Bảo đảm ATTP từ sản xuất nấm theo công nghệ Nhật Bản
(Chinhphu.vn) - Mặc dù là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhưng thực tế cho thấy, nguồn nấm kim châm tiêu thụ tại Hà Nội cũng như trong nước chủ yếu nhập từ Trung Quốc, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và được tiêu thụ tràn lan tại các chợ.
![]() |
Sản xuất nấm kim châm theo công nghệ Nhật Bản bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Ảnh: Minh Nhung |
Qua khảo sát của phóng viên, tại một số chợ lớn như Nghĩa Tân, chợ Bưởi, chợ đầu mối Dịch Vọng hay các chợ cóc, buôn bán nhỏ lẻ… các tiểu thương vẫn bày bán rất nhiều các loại nấm, nhiều nhất là nấm kim châm. Điểm dễ nhận biết là các loại nấm này không có nhãn mác, đóng gói sơ sài và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nếu so với các sản phẩm nấm sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm và rõ nguồn gốc thì những loại nấm này có giá khá rẻ, có giá khoảng 12.000 đồng/200gr.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nấm kim châm là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hàng ngày nước ta vẫn nhập hàng trăm tấn nấm kim châm từ Trung Quốc, không qua kiểm nghiệm và bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác, trồng nấm rất có lợi cho nông nghiệp Việt Nam khi vừa tạo ra sản phẩm an toàn vừa có lợi cho sức khỏe, tạo công ăn việc làm ổn định cho nông dân và vừa đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm khói bụi. Bên cạnh đó, nước ta sẵn nguồn nguyên liệu để sản xuất nấm rất phong phú nhưng chưa được tận dụng triệt để.
Trước thực trạng này, việc sản xuất nấm kim châm sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm theo công nghệ Nhật Bản là một hướng phát triển mới, không những đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Theo bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu kim châm Kinoko Thanh Cao (Mỹ Đức, Hà Nội), hiện nay nước ta mỗi ngày nhập hơn trăm tấn nấm kim châm từ Trung Quốc, điều này cho thấy tiềm năng thị trường tiêu thụ nấm kim châm ở trong nước là rất lớn. Tuy nhiên vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm lại chưa được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Hà Nội và nhất là vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, công ty đã vận dụng công nghệ sản xuất nấm kim châm của Nhật Bản vào sản xuất trong nước. Kết quả, sau một năm đi vào hoạt động, nhà máy sản xuất nấm kim châm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, ở thôn Đốc Kính, xã Đốc Tín (Mỹ Đức, Hà Nội) đã sản xuất giai đoạn 1 là 1,5 tấn nấm kim châm/ngày, dự kiến đến cuối năm 2017 đạt 3 tấn nấm kim châm/ngày, với tổng vốn đầu tư hơn 3 triệu USD.
Trước đó, năm 2012, cơ sở của bà Dương Thị Thu Huệ được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng và công ty bỏ vốn đối ứng 16 tỷ đồng để triển khai dự án sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu trên quy mô theo hướng công nghiệp, tạo thành mô hình điểm. Từ đó nhân ra các hộ vệ tinh trên địa bàn Thành phố. Trong quá trình xây dựng và triển khai công ty cũng gặp phải không ít khó khăn.
Chia sẻ với phóng viên, bà Huệ cho hay, lúc đầu, sau 17 mẻ nấm kim châm đầu tiên không mọc lên một cọng nấm nào. Các chuyên gia Nhật Bản cũng ngạc nhiên vì trong hơn 60 năm trồng nấm ở Nhật Bản, họ chưa bao giờ thấy hiện tượng này. Sau khi tìm hiểu mới nhận ra nguyên nhân là do lõi ngô của Việt Nam vừa cứng vừa không hút nước (trong khi lõi ngô của Nhật vừa mềm vừa hút nước). Thứ hai là do vỏ ốc biển lẽ ra trước khi nghiền phải rửa sạch nước muối thì bà lại bỏ qua quy trình này nên vỏ ốc bị mặn. Ngoài ra, do cám gạo của Việt Nam không đạt yêu cầu về độ đạm, chỉ có 7%, trong khi cám gạo của Nhật Bản độ đạm là 15%.
Việc áp dụng công nghệ của Nhật Bản để sản xuất ra nấm kim châm khác biệt với công nghệ Việt Nam ở 3 điểm. Trước hết là về thiết bị hoàn toàn kín trong nhà lạnh được quản lý về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và rất chặt chẽ về kỹ thuật. Tiếp đó là vấn đề về nguyên liệu, ở Việt Nam sản xuất bằng mùn cưa và một ít cám do phong tục tập quán trồng nấm của Việt Nam đến thời điểm này vẫn là trồng trong túi ni lông và bằng phương pháp thủ công là chính. Chính điều đó dẫn đến số lượng sản phẩm làm ra không nhiều, thời gian làm kéo dài, nấm dễ bị nhiễm mốc. Nhưng sản xuất nấm kim châm bằng lọ, với công nghệ của Nhật Bản chuyển giao, chỉ 35% là chất thô, 65% còn lại là các loại cám dinh dưỡng, cho nên nấm ăn có sự khác biệt. Đặc biệt là khi nấm được sản xuất trong điều kiện kiểm soát vệ sinh và kỹ thuật cao của Nhật Bản nên khi doanh nghiệp định ra bao nhiêu cân nấm một ngày thì sẽ nhờ bên Nhật Bản thiết kế nhà máy theo đúng như quy mô.
Với những nỗ lực không ngừng, hiện nay sản phẩm nấm kim châm của công ty đã được công ty TNHH Thực phẩm lý tưởng Việt Nam phân phối tại nhiều siêu thị ở miền Bắc và một số tỉnh phía Nam, giá bán ra thị trường khoảng 120.000 đồng/kg. Hi vọng với sự phát triển của công nghệ sản xuất nấm tiên tiến, bảo đảm đúng quy trình theo công nghệ chuyển giao của Nhật Bản sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Minh Nhung