưa bão, gió lốc; bảo đảm phân luồng giao thông kịp thời...

Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn trong mừa mua bão, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đôn đốc, hướng dẫn các công ty duy tu, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố tăng cường cắt tỉa cây bóng mát, điều chỉnh độ cao, độ nặng tán; kiểm tra các cột chống, khắc phục các cọc bị hỏng, mục để cây trồng mới không bị nghiêng, đổ khi có gió lớn; xây dựng quy chế phối hợp trong việc bảo vệ cọc chống cho cây bóng mát; phối hợp với các quận, huyện, thị xã khảo sát hệ thống cây bóng mát, cắt tỉa ngay cây có nguy cơ gãy đổ cao...

Với yêu cầu nói trên, từ nay đến hết năm 2019, tại các quận, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội sẽ cắt tỉa 4.200 cây; tại các huyện và thị xã Sơn Tây, các đơn vị trúng thầu sẽ cắt tỉa, vén tán 36.000 cây.

Bên cạnh công tác bảo đảm, hạn chế tình trạng cây gãy đổ mùa mưa bão, các đơn vị quản lý chức năng cũng đã duy trì chiếu sáng công cộng trên địa bàn Thành phố, tổ chức kiểm tra, thay thế các cột, cần đèn chiếu sáng có nguy cơ gẫy đổ, các tuyến đường dây cáp đi nổi có khả năng chập cháy, cáp bị lão hóa.

Đồng thời, duy trì chiếu sáng công cộng chuẩn bị nhân lực sẵn sàng, kịp thời cắt điện vùng bị ngập lụt, nhanh chóng khôi phục hệ thống chiếu sáng công cộng sau bão lũ, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua lại trên các tuyến đường.

Thùy Chi

Top