Bảo đảm cấp đủ nước sạch cho người dân, cần nhiều giải pháp
(Chinhphu.vn) - Vùng cấp nước Thủ đô rất rộng nên việc đưa nước sạch đến tận mỗi nhà dân vẫn còn là nhiệm vụ khó khăn. Việc bảo đảm để người dân tiếp cận được với nước sạch vẫn phải là một trong những mục tiêu hàng đầu.
Chỉ mới 264/413 xã tiếp cận được nguồn nước sạch
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, các nguồn cấp nước hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân ngay cả thời điểm nắng nóng mùa hè. Việc thiếu nước cục bộ chỉ xảy ra trong trường hợp sự cố và công tác khắc phục cấp nước trở lại cũng được thực hiện ngay.
Tuy nhiên, ở các huyện ngoại thành Hà Nội tình hình nước sạch còn rất thiếu. Tính đến hết tháng 5/2021, chỉ có hơn 20% người dân huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội được sử dụng nước sạch. Để có nước sinh hoạt hằng ngày, gần 80% dân số các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sóc Sơn phải trông chờ vào nguồn nước giếng khoan, giếng khơi, nước mưa… Ở các huyện Thanh Trì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thường Tín, Ứng Hòa cũng đều ở trong tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng.
So với cuối năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Hà Nội chỉ có thêm 12 xã nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch. Tại khu vực nông thôn, ở thời điểm này, chỉ mới có 264/413 xã tiếp cận được nguồn nước sạch.
Khu vực đô thị tỷ lệ dân được được cấp nước rất cao nhưng vẫn bị thiếu nước sạch vào những tháng cao điểm, đời sống người dân cũng bị ảnh hưởng mỗi khi xảy ra tình trạng vỡ ống, cắt nước. Một số nhà máy nước ngầm hiện nay bị suy giảm về trữ lượng cũng như chất lượng. Sản lượng nước sạch đảm bảo chất lượng chỉ tập trung vào các nhà máy xử lý nước mặt từ sông Hồng, sông Đà, sông Đuống cung ứng.
Giá nước Hà Nội thấp trong các địa phương toàn quốc
Theo ông Ngô Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chỉ có 35% người dân nông thôn ở Hà Nội được tiếp cận nước sạch là giá nước.
Hà Nội đang áp dụng chính sách giá nước lũy tiến, nếu sử dụng dưới 10m3 giá chỉ 5.973 đồng/m3 và mức giá này là dưới giá thành sản xuất. Như vậy doanh nghiệp chưa bán đã lỗ khi người dân nông thôn chủ yếu dùng dưới 10m3/tháng.
Hà Nội hiện là địa phương có giá nước sạch thấp trong các địa phương trên toàn quốc. Giá nước thấp cũng là một trở ngại lớn trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư sản xuất nước sạch. Theo quy định thì 5 năm, giá nước phải được điều chỉnh một lần, nhưng từ năm 2013 tới nay, giá nước do UBND Thành phố quy định đã không thay đổi.
Hà Nội hiện có 6 doanh nghiệp lớn sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco); Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty CP Cấp nước Sơn Tây; Nhà máy nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước Hà Nam.
Có một nghịch lý là Hà Nội dù thiếu nước sạch và đang sử dụng hơn nửa triệu m3 nước ngầm, chất lượng thấp, mỗi ngày, nhưng các nhà máy xử lý nước mặt sản xuất nước sạch vẫn chưa tiêu thụ hết công suất, như Nhà máy nước mặt sông Đuống, Nhà máy nước mặt Bắc Thăng Long.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn lý giải rằng, hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh là một hệ thống bao gồm các công trình khai thác, xử lý nước, mạng lưới đường ống cung cấp nước sạch đến khách hàng sử dụng nước và các công trình phụ trợ có liên quan. Mỗi công trình cấp nước đều xác định phạm vi cấp nước cụ thể và công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu phát triển trong phạm vi cấp nước tương lai.
Mục tiêu 100% người dân Thủ đô có nước sạch vào năm 2025
Thực tế về hiệu quả cấp nước sạch ở Hà Nội đặt ra những câu hỏi về thu hút nguồn vốn đầu tư ở mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là tư nhân, có vai trò, trách nhiệm như thế nào trong hoạt động cung ứng dịch vụ nước sạch - một loại dịch vụ công thiết yếu.
Về thực hiện xã hội hóa phát triển mạng cấp nước đến nay đã có 29 dự án mạng được UBND TP. Hà Nội giao các nhà đầu tư thực hiện, 18 dự án đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành nâng tỷ lệ người dân được tiếp cận nước sạch đáng kể.
Để hoàn thành mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch vào năm 2025, Hà Nội đã có những động thái mạnh như tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án nước sạch trên địa bàn Thành phố. Thành phố đã kêu gọi 23 nhà đầu tư nghiên cứu triển khai 40 dự án đầu tư nước sạch, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn, 29 dự án phát triển mạng cấp nước. Đến nay một số dự án hoàn thành đã mang lại kết quả tốt.
Bên cạnh các chính sách chung của Chính phủ như: Hỗ trợ đầu tư các công trình ngoài hàng rào; chi phí giải phóng mặt bằng; ưu tiên nguồn tài chính cho các dự án cấp nước; ưu tiên hỗ trợ lãi suất sau đầu tư các dự án cấp nước sử dụng nguồn vốn vay thương mại...
Hà Nội cũng đã có nhiều quyết nghị cụ thể trong nội dung chi đầu tư phát triển của ngân sách cấp Thành phố vào "Đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt" (Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 5/12/2016). UBND Thành phố cũng ban hành nhiều quy định chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch như: Ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, ưu đãi trong huy động vốn, hỗ trợ về vốn.
Tuy nhiên, vùng cấp nước Thủ đô rất rộng nên việc triển khai các việc đầu tư cho nước sạch bảo đảm chất lượng và thực hiện thành công mục tiêu 100% người dân Thủ đô có nước sạch vào năm 2025, vẫn còn là nhiệm vụ khó và cần nhiều quyết sách đúng đắn.
Phương Linh