Bảo tồn và phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội

02/12/2024 6:21 PM

(Chinhphu.vn) - Trong 20 năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa khu Phố cổ Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, khu Phố cổ Hà Nội đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới, các giá trị di sản vật thể và phi vật thể của khu vực luôn được bảo tồn và phát huy.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội- Ảnh 1.

Khu Phố cổ Hà Nội với hệ thống di sản văn hóa phong phú, đặc sắc được ví như một “bảo tàng sống” về quá trình hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm của lịch sử.

Khu phố cổ Hà Nội-Yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị Thủ đô

Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, khu Phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của các thời kỳ. Các giá trị của khu Phố cổ Hà Nội là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị của Thủ đô. Các giá trị này không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc - với những dấu tích lịch sử mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng gia đình, từng con người thông qua những nét sinh hoạt thường nhật, những hoạt động ẩm thực, lễ hội...

Kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia và 20 năm hoạt động không gian đi bộ là dịp để quận Hoàn Kiếm điểm lại những dự án, những hoạt động đã triển khai; đồng thời, đưa ra những định hướng, kế hoạch tiếp tục thực hiện trong việc bảo tồn, phát huy giá trị khu Phố cổ Hà Nội cũng như tổ chức hiệu quả các không gian đi bộ, không gian công cộng theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và đặc biệt là thực hiện Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo Luật Thủ đô, quận đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội tiếp tục tăng cường đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trong Khu phố cổ Hà Nội; định hình Khu phố cổ Hà Nội trở thành một khu vực phát triển theo mô hình BID (Business Improvement District) để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho du khách, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp vào các hoạt động bảo tồn và phát triển.

Khu phố cổ Hà Nội là một quần thể quy hoạch kiến trúc độc đáo, minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển đô thị sớm nhất và sầm uất nhất của Việt Nam; nơi đây tập trung nhiều phố nghề truyền thống, di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc gắn liền với lịch sử của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Đây là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của người dân Thủ đô, là nguồn cảm hứng cho những thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ và những người yêu văn hóa nghệ thuật sáng tạo.

Các giá trị của Khu phố cổ Hà Nội là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị của Thủ đô. Các giá trị này không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc - với những dấu tích lịch sử mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng gia đình, từng con người thông qua những nét sinh hoạt thường nhật, nghệ thuật ẩm thực, cùng với lễ hội truyền thống...

Ngày 05/4/2004 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 184/2004/QĐ-BVHTTDL xếp hạng và công nhận khu phố cổ Hà Nội là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, ghi dấu ấn quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản tại nơi đây. Được sự quan tâm của Thường trực thành ủy Hà Nội, Ngày 27/8/2007 UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định số 3414/QĐ-UBND bàn giao Ban quản lý Phố cổ Hà Nội về cho quận Hoàn Kiếm.

Cũng trong năm 2004, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức không gian đi bộ đầu tiên kết hợp với phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch ở Hà Nội trên tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân. Lần lượt các năm 2014 quận Hoàn Kiếm có thêm không gian đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội và năm 2016 không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận tiếp tục được mở ra đã trở thành điểm hút khách du tịch của thủ đô. Tiếp đó năm 2020, việc mở rộng không gian đi bộ từ khu vực phía nam Phố cổ kết nối khu vực phía Bắc hồ Hoàn Kiếm nhằm tạo sự kết nối giữa 2 không gian đi bộ đã đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoại, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực. Các không gian đi bộ ở Hoàn Kiếm ngày càng được củng cố và hoạt động hiệu quả: đã tổ chức 9.345 buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại, trong đó có 2.461 buổi biểu diễn tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và 6.884 buổi biểu diễn tại tuyến phố đi bộ khu phố cổ Hà Nội.

Hoạt động của các tuyến phố đi bộ trên địa bàn Quận đã tạo ra sản phẩm du lịch mới của Thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh doanh dịch vụ, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tạo ra không gian văn hóa cho nhân dân Thủ đô. Điều đó khẳng định chủ trương mở tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và các không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội của Quận ủy - UBND quận Hoàn Kiếm là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển.

Bước tiến quan trọng trong bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa tại quận Hoàn Kiếm

Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã đạt được một số kết quả nhất định. Các giá trị di sản vật thể luôn được quan tâm bảo tồn, tôn tạo; các giá trị di sản phi vật thể được phục hồi và phát huy (khôi phục 14 lễ hội, gồm 7 lễ hội cấp Quận và 7 lễ hội cấp Phường). 

Các lễ hội được khôi phục gắn với các ngày lễ lớn như: Lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Đình Yên Thái, Đình Kim Ngân, lễ hội Trung thu Phố cổ...; Đã có hơn 1.000 cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật, trình diễn nghề truyền thống, biểu diễn âm nhạc truyền thống, hội thảo, tọa đàm và các hoạt động trải nghiệm, tương tác được tổ chức.

Hoạt động của các tuyến phố đi bộ trên địa bàn Quận đã tạo ra sản phẩm du lịch mới của Thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh doanh dịch vụ, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời là không gian văn hóa sáng tạo của nhân dân Thủ đô. Điều đó khẳng định chủ trương mở tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và các không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội của Quận ủy - UBND quận Hoàn Kiếm là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển.

Tại Lễ kỷ niệm 20 năm khu Phố cổ Hà Nội đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long cho biết, Trong suốt 20 năm qua, chúng ta đã có những bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, từ những chính sách và quyết định cụ thể của thành phố đến những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp, ngành và của từng người dân trong khu phố cổ. Kinh tế xã hội của quận Hoàn Kiếm đã có nhiều thay đổi, thu ngân sách quận vẫn giữ vững luôn là đơn vị đứng đầu của thành phố.

Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu về "phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô", nhất là trong việc bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu phố cổ. Quận mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của các cơ quan Trung ương và Hà Nội, các tổ chức trong và ngoài nước, các hội nghề nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp tục giúp đỡ quận trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản bảo tồn, tôn tạo các di tích cho xứng đáng với tầm vóc lịch sử của quần thể các di tích trong khu Phố cổ-Di sản văn hóa quốc gia", Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.

Minh Thúy

Top