Bảo đảm Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn phù hợp thực tiễn ở Thủ đô

25/10/2024 2:02 PM

(Chinhphu.vn) - Cho ý kiến về Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các đại biểu Quốc hội đến từ Đoàn Hà Nội cho rằng, cần thúc đẩy các dự án phát triển đô thị tại Thủ đô Hà Nội, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Sáng 25/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ VIII, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Giải quyết vướng mắc, mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật sau khi hoàn thiện gồm 6 chương và 65 điều; bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ VII.

Bảo đảm Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn phù hợp thực tiễn ở Thủ đô- Ảnh 1.

Đến năm 2030, hệ thống đô thị và nông thôn được sắp xếp, phân bố thống nhất, hiệu quả, toàn diện. Ảnh internet

Về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, khoản 2 và khoản 3, Điều 7 đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Đồng thời, các nội dung tại quy hoạch chung được cụ thể hóa tại quy hoạch phân khu, các nội dung tại quy hoạch phân khu được cụ thể hóa tại quy hoạch chi tiết, bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Liên quan đến quan hệ giữa quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, Chính phủ đã đề xuất sửa Luật Quy hoạch năm 2017 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh. Trong đó, quy định rõ quy hoạch đô thị và nông thôn là "quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành" thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch khác thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia chưa có quy định rõ ràng.

Đây là nội dung cần xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng, cần tiếp tục làm rõ sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi xem xét chủ trương đầu tư, tránh gây vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý 2 dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu hoàn thiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa 2 dự thảo Luật.

Về các trường hợp liên quan đến phạm vi quy hoạch và địa giới hành chính khi lập quy hoạch đô thị và nông thôn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ, giảm lược các quy hoạch phải lập. Đồng thời, dự thảo cũng đưa ra chỉnh lý giải quyết vướng mắc với các trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn.

Thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng để thu hút đầu tư

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho rằng, ban soạn thảo cần bổ sung định nghĩa "khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị" vốn có tính liên kết cao, giúp quy hoạch được thực hiện toàn diện, thống nhất, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Tương tự, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) đề xuất, khái niệm đô thị và nông thôn ở khoản 1 và khoản 3, Điều 2 dựa trên mật độ dân số, lĩnh vực kinh tế là nông nghiệp hay phi nông nghiệp, tính chất trung tâm, vai trò thúc đẩy, sẽ gây vướng mắc.

Thực tế, thành phố có nội thành, ngoại thành; thị xã có nội thị, ngoại thị; nông thôn cấp huyện cũng có đô thị; nhiều vùng nông thôn có mật độ dân số cao, tỉ lệ làm nông nghiệp đã giảm dần, ở nhiều vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng cũng như khả năng phát triển kinh tế rất tốt. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải thích khái niệm đô thị, nông thôn để nhận diện rõ nét, tường minh hơn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phân tích, đối với thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh quy hoạch tỉnh, cần phải có quy hoạch chung. Bởi mỗi loại quy hoạch này có chức năng khác nhau, nhưng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp, trong dự thảo luật này phải phân định rõ ràng.

Trong đó, quy hoạch chung thực hiện chức năng định hướng phát triển cho tất cả các ngành, lĩnh vực và sau đó còn có quy hoạch chi tiết của từng ngành, từng lĩnh vực... Quy hoạch đô thị, nông thôn cụ thể hóa những nội dung về phát triển hạ tầng, chứ không phải là định hướng.

Đáng chú ý, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) kiến nghị, quy định cần bảo đảm thống nhất với Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024. Cụ thể, dự thảo Luật có quy định các bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch phân khu đô thị được lập theo tỉ lệ 1/5000 hoặc 1/2000. Song, theo Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024, một trong các điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất là có quy hoạch chi tiết hoặc có quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đại biểu cho rằng, tại các khu vực thành phố đã lập quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 sẽ không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đất đai được. Để đảm bảo thống nhất giữa Luật Nhà ở, Luật Đất đai với lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng, đại biểu kiến nghị bổ sung quy định chuyển tiếp. Địa phương đã có quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 thì được phép đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trường hợp cần thiết, địa phương đã có quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 được phép lập lại quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội) kiến nghị, từ vướng mắc tại thành phố Hà Nội liên quan đến quy hoạch phân khu 1/2000 và 1/5000, chỉ nên có một loại quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000.

