Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

21/11/2024 6:38 PM

(Chinhphu.vn) - Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội luôn xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cùng với tổ chức các không gian văn hóa sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm- Ảnh 1.

Hàng trăm các hoạt động trưng bày, triển lãm của Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội về các ngày lễ lớn được đông đảo người dân trong nước và khách quốc tế quan tâm. Ảnh: VGP/Minh Thúy

 Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, không gian sáng tạo

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã có tham luận "Kinh nghiệm trong tham mưu công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, không gian công cộng trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Hoàn Kiếm".

Theo Phó trưởng ban Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan, trong 10 năm qua, Ban đã thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị các phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, trong khu Phố cổ Hà Nội; tu bổ, tôn tạo các di tích, trường học, thực hiện các dự án trọng điểm như Phố sách 19/12, không gian nghệ thuật phố Phùng Hưng, tu bổ tôn tạo Đền Bạch Mã, Đình - Đền Vũ Thạch, Đình Nam Hương, Trường mẫu giáo Tuổi thơ - 88 Hàng Buồm ... Diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi ngày càng khang trang, sạch đẹp, cải thiện điều kiện sinh sống của người dân, đồng thời trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh thực hiện các dự án bảo tồn giá trị vật thể, Ban luôn chú trọng công tác phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phối hợp với các nghệ sĩ, nghệ nhân, những người thực hành sáng tạo, những người yêu di sản tổ chức các hoạt động đa dạng tại các điểm do Ban được giao quản lý: Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây, đình Đồng Lạc số 38 phố Hàng Đào, đình Kim Ngân số 42 - 44 phố Hàng Bạc, đền Quan Đế số 28 phố Hàng Buồm, Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội số 50 phố Đào Duy Từ, Trung tâm thông tin văn hóa hồ Gươm số 2 phố Lê Thái Tổ, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm, không gian nghệ thuật phố Phùng Hưng....

Các hoạt động đa dạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Trong thời gian qua, Ban đã tổ chức hàng trăm các hoạt động trưng bày, triển lãm về giá trị vật thể và phi vật thể quận Hoàn Kiếm gắn với các ngày lễ lớn. Nội dung các hoạt động đa dạng: từ giới thiệu việc bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống như các nghề truyền thống gắn với phố nghề của khu Phố cổ Hà Nội, làng nghề đến tổ chức các hoạt động triển lãm ảnh, tranh nghệ thuật, sắp đặt, giới thiệu nghệ thuật đương đại... Các hoạt động văn hóa đã đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế, du lịch quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là cơ hội để các nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tạo, kết nối với công chúng.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm- Ảnh 2.

Triển lãm "Hà Nội trong tôi" chào mừng 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Ban đã tổ chức và phối hợp tốt với các phòng ban đơn vị tổ chức lễ hội trên địa bàn quận tiêu biểu như Lễ hội đình Kim Ngân, lễ đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt đền Bạch Mã, lễ hội Vua Lê đăng quang... Ban cũng kêu gọi khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân vào việc tổ chức các hoạt động văn hóa về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Công tác xã hội hóa tuy còn khiêm tốn nhưng đã bước đầu phát huy hiệu quả, giữ vai trò chủ yếu trong tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa phi vật thể. 

Tại các không gian đi bộ trong khu Phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Ban đã tổ chức gần 8.000 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách. Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cùng với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội đã trở thành thương hiệu, điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô. Phố đi bộ tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước, là nơi hội nhập văn hóa thế giới và các vùng miền.

Các hoạt động trong không gian đi bộ trên địa bàn quận đã có sức hấp dẫn đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hà Nội và cảnh quan không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm. Tại không gian nghệ thuật Phùng Hưng, từ năm 2018 đến nay, Ban đã tổ chức được nhiều các hoạt động, sự kiện. Các không gian đi bộ, không gian nghệ thuật, phố sách... đã góp phần giúp thành phố Hà Nội nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm- Ảnh 3.

Tour thực cảnh “Chuyện phố Hàng” không gian văn hóa thu hút khách du lịch do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội kết hợp với nhóm nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Đặc biệt, Ban đã phối hợp với các nhà khoa học, các hiệp hội, các tổ chức quốc tế tổ chức hơn 50 buổi nói chuyện, tọa đàm, hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Các tọa đàm này giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng về di sản, đưa ra những giải pháp, định hướng phát triển trong thời gian tới cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Từ các kết quả hội thảo, Ban đã triển khai thực tế những dự án cụ thể.

Đồng thời phối hợp với các Đại sứ quán, đối tác quốc tế tổ chức chương trình hòa nhạc, các triển lãm giới thiệu văn hóa Việt Nam và các nước đến cộng đồng quốc tế và du khách tại các điểm do Ban quản lý và không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Các hoạt động đối ngoại đã góp phần quảng bá, giới thiệu về giá trị văn hóa, lịch sử, di sản của quận Hoàn Kiếm đến cộng đồng quốc tế, khẳng định quyết tâm của thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Có thể nói những hoạt động đa dạng tại quận Hoàn Kiếm đang từng bước tạo nên không gian sáng tạo mới trong lòng các di sản. Đây là nơi để các nghệ sĩ, nghệ nhân, những người thực hành sáng tạo có môi trường thử nghiệm, thể hiện, môi trường giao lưu, trao đổi những ý tưởng mới, đưa văn hóa, nghệ thuật đến gần với công chúng, góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn cũng như truyền cảm hứng sáng tạo, góp phần làm tái sinh khu vực di sản đô thị.

Minh Thúy

Top