Bảo đảm các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn và hấp dẫn

16/02/2025 4:22 PM

(Chinhphu.vn) - Trên địa bàn thành phố có hơn 1.500 lễ hội, trong đó phần lớn diễn ra vào đầu năm. Trong đó, Lễ hội Chùa Hương là một trong những lễ hội lớn, có sức hút hàng vạn người và kéo dài nhất trong năm. Hiện nay, công tác tổ chức, quản lý lễ hội này đang bám sát theo chỉ đạo của Thành phố để bảo đảm văn minh, an toàn cho du khách.

Bảo đảm các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn và hấp dẫn- Ảnh 1.

Du khách được trang bị dù che nắng và được phát nước uống miễn phí khi đi thuyền để đến thăm các ngôi chùa. Ảnh: VGP/Minh Anh

Công tác tổ chức chuyên nghiệp, bài bản

Huyện Mỹ Đức, Hà Nội hiện có 282 di tích. Trong đó, quần thể thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) được Thủ tướng ký quyết định là Di tích quốc gia đặc biệt; UBND thành phố Hà Nội quyết định công nhận đây là khu du lịch cấp thành phố... 

Lễ hội chùa Hương năm 2025 có chủ đề "Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt", diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2 đến hết ngày 1/5. Trong đó, lễ khai hội đã được tổ chức vào ngày 3/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng), thu hút hàng nghìn lượt khách đổ về tham quan, chiêm bái.

Để đảm bảo tổ chức các Lễ hội chùa Hương 2025 một cách an toàn, tiết kiệm và phù hợp với truyền thống văn hóa, chính quyền huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và Ban tổ chức Lễ hội đã có nhiều sự đổi mới phù hợp với thực tiễn. Điểm đổi mới nổi bật của Lễ hội chùa Hương 2025 là mỗi lái đò có mã QR code tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách.

Bảo đảm các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn và hấp dẫn- Ảnh 2.

Mỗi lái đò đều được cấp 1 thẻ đeo có mã QR để quý khách phản ánh các vấn đề với BTC lễ hội. Ảnh: VGP

Ông Bùi Văn Triều, Trưởng ban Quản lý khu di tích chùa Hương cho biết, Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương đã được giao nhiệm vụ xây dựng phương án đưa công nghệ số vào quản lý, sử dụng mã QR để đánh giá sự hài lòng của du khách cũng như tiếp nhận ý kiến phản ánh, từ đó có những điều chỉnh kịp thời.

"Mỗi xã viên lái đò có một mã QR để Hợp tác xã quản lý, mỗi thuyền đò có mã QR tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách. Thời gian phục vụ du khách bằng thuyền đò bắt đầu từ 4h30 đến 20h hàng ngày. Đối với những trường hợp làm phiền du khách như vòi vĩnh hay các hành vi không đúng mực, Ban quản lý sẽ xử lý nghiêm, nhắc nhở và cam kết sẽ lập biên bản, xử lý nếu cần thiết. Đến nay, chưa gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào và đã có các biện pháp nhắc nhở các nhân viên và chủ phương tiện để bảo vệ quyền lợi du khách", ông Triều thông tin.

Bảo đảm các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn và hấp dẫn- Ảnh 3.

Lối lên chùa sạch sẽ, không có hiện tượng chèo kéo đeo bám khách. Ảnh: VGP/Minh Anh

Cũng theo Trưởng ban Quản lý khu di tích chùa Hương, Ban tổ chức đã tích hợp vé tham quan thắng cảnh và vé xuồng đò, tạo sự tiện lợi và minh bạch trong dịch vụ. Các bến, bãi đỗ xe được quy hoạch chặt chẽ... Công tác quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông, và phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường khu thắng cảnh tiếp tục được siết chặt, đảm bảo môi trường lễ hội an toàn và thân thiện.

Về giá dịch vụ, giá vé tham quan thắng cảnh không thay đổi so với năm 2024, vẫn là 120.000 đồng, trong khi giá vé đò thuyền tăng từ 85.000 lên 110.000 đồng, đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông thủy, có ô che, nước uống miễn phí và tiếp nhận phản ánh từ du khách để cải thiện dịch vụ", ông Triều cho biết thêm.

