Bảo vệ môi trường để phát triển làng nghề bền vững

27/07/2022 4:56 PM

(Chinhphu.vn) - Các làng nghề trên địa bàn Hà Nội có đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, làng nghề phát triển cũng đi kèm sức ép đối với vấn đề môi trường của Thành phố.

Quản lý bảo vệ môi trường để phát triển làng nghề bền vững - Ảnh 1.

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Thu nhập bình quân lao động tiểu thủ công nghiệp cao hơn nông nghiệp 

Theo GS. TS. Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, hoạt động trong các làng nghề nông thôn Việt Nam là những hoạt động kinh tế vừa và nhỏ với các thành phần kinh tế như: Hộ gia đình, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân khu vực nông thôn… Thông qua việc sử dụng tư liệu sản xuất vốn và nhân lực ở nông thôn, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực nông thôn.

Hà Nội là một địa phương quy tụ nhiều làng nghề, làng nghề cũng là nét đặc trưng về văn hoá xã hội. Hà Nội sau khi mở rộng có tới khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn. 

Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các làng nghề của Hà Nội hiện có tới 47 nghề trên tổng số 52 nghề của toàn quốc. Trong đó, có hàng chục nhóm ngành nghề đang phát triển mạnh như: Gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, khảm trai, sơn mài, mây tre đan, đúc đồng, chế biến nông sản, cơ khí...

Tổng số lao động tham gia sản xuất trong các làng có nghề là hơn 1 triệu người (chiếm khoảng 46% tổng số lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn Thành phố), với hơn 700.00 lao động thương xuyên, trên 168.000 hộ sản xuất, trên 2.000 công ty cổ phần… 

Số lao động trong 297 làng nghề được công nhận là hơn 300.000 người, thu nhập bình quân của một lao động làm nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề cao hơn từ 2-2,5 lần so với sản xuất nông nghiệp (thuần nông). 

Trong số 176 cụm công nghiệp làng nghề được quy hoạch, đã có 49 cụm xây dựng hạ tầng, cấp phép hoạt động cho 5.870 dự án, bình quân đạt 800m2/dự án, trong đó có 2.000 dự án đã hoạt động. Theo Sở Công thương, quy hoạch các cụm làng nghề còn nhỏ lẻ (7,4ha/cụm), thậm chí có cụm diện tích 1 ha, lại dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Nâng cao ý thức để giảm thiểu ô nhiễm 

Theo GS. TS. Đặng Kim Chi, với tốc độ phát triển như hiện tại, các làng nghề đã có đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, làng nghề phát triển cũng đi kèm sức ép không nhỏ đối với môi trường của Hà Nội khi ý thức của người dân làng nghề chưa cao, chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm ô nhiễm môi trường do chính họ gây ra.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa quá nhanh của Hà Nội đã khiến cho rất nhiều làng nghề Hà Nội trở thành "phố nghề", "phường có nghề".

Sản xuất làng nghề vẫn tập trung chủ yếu ở ngoại thành, với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, trình độ thủ công, tổ chức sản xuất phân tán và chủ yếu là hộ gia đình. Hầu hết các cơ sở sản xuất nghề ở các làng nghề gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Tình trạng phổ biến là sử dụng ngay nhà ở để làm nơi sản xuất, với quy mô sản xuất nhỏ, tự phát.

Công tác quản lý, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các xã không có cán bộ chuyên môn về môi trường, chỉ làm kiêm nghiệm… Chính bởi những nguyên nhân này đã tạo sức ép không nhỏ cho đối với môi trường Thủ đô, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại một số khu vực nhất định.

Tiêu biểu như làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, dược liệu. Đây là loại hình làng nghề rất phổ biến ở Hà Nội, với các sản phẩm nổi tiếng, tập trung tại một số địa phương như: Thanh Trì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức… Kết quả khảo sát hiện trạng cho thấy, các làng nghề sản xuất tinh bột, nấu rượu, nuôi và giết mổ gia súc có độ ô nhiễm rất cao. Định mức nước thải cho 1 tấn sản phẩm là 60-100m³.

Hay các làng nghề dệt may, đồ da, vàng mã, các sản phẩm chủ yếu là sản xuất vải sợi, may quần áo và các đồ dùng khác, dệt thảm, may bạt, may cặp, may túi da. Trước đây, loại hình làng nghề này thường sản xuất nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã hình thành nhiều tổ hợp, hợp tác xã, công ty sản xuất với quy mô lớn. Qua khảo sát, các làng nghề ươm tơ, dệt nhuộm sử dụng một lượng nước lớn, nước thải tại nguồn thải trong dây chuyền sản xuất có độ màu rất cao, đã gây ô nhiễm nước mặt nặng nề…

Trước thực trạng này, việc giải quyết cấp bách tình trạng ô nhiễm môi trường trong các làng nghề và vùng lân cận nhằm bảo đảm phát triển các làng nghề theo hướng bền vững là vô cùng cần thiết.

Vì vậy, theo GS. TS. Đặng Kim Chi, để khắc phục những tồn tại trong quản lý môi trường làng nghề tại Hà Nội thì cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và những quy định trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề phù hợp với đặc thù của làng nghề. Nâng cao năng lực quản lý môi trường của chính quyền địa phương. Trong đó cần tăng cường các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của các cơ quan chính quyền cấp xã, thôn có làng nghề; chế tài xử phạt các hành vi gây ô nhiễm của cơ sở sản xuất nghề đối với chính quyền địa phương có làng nghề.

Bên cạnh đó cần khuyến khích ưu đãi tài chính cho các hoạt động liên quan đến cải thiện môi trường làng nghề. Kêu gọi các nguồn hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, các quỹ bảo vệ môi trường cho việc đầu tư các công trình xử lý ô nhiễm và truyền thông môi trường.

Cũng theo GS. TS. Đặng Kim Chi, các làng nghề tại Hà Nội đang trong quá trình phát triển và đã phải trả giá cho những tác động xấu từ hoạt động sản xuất tới môi trường sống và sức khỏe cộng đồng. Hiện trạng môi trường và những tồn tại trong quản lý môi trường tại các làng nghề của Hà Nội hiện nay cho thấy, để phát triển các làng nghề bền vững trong tương lai cần thiết phải có những chính sách, biện pháp tổng hợp nhằm giải quyết  vấn đề ô nhiễm môi trường. 

"Môi trường làng nghề Hà Nội chỉ thực sự được cải thiện khi cộng đồng dân cư trong làng nghề nhận thức được sự cần thiết và với vị trí trách nhiệm của mình dù là chủ cơ sở hay các cán bộ quản lý chính quyền địa phương, bà con dân cư sinh sống tại làng nghề đều có các hành động cụ thể tích cực, góp phần từng bước giảm thiểu các tác động ô nhiễm môi trường", GS. Đặng Kim Chi nhấn mạnh.

Thiện Tâm

Top