Bảo đảm tính thống nhất giữa các Luật

Cũng tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nêu 5 vấn đề cần quan tâm, xử lý để bảo đảm thống nhất với Luật Đất đai, Luật Nhà ở và thực tiễn quản lý.

Về tỉ lệ quy hoạch phân khu, nhằm bảo đảm thống nhất giữa Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 với lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai kiến nghị, tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn quy định Quy hoạch phân khu lập theo một tỉ lệ duy nhất là 1/2000 (hiện dự thảo Luật đang quy định 2 tỉ lệ 1/5000 hoặc 1/2000). Đồng thời bổ sung quy định chuyển tiếp để xử lý đối với các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 thì được phép lập lại quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000.

Vấn đề về hệ thống quy hoạch đô thị, đại biểu cho biết, thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (Thủ đô Hà Nội được quy hoạch theo mô hình chùm đô thị), thành phố Hà Nội lập Quy hoạch chung Thủ đô, dưới quy hoạch chung Thủ đô là các quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, thị trấn thị tứ và dưới các quy hoạch chung đô thị mới lập các quy hoạch phân khu đô thị. Từ đó dẫn đến để lập được quy hoạch phân khu cơ bản phải thông qua 2 cấp độ quy hoạch chung là quy hoạch chung Thủ đô và quy hoạch chung đô thị, thị trấn.

Hiện nay, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vẫn đang quy định "Quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chung thị xã, thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị mới…". Từ đó dẫn đến, sau khi Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được duyệt, thành phố Hà Nội sẽ phải tiếp tục lập Quy hoạch chung 2 thành phố trực thuộc là thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây, các đô thị vệ tinh, thị xã, thị trấn… rồi mới lập được các quy hoạch phân khu.

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, việc này sẽ tốn nhiều thời gian, có thể gây đứt gãy quá trình thực hiện các dự án phát triển đô thị tại Thủ đô.

"Để tránh tốn kém, lãng phí không cần thiết trong khi toàn thành phố Hà Nội đã có Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, kiến nghị bổ sung quy định: "Đối với thành phố trực thuộc Trung ương chỉ lập một cấp quy hoạch chung thành phố, dưới quy hoạch chung thành phố lập ngay quy hoạch phân khu", đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nói.

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn không còn quy hoạch vùng huyện; quản lý các huyện được thay bằng quy hoạch chung huyện (đây là loại quy hoạch nông thôn). Do vậy dẫn đến có điều khoản chuyển tiếp "Quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn hiệu lực của quy hoạch".

Về nội dung nói trên, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, nội dung này là chưa đầy đủ do khi không còn quy hoạch xây dựng vùng huyện, các hoạt động điều chỉnh quy hoạch (khi có sự tác động từ các quy hoạch cấp cao hơn là quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành…) sẽ không có hành lang pháp lý để thực hiện.

Để tránh đứt gãy trong quá trình quản lý, đại biểu kiến nghị bổ sung quy định tại điều khoản chuyển tiếp theo hướng việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy trình quy định như đối với điều chỉnh quy hoạch chung huyện.

Để bảo đảm quản lý hoạt động hành nghề theo Luật quản lý lĩnh vực, đại biểu kiến nghị bổ sung nội dung quản lý hoạt động hành nghề quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Như vậy sẽ bảo đảm hoạt động hành nghề kiến trúc được quản lý bởi Luật Kiến trúc; hoạt động hành nghề quy hoạch đô thị và nông thôn được quản lý bởi Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; các hoạt động quản lý hành nghề còn lại của ngành xây dựng được quản lý bởi Luật Xây dựng.

Đối với thanh tra quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai kiến nghị bổ sung nội dung quy định về thanh tra chuyên ngành quy hoạch đô thị và nông thôn theo hướng đối với các đô thị, thành phố, UBND cấp tỉnh căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương được phép lập, quy định nhiệm vụ cụ thể cho thanh tra chuyên ngành quy hoạch đô thị và nông thôn nằm trong các sở xây dựng hoặc sở quy hoạch, kiến trúc.

Thùy Chi

Top