Đổi mới, sáng tạo để phố cổ Hà Nội là 'nơi phải đến'

09/12/2024 8:31 PM

(Chinhphu.vn) - Không gian công cộng, văn hóa sáng tạo trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã tạo ra địa điểm vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước, là nơi hội nhập văn hóa thế giới và các vùng miền.

Đổi mới, sáng tạo để phố cổ Hà Nội là 'nơi phải đến'- Ảnh 1.

Khu du lịch khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và Khu Phố cổ Hà Nội đã đươc công nhận là Khu du lịch cấp Thành phố. Ảnh: VGP


Khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và Khu Phố cổ Hà Nội có diện tích 145,72 héc-ta, là nơi tập trung nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật truyền thống với không gian mặt nước, cây xanh; với các biểu tượng văn hóa nổi tiếng là Tháp Rùa, Tháp Bút và Đài Nghiên, đặc biệt là truyền thuyết gắn liền với lịch sử giữ nước, dựng nước của dân tộc. Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013.

Khu Phố cổ Hà Nội với tên gọi 36 phố phường xưa, gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Khu đô thị này tập trung dân cư hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành nên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị. Hiện nay, Phố cổ Hà Nội có 76 tuyến phố thuộc 10 phường, là nơi lưu giữ dấu ấn của Thăng Long xưa với nhiều điểm di sản, các ngôi nhà cổ, các phố nghề, nếp sinh hoạt của người dân... Khu Phố cổ Hà Nội được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia năm 2004.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan của hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận cũng như Phố cổ Hà Nội, quận Hoàn Kiếm xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa. Trong đó, quận xây dựng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, Phố cổ Hà Nội; hình thành các không gian văn hóa sáng tạo tại phố bích họa Phùng Hưng, 22 Hàng Buồm... Đây là điểm tham quan tiêu biểu, điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến Thủ đô.

Ngày 31/10/2023 UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 5526/QĐ-UBND về việc công nhận Khu du lịch cấp Thành phố đối với Khu du lịch khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và Khu Phố cổ Hà Nội.

Đổi mới, sáng tạo để phố cổ Hà Nội là 'nơi phải đến'- Ảnh 2.

Sự kiện "Hà Nội 12 mùa hoa: Sắc cải vàng giữa nhịp số Hà Thành" sẽ diễn ra từ ngày 06/12/2024 đến ngày 08/12/2024, tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (khu vực phố đi bộ Lê Lai - Hoàn Kiếm, Hà Nội).Ảnh: VGP


Các hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận và các không gian văn hóa sáng tạo khác trên địa bàn quận đã có sức hấp dẫn đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hà Nội và cảnh quan không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Đặc biệt, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và trong khu Phố cổ Hà Nội của quận được hình thành và phát triển có chiều sâu, hiệu quả và tạo nên dấu ấn đậm nét cho văn hóa của Thủ đô. UBND quận tiếp tục báo cáo UBND Thành phố và các Sở, ngành Thành phố đề án triển khai thực hiện mở rộng không gian đi bộ tuyến phố Tràng Tiền - Quảng trường Cách mạng Tháng Tám.

Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, Phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của các thời kỳ, các giá trị của Phố cổ Hà Nội là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị của Thủ đô.

Các giá trị này không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc - với những dấu tích lịch sử mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng gia đình, từng con người thông qua những nét sinh hoạt thường nhật, những hoạt động ẩm thực, lễ hội...

Đổi mới, sáng tạo để phố cổ Hà Nội là 'nơi phải đến'- Ảnh 3.

Quận Hoàn Kiếm đang triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị với sự chung tay của cộng đồng từ bảo tồn, phát huy giá trị di sản vật thể cho đến phi vật thể. Ảnh: VGP

Năm 2004 là một cột mốc đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo khu Phố cổ Hà Nội: Bộ Văn hóa-Thông tin quyết định xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Phố cổ Hà Nội.

Nhận thức rõ khu phố cổ Hà Nội có giá trị đặc biệt trong lòng Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền quận Hoàn Kiếm đã xác định công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Phố cổ Hà Nội là nhiệm vụ không chỉ của toàn bộ hệ thống chính trị mà là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng.

Từ đó, triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị với sự chung tay của cộng đồng từ bảo tồn, phát huy giá trị di sản vật thể cho đến phi vật thể.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, 20 năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa khu Phố cổ Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, khu phố đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Các giá trị di sản vật thể và phi vật thể của khu vực này luôn được bảo tồn và phát huy, trong đó có sự khôi phục các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội Đình Kim Ngân, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Trung thu phố cổ… 

Cùng với làm tốt phát triển kinh tế-xã hội công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn được quận Hoàn Kiếm quan tâm triển khai với nhiều giải pháp sáng tạo. Nhiều di tích nhỏ cũng đã được đánh thức trở thành những không gian sáng tạo hấp dẫn với cộng đồng.

Song song đó, hoạt động của các tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận đã tạo ra sản phẩm du lịch mới của Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh doanh dịch vụ, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời tạo ra không gian văn hóa cho nhân dân Thủ đô.

Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo để đưa Phố cổ Hà Nội trở thành "nơi phải đến" với du khách trong và ngoài nước, gắn với phát triển công nghiệp văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Minh Anh

Top