Ứng dụng công nghệ để Lễ hội Chùa Hương ngày càng an toàn, văn minh

10/12/2024 10:20 AM

(Chinhphu.vn) - Nhờ việc đổi mới tổ chức và phương thức quản lý, ứng dụng công nghệ, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) đang ngày càng hướng tới an toàn, văn minh và hiện đại.

Ứng dụng công nghệ để Lễ hội Chùa Hương ngày càng an toàn, văn minh- Ảnh 1.

Thuyền đò tập kết tại bến Yến đón du khách. Ảnh: VGP/Minh Anh

Về miền đất Phật chùa Hương

Huyện Mỹ Đức nằm phía Tây Nam Hà Nội, phía Đông giáp huyện Ứng Hòa, ranh giới là con sông Đáy, phía Bắc giáp huyện Chương Mỹ, phía Tây giáp các huyện của tỉnh Hòa Bình: Lương Sơn (Tây bắc), Kim Bôi (chính Tây), Lạc Thủy (Tây nam) và phía đông nam giáp huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam.

Là huyện vùng bán sơn địa, nằm ở phía Nam của đồng bằng Bắc bộ, có vùng núi đá vôi hang động Karst, khu thắng cảnh chùa Hương. Huyện còn có hồ nước lớn là hồ Quan Sơn, nằm trên địa phận xã Hợp Tiến. Ở rìa phía Đông có sông Đáy chảy theo hướng từ Bắc xuống Nam sang tỉnh Hà Nam.

Mỹ Đức đặc biệt nổi tiếng với khu di tích danh thắng chùa Hương thuộc xã Hương Sơn. Đây được coi là một vùng thánh địa của miền thiên quốc lạc bước xuống trần gian, nên từ lâu đã trở thành điểm du lịch thu hút rất đông khách thăm quan và hành hương về lễ Phật những tháng đầu năm. Lễ khai hội Chùa Hương được bắt đầu từ ngày mùng 06 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây cũng là lễ hội dài nhất nước ta, diễn ra trong suốt 3 tháng mùa xuân.

Theo Phật thoại, chùa Hương là nơi lưu dấu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát tu hành trong 9 năm. Sau khi đắc đạo, bà trở về chữa bệnh cho cha, giúp nước trừ loạn và phổ độ chúng sinh. Cứ theo truyền thuyết trên mà suy thì trong tâm thức của người Việt, Hương Tích là một địa danh được nhắc đến vì đó là nơi lưu dấu chân của Đức Phật. Người Việt hiểu là: Quán Thế Âm - vị giáo chủ Đạo Viên Thông ở Nam Hải, tìm những nơi có lời than khổ mà cứu khổ. Người cảm ứng và thiêng liêng, tuy đã thành Phật nhưng vì đau thương tưởng nhớ tới chúng sinh, người thị hiện ở trần gian để cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh.

Tư tưởng Phật giáo và đức tin về một nhân vật trong lịch sử Phật giáo đã bắt nguồn và đặt nền móng như vậy, bao trùm lên không gian vùng Hương Tích và thời gian hàng nghìn đời nay của người Việt Nam với quần thể di tích danh thắng Hương Sơn.

Quần thể danh thắng Hương Sơn bao gồm 21 đền, chùa, hang động nằm rải rác ở 4 thôn Yến Vỹ, Ðục Khê, Hội Xá và Phú Yên thuộc địa phận xã Hương Sơn. Đa số chùa đều dựa vào sườn núi hoặc nằm dưới thung lũng, ven suối Yến có địa thế đẹp để kiến tạo.

Ứng dụng công nghệ để Lễ hội Chùa Hương ngày càng an toàn, văn minh- Ảnh 2.

Trong mùa Lễ hội chùa Hương năm 2024, Chùa Hương có xe điện để phục vụ du khách từ bãi trông giữ phương tiện đến bến đò. Ảnh: VGP/Minh Anh

Khách hành hương đến thăm quần thể danh thắng Hương Sơn thường đi theo ba tuyến chính:

Tuyến Hương Tích: gồm suối Yến, đền Trình Ngũ Nhạc, chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng, động Hương Tích, động Hinh Bồng, động Đại Binh.

Tuyến Long Vân: Gồm có chùa Long Vân; động Long Vân, , chùa Cây Khế, động Người Xưa và Tuyến Thanh Sơn: Chùa động Thanh Sơn - động Hương Đài.

