Thủ đô Hà Nội vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trong quy hoạch để phát huy lợi thế
(Chinhphu.vn) - Thủ đô Hà Nội, đô thị đặc biệt "Văn minh - Văn hiến - Hiện đại" đang trên đà phát triển mạnh mẽ để sánh ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Trong tiến trình phát triển đó, công tác quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng để Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, vững mạnh.
Phát huy tối đa tiềm năng, đặc thù riêng để phát triển Thủ đô
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, với 7 lần xây dựng, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô và 4 lần mở rộng địa giới hành chính vào các năm 1960, 1978, 1991 và 2008, TP. Hà Nội đã có những bước tiến mạnh mẽ, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Hà Nội là Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại", như tinh thần của Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước".
"Với các quyết định đó, chúng ta hiểu rằng Bộ Chính trị và Quốc hội đang kỳ vọng rất nhiều về vai trò, vị thế của Thủ đô để phù hợp với yêu cầu và khát vọng phát triển của dân tộc với tương lai của Thủ đô 100 triệu dân", KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành ngày 24/1/2022 là một Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về phát triển đô thị. Nghị quyết đã nêu một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là hoàn thiện thể chế trong công tác quy hoạch đô thị, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị. Đây cũng là cơ sở pháp lý để tháng 6/2024, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo KTS. Trần Ngọc Chính, trong Luật Thủ đô sửa đổi lần này đã có nhiều quy định mới, mang tính đột phá. Theo đó, Luật Thủ đô quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. TP. Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.
Bên cạnh đó. Luật Thủ đô sửa đổi cũng cho phép áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững... Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện quy hoạch 1.259, cho thấy Đồ án quy hoạch chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô; chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc phân bố, điều tiết, quản lý và kiểm soát dân cư; kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị… Do đó, việc nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phù hợp với tình hình thực tiễn của Thủ đô và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của trước mắt và lâu dài là rất cần thiết, vì vậy ngày 16/6/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 700/QĐ-TTg Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 313/QĐ-TTg ngày 07/3/2022). Đến nay cả hai đồ án đang được tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng đã nhấn mạnh: "Tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt hơn 1.000 năm lịch sử và các tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng của Hà Nội để khai thác, phát huy tối đa cho phát triển Thủ đô", một lần nữa, mục tiêu hướng Hà Nội trở thành Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" lại được đặt ra.
Để đạt được mục tiêu trên ở cả hai quy hoạch, đúng với tầm nhìn là Thủ đô của đất nước hơn 100 triệu dân, đòi hỏi quy hoạch Hà Nội phải có tầm nhìn và tư duy đổi mới để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, đột phá hơn và có thể chế quản lý tốt hơn.
Giải pháp để hiện thực hóa tiềm năng phát triển của Thủ đô Hà Nội
Đưa ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức trong công tác quy hoạch của Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, trong bối cảnh Hà Nội đang hoàn thiện quy họach Thủ đô (được lập theo Luật Quy hoạch) và Điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội (được lập theo Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng), cần phải bảo đảm tính kế thừa, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia.
Bên cạnh đó, phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để tạo ra giá trị mới trong cả hai bản quy hoạch, đồng thời phải bám sát và cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII và các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Quốc hội.
KTS. Trần Ngọc Chính cho biết, hiện tại, trong Quy hoạch Thủ đô, tầm nhìn được xác định đến năm 2050, còn trong Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô thì tầm nhìn xác định đến năm đến năm 2065. Điều này dễ dẫn đến mục tiêu và vấn đề liên kết giữa 2 quy hoạch trong quá trình phát triển của Thủ đô sẽ có nhiều bất cập. Trong khi, Quy hoạch Thủ đô là cơ sở để cung cấp số liệu cho Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, dẫn đến ở hai quy hoạch sẽ không có sự trùng khớp ở các giai đoạn phát triển, trong khi nội dung dự báo về dân số và lao động (cho từng thời kỳ) là yếu tố quan trọng trong công tác quy hoạch vì nó quyết định việc sử dụng đất ở, đất hạ tầng, cây xanh công viên mặt nước.
Vì vậy, cần phân tích kỹ các kịch bản để điều chỉnh phân bố dân số. Tiếp tục giảm dân số trong nội đô lịch sử, thúc đẩy hình thành, tạo nơi đến có chất lượng ở các đô thị phát triển, đô thị vệ tinh....Tăng cường kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn, xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội tại khu vực đô thị, nông thôn cũng như phải kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô.
KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, việc lựa chọn các chỉ tiêu sử dụng đất, sử dụng không gian, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu phát triển trong khu vực chức năng đặc thù cần được làm rõ trong lần điều chỉnh này.
"Đối với 05 đô thị vệ tinh, cần rà soát lại mô hình và lộ trình phát triển để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Cần kế thừa mô hình phát triển đô thị đã được xác định tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt. Tiếp cận mô hình thành phố trong thành phố với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô. Nghiên cứu đô thị vệ tinh Phú Xuyên kết hợp sân bay phía Nam, để có thể trở thành thành phố phía Nam" KTS. Trần Ngọc Chính cho hay.
