Bảo đảm sinh kế người dân sau khi ngừng chăn nuôi tại vùng cấm

03/07/2024 4:20 PM

(Chinhphu.vn) - Toàn thành phố Hà Nội có gần 2.600 hộ chăn nuôi tại các phường, thị trấn phải chuyển đổi nghề nghiệp. Qua tuyên truyền đã có hơn 2.100 hộ thực hiện ngừng chăn nuôi tại các phường, thị trấn.

Bảo đảm sinh kế người dân sau khi ngừng chăn nuôi tại vùng cấm- Ảnh 1.

Chăn nuôi theo quy hoạch, xa khu dân cư để phát triển ngành chăn nuôi ổn định và bền vững. Ảnh: VGP/TT.

Thông qua ghi nhận, hầu hết các hộ mong muốn tiếp tục chăn nuôi sẽ được tạo điều kiện để thuê đất tại các khu chăn nuôi xa khu dân cư. Còn đối với các hộ đồng thuận chuyển đổi sang ngành nghề khác sẽ được chính quyền hỗ trợ vay vốn, tìm việc làm phù hợp để giúp người dân ổn định cuộc sống.

Chấp hành Luật Chăn nuôi, bà Nguyễn Thị Hoa, phường Phúc Lợi, quận Long Biên rất vui vẻ ngừng chăn nuôi tại các phường, thị trấn theo quy định của Luật. Theo bà Hoa, được các cấp, chính quyền tuyên truyền việc chăn nuôi trong khu dân cư sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực nhưng vì cuộc sống mưu sinh, không có cơ hội chuyển đổi nghề nên trước đây gia đình vẫn phải chăn nuôi. Nay gia đình bà được hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện xây dựng nhà trọ cho thuê để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống...

Tương tự, ông Đoàn Văn Đãi, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm cho biết, tuổi đã cao, chăn nuôi lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nên khi được tuyên truyền dừng chăn nuôi trong khu dân cư, gia đình đã đập bỏ chuồng trại, chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, giữ gìn cảnh quan môi trường xung quanh.

Theo lãnh đạo quận Tây Hồ, trên địa bàn quận Tây Hồ trước khi triển khai Nghị quyết 02 của Hội đồng nhân dân Thành phố thì có 49 hộ, với hơn 1.000 con gia súc, gia cầm chăn nuôi chủ yếu ở vùng bãi ven sông Hồng. Qua tuyên truyền, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tham gia các phiên giao dịch việc làm tìm nghề cho người lao động, đã có 16 hộ chuyển đổi sang các ngành nghề khác, thực hiện việc dừng chăn nuôi trong khu dân cư theo yêu cầu của quận Tây Hồ.

Việc xây dựng vùng cấm chăn nuôi tại các phường, thị trấn theo quy định của Luật Chăn nuôi là điều cần phải làm để đảm bảo an toàn dịch bệnh và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Để đảm bảo sinh kế, ổn định cuộc sống cho các hộ dân, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho các hộ dân.

Tại quận Long Biên, Phó Chủ tịch UBND quận Vũ Xuân Trường cho biết, đã hỗ trợ cho 75 hộ vay vốn để chuyển đổi nghề, mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ để kinh doanh, dịch vụ, gia công cơ khí, bán hàng ăn uống, trồng cây. Đồng thời, hỗ trợ 4 hộ địa điểm kinh doanh tại chợ.

Những giải pháp mà chính quyền cơ sở đang triển khai đảm bảo hợp lý hợp tình, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân vì mục tiêu chung xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, đô thị văn minh tại các phường, thị trấn của thành phố Hà Nội.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Đình Đảng, với sự vào cuộc chủ động, tích cực của Sở NN&PTNT Hà Nội, các quận, huyện, thị xã, hiện trạng chăn nuôi tại nhiều địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến nay, có 5 địa phương không còn hoạt động chăn nuôi gồm: 4 phường của thị xã Sơn Tây; 2 thị trấn Yên Viên và Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm); thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng); thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh); thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì).

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 02, ngành nông nghiệp đề nghị Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, thống kê, ký cam kết không phát sinh số lượng hộ chăn nuôi, số lượng đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, vận động các hộ chăn nuôi chấm dứt, hoặc di dời hoạt động chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Hướng dẫn các cơ sở nuôi động vật thí nghiệm, cơ sở nuôi động vật làm cảnh mà không gây ô nhiễm môi trường chấp hành các quy định.

Thiện Tâm

Top