Bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn Tết Nguyên đán 2023
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tập trung các giải pháp để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thực phẩm an toàn thực phẩm tiêu thụ trên thị trường thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Năm 2022, ngành nông nghiệp Thành phố đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như diễn biến thời tiết phức tạp; bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn tồn tại, sự tác động của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Song, được sự quan tâm, phối hợp của các ngành, các cấp và sự nỗ lực vượt khó của người nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp nên sản xuất nông nghiệp Thủ đô vẫn đạt được những kết quả khả quan.Ttốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 trên địa bàn thành phố ước tăng 2,58% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 ước đạt 40.638,4 tỷ đồng.
Về cơ cấu giá trị sản xuất, ngành trồng trọt, chăn nuôi chiếm 91,3%; thủy sản chiếm 8,5%. Hà Nội còn là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn với mạng lưới phân phối đồng bộ, hiện đại, được Chính phủ giao là một trong hai đầu tàu kinh tế để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của cả nước nói chung, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng.
Trong thời gian qua, Sở NN&PTNT tập trung các giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa thực phẩm an toàn thực phẩm tiêu thụ trên thị trường.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, diện tích lúa cả năm 2022 đạt 158,5 nghìn ha, sản lượng đạt 952,7 nghìn tấn; diện tích rau các loại đạt 32,6 nghìn ha, sản lượng đạt 723,2 nghìn tấn (tăng 2,12% so với năm 2021). Diện tích cây lâu năm đạt 23,6 nghìn ha, trong đó diện tích cây ăn quả đạt 20,1 nghìn ha, diện tích cây chè đạt 2,2 nghìn ha. Số lượng đàn trâu đạt 28,7 nghìn con; đàn bò đạt 130,2 nghìn con; đàn lợn đạt 1,43 triệu con, đàn gia cầm đạt 40,8 triệu con. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 24 nghìn ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2022 đạt 121,4 nghìn tấn, tăng 3% so với năm 2021, sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.695 tấn.
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng gạo trong tháng Tết là 96.700 tấn, khả năng cung ứng là 48.283 tấn, đáp ứng được 49,93%; về thịt lợn hơi, nhu cầu tiêu dùng của Hà Nội là 19.300 tấn/tháng, khả năng tự cung ứng là 17.556 tấn (đáp ứng 90,96%); thịt gia cầm là 6.400 tấn/tháng, khả năng cung ứng là 12.975 tấn; rau củ là 107.500 tấn, khả năng tự cung ứng là 58.300 tấn, đáp ứng được 54,23%…
Đối với những mặt hàng nông sản chưa đáp ứng đủ, Sở NN&PTNT Hà Nội cùng 43 tỉnh, thành phố tham gia chương trình phối hợp đã chủ động, tích cực duy trì, hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội (chiếm 57% số chuỗi toàn quốc). 100% số chuỗi cung cấp từ các tỉnh, thành phố, của Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Riêng Hà Nội tiếp tục xây dựng và duy trì 159 chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, tăng 18 chuỗi so với cùng kỳ năm 2021. Vì vậy, nguồn cung nông sản, thực phẩm cung cấp cho Hà Nội trong dịp trong, sau Tết Nguyên đán sẽ dồi dào và bảo đảm trong mọi tình huống.
Nhằm tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo nguồn cung an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và cung ứng hàng hóa đầy đủ phục vụ người dân trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, góp phần ổn định đời sống nhân dân, phục hồi, phát triển kinh tế trong tình hình mới. Sở NN&PTNT đã tiếp tục tham mưu UBND thành phố, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, theo dõi sát và thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, phòng chống lụt bão, thiên tai đảm bảo sản xuất, chủ động nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng thành phố, đảm bảo nguồn cung cho thị trường Hà Nội đến cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán năm 2023.
Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình cung cầu, giá cả thị trường, chủ trương, biện pháp bình ổn thị trường, nhất là các vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản phục vụ đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tăng cường công tác phối hợp trong lĩnh vực kết nối sản xuất, tiêu thụ, xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố nhất là các tỉnh, thành phố đã ký kết thực hiện chương trình phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025. Tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác nguồn hàng đảm bảo phục vụ nhân dân trên địa bàn.
Đẩy mạnh hỗ trợ, tư vấn phát triển sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn, tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn nhận diện, lựa chọn các sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm theo chuỗi. Nhất là các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm với người tiêu dùng, người sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thành phố.
Thiện Tâm