Với việc xác định Hà Nội không chỉ là hạt nhân của Đồng bằng Sông Hồng mà còn là Trung tâm Vùng thủ đô; đồng thời là trung tâm Chính trị- Hành chính Quốc gia và là Trung tâm văn hoá, lịch sử, phát triển khoa học công nghệ, vì vậy KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, trong cả 2 Quy hoạch cần phải làm rõ hơn về lợi thế này với sự liên kết vùng và giao thông Quốc gia, liên kết với biển - kinh tế biển với các cửa khẩu Quốc tế và sân bay Quốc tế trong vùng. Phải làm nổi bật tam giác phát triển kinh tế biển Hà Nội- Hải phòng - Quảng Ninh và nền văn hoá nổi tiếng của kinh thành Thăng Long và Đồng bằng Sông Hồng.
Mặt khác, vị trị địa lý của Hà Nội rất thuận lợi cho phát triển không gian kinh tế và cảnh quan đô thị, đặc biệt là sông Hồng, theo hướng sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội, để sông Hồng thực sự trở thành một trục cảnh quan thiên nhiên, dòng chảy lịch sử tạo nên dấu ấn của nền văn hóa Thăng Long và góp phần làm nên một Hà Nội văn hiến, khi kết hợp trục sông Hồng với trục Ba Vì - Hồ Tây thành trục văn hóa sẽ làm nên một Hà Nội riêng khác, đặc trưng. Xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).
Theo KTS. Trần Ngọc Chính, việc Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình điều chỉnh chung xây dựng Thủ đô nhằm sớm đưa Thủ đô phát triển đồng bộ, văn minh, hiện đại, bền vững. Nhất là trong bối cảnh nhiều quận trung tâm không còn quỹ đất để phát triển nhằm phục vụ an sinh xã hội. Vì vậy, cần có các giải pháp đột phá và hiệu quả để sớm có dự án về phát triển không gian nhất là khai thác đất bãi, bãi giữa sông Hồng vào mục đích cho dịch vụ du lịch, công viên giải trí của người dân, để sông Hồng phải trở kỳ tích sông Hồng Hà Nội, cùng với hệ thống sông Đuống sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích và sông Cà Lồ,… Đây là hệ thống mặt nước, cây xanh, cảnh quan đóng vai trò quan trọng phát triển Thủ đô xanh và bền vững.
Về việc thúc đẩy phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro) và đường sắt nội vùng (kết nối với các đô thị trong vùng), kết nối với giao thông công cộng tạo nên hệ thống giao thông công cộng TOD kết nối về thương mại, dịch vụ vừa tiết kiệm đất vừa tạo được không gian điểm nhấn đô thị và phục vụ tốt nhất cho người dân…Chú trọng quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, xác định rõ vùng cấm, vùng hạn chế xây dựng các công trình ngầm. Các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh và thông minh cần phù hợp với định hướng phát triển trong các quy hoạch ngành quốc gia đã xác định cho từng giai đoạn để đảm bảo kết nối hạ tầng vùng, phát triển giao thông công cộng thông minh cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật khác.
Về hệ thống nông thôn phát triển theo chương trình nông thôn mới và định hướng quy hoạch chung, cần gắn kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa truyền thống; hình thành các cụm công nghiệp văn hóa gắn với phát triển làng nghề truyền thống, phát triển kinh tế, phục vụ du lịch, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với chuỗi dịch vụ phục vụ đô thị,…
Cuối cùng, cần phải hoàn thiện về cơ chế chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đây chính là công cụ để thực hiện việc quản lý xây dựng phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại - quản lý xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch. Thực tế đã cho thấy trong công tác xây dựng và quản lý đô thị, nếu có quy hoạch tốt nhưng xây dựng và quản lý đô thị không tốt thì quy hoạch không thể đi vào cuộc sống, không thể trở thành hiện thực. Cần xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp đặc điểm tình hình của Thủ đô Hà Nội, tăng cường cải cách hành chính, số hóa hành chính, từng bước chuyển dịch vụ công và phân quyền cho các đô thị trực thuộc nhằm thúc đẩy công tác quản lý đô thị và thu hút đầu tư.
Theo KTS. Trần Ngọc Chính, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp đột phá trong Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội theo mô hình đô thị thông minh, thành phố sáng tạo, phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khi đó, đồ án quy hoạch sẽ trở thành công cụ pháp lý quan trọng để quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển trên địa bàn TP. Hà Nội, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, vùng và quốc gia.
Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội cần một chương trình phát triển đô thị chủ động và hợp lý, tập trung phát triển từng bước theo không gian, trình độ, lựa chọn các bước đi phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn; có cơ chế chính sách huy động các nguồn lực và định hướng đầu tư, cơ chế quản lý thực hiện…
Giải pháp quy hoạch cần phải thích ứng, linh hoạt để thúc đẩy việc thực hiện quy hoạch được nhanh chóng, đúng kế hoạch và đáp ứng mục tiêu đặt ra.
"Ngoài ra, cần chú trọng phối hợp đa ngành trong thực hiện quy hoạch, kết hợp với các giải pháp tích hợp để ứng phó với các vấn đề đang diễn ra của kinh tế xã hội và các vấn đề phát sinh khác, phù hợp với định hướng phát triển "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" của Thủ đô, tiếp tục phát triển Hà Nội xứng tầm với một Thủ đô hiện đại trong tương lai và phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển vùng Thủ đô Hà Nội", KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Thùy Chi