Bảo hộ chỉ dẫn địa lý 'Sơn Tây' cho gà Mía

05/09/2024 2:21 PM

(Chinhphu.vn) - Ngoài 2 nhóm yếu tố di truyền (giống) và điều kiện tự nhiên, chất lượng đặc thù của "Gà Mía Sơn Tây" có liên quan đến tập quán chăn nuôi đã được thực hiện từ lâu đời của người dân địa phương.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý 'Sơn Tây' cho gà Mía- Ảnh 1.

Gà Mía Sơn Tây

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) vừa ban hành quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho gà mía Sơn Tây. UBND thị xã Sơn Tây là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ, giống gà bản địa gắn với địa danh “Mía” đã trở thành tên gọi “gà Mía” từ xa xưa. Viện Chăn nuôi quốc gia khẳng định, giống "gà Mía" là giống được thuần dưỡng từ lâu đời, có khả năng sinh trưởng nhanh, thịt và trứng thơm ngon. 

Năm 2005, giống "gà Mía" được Bộ NN&PTNT công nhận là nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn cùng với các giống gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Tè và gà Tre của Việt Nam. 

Trong quan niệm của người dân Sơn Tây xưa, "gà Mía" là sản vật quý thể hiện cho sự sung túc và đủ đầy của mỗi gia đình và chỉ được sử dụng trong các dịp Tết hoặc hội làng để dâng tổ tiên.

Ngày nay, những sinh hoạt văn hóa gắn với "gà Mía" tại Sơn Tây vẫn tiếp tục được thực hành. Trên cỗ kiệu "bát cống" tại lễ hội đình Mông Phụ đầu Xuân hàng năm phải có 24 "ván gà", mỗi ván có 1 mâm "xôi tảng" và chú "gà Mía".

Gà trống mía Sơn Tây có lông màu đỏ tía (mã mận); đầu và thân có màu nâu đỏ; cánh và đuôi có pha màu đen. Chân có màu vàng; má ngoài da chân có một đường màu đỏ chạy từ trên đến ngón chân. Phần đùi và lườn săn chắc. Thịt đùi chắc, mỡ mỏng; khi luộc chín có mùi thơm mạnh và vị ngọt...

Gà mái mía Sơn Tây có lông ngắn, ép sát thân, màu lá chuối khô, đuôi có pha đen. Phần đùi và lườn săn chắc. Thịt đùi chắc, mỡ mỏng; khi luộc chín có mùi thơm mạnh và vị ngọt...

Những tính chất, chất lượng đặc thù của gà mía Sơn Tây có được là do điều kiện đặc thù của khu vựa địa lý mang lại. 

Khu vực địa lý có các đặc thù về mặt tự nhiên giúp hình thành các tính chất riêng có của gà mía ở vùng này đó là: Địa hình bán sơn địa, độ cao tuyệt đối từ 10-65 m, độ dốc từ 10-300, nhiệt độ 24,60C, lượng mưa 1.380 mm/năm, độ ẩm 82%; thổ nhưỡng bao gồm các loại đất có đặc điểm chung là giàu sắt và nhôm, có màu đỏ nâu do chứa các oxit sắt còn gọi là đá ong. 

Khu vực địa lý cũng là nơi giàu tài nguyên nước ngầm, có trữ lượng và chất lượng tốt, được khai thác ở độ sâu 5-10 m, lọc tự nhiên qua tầng đá ong có chất lượng sạch, giàu các khoáng chất.

Ngoài 2 nhóm yếu tố di truyền (giống) và điều kiện tự nhiên, chất lượng đặc thù của "Gà Mía Sơn Tây" có liên quan đến tập quán chăn nuôi đã được thực hiện từ lâu đời của người dân địa phương. 

Người dân tại khu vực địa lý thường xuyên bảo tồn, chọn lọc đàn "gà Mía" ông/bà và bố/mẹ để sản xuất con giống nuôi thương phẩm theo tiêu chuẩn cách ly đàn ông/bà 1 con/chuồng, đàn bố/mẹ 1-2 con/chuồng. Trong quá trình nuôi, gà thương phẩm có kiểu hình lệch chuẩn giống "gà Mía" sẽ bị loại thải khỏi đàn. 

Thời gian chăn nuôi giống "gà Mía" tại Sơn Tây tối thiểu 150 ngày/lứa, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn nuôi nhốt dài 70 ngày; giai đoạn chăn thả trong môi trường tự nhiên, thời gian nuôi tối thiểu từ 80 ngày trở lên, sử dụng kết hợp thức ăn công nghiệp, nông phẩm và thức ăn tự nhiên. 

Phối trộn khẩu phần và xử lý thức ăn từ các sản phẩm nông nghiệp trong giai đoạn chăn thả là bí quyết bí mật nuôi "gà Mía" của người dân Sơn Tây. 

Ở giai đoạn từ 70-120 ngày tuổi gà sẽ được ăn theo công thức sử dụng 1/3 thức ăn công nghiệp, 2/3 thức ăn từ các sản phẩm nông nghiệp (hạt ngô luộc/ngâm, hạt thóc ngâm, thóc/ngô không xử lý, bỗng rượu, lá cây chè lá to) và thức ăn tự nhiên (cỏ, lá cây, côn trùng... trong vườn). 

Giai đoạn từ 120-150 ngày tuổi gà mía Sơn Tây được ăn hoàn toàn thức ăn từ các sản phẩm nông nghiệp (hạt ngô luộc/ngâm, hạt thóc ngâm, thóc/ngô không xử lý, bỗng rượu) và thức ăn tự nhiên (cỏ, lá cây, côn trùng... trong vườn).

Hoàng Giang

Top