Tuyến chùa Tuyết: Gồm có đền Trình Phú Yên; chùa Bảo Ðài; chùa Cả; Động Tuyết Sơn; Am Phật Tích.

Đổi mới quản lý lễ hội chùa Hương

Lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng và là lễ hội dài nhất trong năm ở khu vực miền Bắc. Trong những năm qua, để thu hút du khách, UBND huyện Mỹ Đức, Ban Quản lý (BQL) Di tích và thắng cảnh đã đầu tư, đổi mới cơ chế quản lý, phát huy, bảo tồn, khai thác giá trị di tích, cảnh quan, dịch vụ… Từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2024, lượng khách về tham quan thắng cảnh: 915.762 lượt khách.

Năm 2024, công tác đổi mới quản lý lễ hội tiếp tục được UBND huyện Mỹ Đức, BQL Di tích và thắng cảnh Hương Sơn chú trọng, đầu tư. 

Cụ thể, theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban BQL Di tích và thắng cảnh Hương Sơn, những người làm công tác quản lý lễ hội chùa Hương được "nhàn hơn" bởi mọi quy định đã đi vào nề nếp, đặc biệt là việc vận chuyển khách trên suối Yến. Đò vận chuyển trong lễ hội chùa Hương năm 2024 do HTX Dịch vụ du lịch chùa Hương quản lý thay vì chủ đò tự đón khách như những năm trước.

Ứng dụng công nghệ để Lễ hội Chùa Hương ngày càng an toàn, văn minh- Ảnh 3.

Du khách trẩy hội chùa Hương. Ảnh: VGP/Minh Anh

"Trước đây, 4.000 lái đò cứ đi mời chào từ ngoài đường, gây ra mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến mỹ quan, thiếu văn minh. Năm nay, các lái đò được sắp xếp lần lượt, ngày nào đông, có lái đò được vận chuyển 2 lượt/ngày. Điều này đảm bảo tính công bằng cho tất cả mọi người khi tham gia vào HTX. Trên đò, chúng tôi yêu cầu các lái đò tuân thủ quy định về trang phục màu cam nên dễ dàng nhận diện và tạo nên sự đồng bộ, dễ kiểm soát", ông Nguyễn Bá Hiển nhấn mạnh.

Tiếp đó, khách vào được hướng dẫn gửi xe vào bến bãi rồi từ đây, đi xe điện xuống các bến đò. Tại các bến đò, Ban Quản lý bố trí 10 trạm kiểm soát vé, nhờ lắp đặt quét mã QR, ứng dụng công nghệ nên không chỉ du khách xếp hàng trật tự mà còn rất minh bạch, tránh thất thoát.

Bên cạnh đó, BQL cũng quy định thời gian vận chuyển khách từ thứ Hai đến thứ Sáu là 5h-20h; thứ Bảy và Chủ nhật 4h-20h; đồng thời niêm yết công khai giá dịch vụ đò hai chiều năm nay tăng. Cụ thể, đi tuyến Hương Tích: 85.000 đồng/người (tăng 35.000 đồng), tuyến Long Vân - Tuyết Sơn: 65.000 đồng (tăng 30.000 đồng); giá vé thắng cảnh là 120.000 đồng/người/lượt.

Nói thêm về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường suốt mùa lễ hội, ông Hiển cho hay, từ năm 2023, BQL Di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã chuyển toàn bộ rác từ trong khu vực trong ra ngoài, không để lưu giữ rác ở phía trong đền, chùa, suối Yến.

Ngày nào đông du khách thì có chừng 4 chuyến thuyền vận chuyển rác thải ra ngoài để đảm bảo môi trường, cảnh quan sạch đẹp.

Cũng theo chia sẻ của ông Hiển, dù còn nhiều khó khăn trong việc đầu tư công nghệ, hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực, song huyện Mỹ Đức và Ban Quản lý Di tích và thắng cảnh Hương Sơn vẫn duy trì chủ trương chú trọng công tác quản lý, để mang đến những trải nghiệm thoải mái, lý thú cho khách thập phương khi tham quan quần thể Hương Sơn.

UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là Khu du lịch cấp Thành phố.

Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) có hệ thống núi non, có rừng Hương Sơn 3 tầng thực vật, có suối Yến trong xanh. Quần thể Hương Sơn được xây dựng từ đời Lê Thánh Tông (1442 - 1497), sau nhiều lần được tu bổ, sửa chữa, đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị về lịch sử, danh thắng và đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng của đạo Phật Việt Nam.

Minh Anh

Top