Đối với dịch vụ vận chuyển bằng cáp treo từ chùa Thiên Trù đi động Hương Tích vé khứ hồi là 260.000 đồng/người lớn, 180.000 đồng/trẻ em và người được ưu tiên. Giá đi một lượt là 180.000 đồng/người lớn, 120.000 đồng/trẻ em và người ưu tiên. Giá vé vận chuyển bằng xe điện từ bãi gửi xe đến bến đò là 20.000 đồng/người/lượt.

Bảo đảm các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn và hấp dẫn- Ảnh 4.

Năm nay có thêm 1 tuyến cáp treo Hương Bình xuất phát từ chùa Long Vân (gần bến đò) sang chùa Tiên (Hoà Bình). Ảnh: Ban quản lý cung cấp

"Về cáp treo, lượng khách sử dụng dịch vụ này chiếm khoảng 60-70% tổng số khách tham quan mỗi ngày. Vì vậy, chúng tôi đã lên phương án điều tiết lượng khách ngay từ bến đò để tránh ùn tắc và đảm bảo sự an toàn và thuận tiện cho du khách trong suốt quá trình tham quan", ông Triều nói.

Theo Ban Quản lý khu di tích chùa Hương, từ ngày 31/1 đến ngày 12/2/2025 có 231.094 lượt khách về trẩy hội (so với năm 2024 giảm 47.000 người do một số nguyên nhân khách quan).

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoài Thu (tỉnh Thái Bình) cho biết, mỗi dịp đầu xuân năm mới gia đình chị đều cùng nhau đi vãn cảnh, chiêm bái đền chùa. Năm nay là năm thứ hai, 2 vợ chồng và 2 con tiếp tục chọn tham quan chùa Hương sau 2 tuần khai hội. "Hai năm nay nhìn chung không có tình trạng chen lấn, xô đẩy hay chèo kéo khách. Gia đình tôi đầu tiên đi đền Trình để dâng lễ, xong đến Chùa Thiên Trù rồi đến tham quan động Hương Tích", chị Hoài Thu cho hay.

Cũng tham quan chùa Hương sau hai tuần khai hội, chị Nguyễn Thị Hoa (tỉnh Hòa Bình) cho biết: Việc phân luồng giao thông từ xa, điều tiết xe điện đưa đón du khách nên không còn tình trạng ùn ứ giao thông như những năm trước. Dọc khu vực bến Yến, lối lên xuống đò đã được tổ chức bài bản, có cửa quét vé tự động kết hợp nhân viên hướng dẫn. Dịch vụ xuồng, đò năm nay cũng được đổi mới hoàn toàn, áo phao, nước uống, ô che… đầy đủ nên du khách cảm thấy hoan hỷ trong ngày lễ hội đầu xuân.

Bảo đảm các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn và hấp dẫn- Ảnh 5.

Vợ chồng Ông Bà Portier (Du khách Pháp) chia sẻ với phóng viên những cảm nhận khi đến Lễ hội chùa Hương. Ảnh: VGP/Minh Anh

Bà Portier (Du khách Pháp) cho biết: "Qua cảnh điểm trên mạng, chúng tôi biết đến chùa Hương. Khi đến đây, chúng tôi cảm nhận thấy người Việt Nam mến khách, luôn luôn tươi cười, hồ hởi, vui tươi. Đến chùa Hương thấy cảnh quan môi trường hấp dẫn, lý thú, chùa có kiến trúc đẹp và khác xa so với đất nước chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi vẫn mong muốn ở những lễ hội như thế này, nên có lối đi dành cho người khuyết tật để họ chiêm bái trải nghiệm".

Anh Nguyễn Văn Hiệp, hướng dẫn viên du lịch cho đoàn khách Pháp cho biết, anh đã đưa khách đến chùa Hương thăm quan và trải nghiệm lễ hội trong suốt hàng chục năm qua, và cảm nhận thấy năm nay, thực sự đã có nhiều đổi khác, không còn thấy hình ảnh lộn xộn, mọi gian hàng đều được sắp xếp quy củ và ngăn nắp hơn. Không còn nhiều hiện tượng chèo kéo, mất trật tự.

Có thể thấy, từ những nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường đến áp dụng công nghệ thống tin vào quản lý, chuyển đổi số; thay đổi cung cách phục vụ của từng người lái đò đã góp phần vào thành công của lễ hội chùa Hương 2025 với những cảm nhận hài lòng của nhiều du khách.

Theo UBND huyện Mỹ Đức, hiện tại huyện đang phối hợp cùng các sở, ban ngành để thực hiện chủ trương quy hoạch chùa Hương theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (đầu tư xây dựng bến bãi giúp mọi người thuận tiện hơn trong việc di chuyển bằng đường thủy, nâng cao chất lượng phục vụ đò, thuyền, đảm bảo an toàn cho du khách).

Bảo đảm các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn và hấp dẫn- Ảnh 6.
Bảo đảm các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn và hấp dẫn- Ảnh 7.

Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm để bảo đảm văn minh, sạch đẹp. Ảnh: VGP/Minh Anh

Quan tâm chỉ đạo và quản lý các hoạt động lễ hội trên địa bàn Thủ đô

Ngày 8/1/2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND về việc tăng cường các biện pháp trong quản lý và tổ chức Lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2025.

Kế hoạch nhằm đảm bảo công tác quản lý và tổ chức lễ hội truyền thống tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn Thủ đô. Tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc Tiên đế, các bậc tiền nhân có công với dân, với nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất và con người địa phương, đặc biệt tiếp tục là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sâu sắc hơn về di tích lịch sử văn hóa, các nhân vật được thờ phụng tại di tích đến với Nhân dân và du khách. Tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ động viên các tầng lớp Nhân dân trong thi đua lao động, sản xuất.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Lễ hội là ngày hội văn hóa truyền thống, là cầu nối giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý và tổ chức lễ hội giữa các địa phương trên địa bàn Thành phố vùng Thủ đô, vùng châu thổ sông Hồng, làm sâu sắc hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Do đó, UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu đảm bảo việc tổ chức lễ hội phải an toàn, tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư; tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của địa phương, của dân tộc.

Bảo đảm các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn và hấp dẫn- Ảnh 8.

Thuyền văn hóa trên suối Yến. Ảnh: VGP/Minh Anh

Việc tổ chức Lễ hội cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, trang nghiêm, trọng thể, tạo ra được các sản phẩm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, bảo đảm yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố hiện đại của thời đại, đồng thời giữ được an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy, nổ trong quá trình tổ chức Lễ hội, xây dựng môi trường cảnh quan của di tích "sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn".

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, năm nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, các lễ hội diễn ra an toàn, phù hợp với thuần phong mỹ tục, mang đậm tính văn hóa của từng địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài, để các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, hấp dẫn, Sở đã đề nghị, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền quy tắc ứng xử văn minh trong lễ hội; quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự; quản lý tốt tiền công đức. "Bên cạnh việc duy trì nét đẹp truyền thống, các địa phương cần có những sáng tạo, đặc biệt về áp dụng công nghệ trong phần hội, bảo đảm lễ hội diễn ra đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống nhưng vẫn hấp dẫn, mới lạ đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách", ông Tài nói.

Thực hiện Kế hoạch số 12/KH-UBND của Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chủ trì tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố thực hiện kiểm tra, đôn đốc trước, trong và sau lễ hội. Nhìn chung, các lễ hội bảo đảm không khí trang nghiêm, đúng truyền thống mang đến không khí tươi vui đầu năm mới. Trong đó, nhiều lễ hội có sáng tạo mới, kết hợp công nghệ trong công tác quản lý, tổ chức mang đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Nhiều lễ hội lớn tổ chức tốt việc phân luồng giao thông, công tác an ninh, môi trường nên đã giảm được tình trạng ùn tắc, tạo điều kiện người dân và du khách du xuân thuận tiện như lễ hội chùa Hương, lễ hội Gióng đền Sóc, lễ hội Bia Bà...

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, một số lễ hội trên địa bàn còn tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè; vệ sinh môi trường chưa bảo đảm trong những ngày lượng khách đông; nhiều nơi chưa niêm yết giá các dịch vụ. Nhưng những nỗ lực đổi mới của các địa phương đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động lễ hội tại thành phố Hà Nội năm 2025 như là những thay đổi đáng ghi nhân và khích lệ.

Minh Anh

Top