Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thích ứng với thời đại số

09/11/2021 9:46 AM

(Chinhphu.vn) - Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đặc biệt là trong xu thế của thời đại công nghệ, khi thương mại điện tử là thiết yếu phù hợp với bối cảnh hiện nay thì cả 3 phía gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân càng cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình để góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, lành mạnh.

Mua sắm qua mạng đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Thùy Linh

Bài 1: Kiểm soát kinh doanh ‘chợ mạng’, bảo vệ quyền người tiêu dùng

Thương mại điện tử là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, nhưng đây cũng chính là “mảnh đất” màu mỡ, khiến nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh các loại hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Yếu tố trực tuyến đã tạo ra những thách thức cho công tác kiểm tra, kiểm soát, đồng thời ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, chị Trần Thị Thu (ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã chuyển hẳn sang mua sắm trên “chợ mạng”. Tuần trước chị đặt mua áo khoác phao trên một tài khoản Facebook với giá gần 500.000 đồng, khi nhận hàng, chị phát hiện chiếc áo khác xa với sản phẩm đã đặt, không giống màu sắc cũng như chất liệu vải. Nhanh chóng liên hệ với bên giao hàng để trả lại, nhưng chị Thu không được đồng ý. Khi liên hệ với bên bán hàng, chị bị chặn số không thể liên lạc.

Cũng giống như chị Thu, anh Đỗ Văn Thắng (quận Long Biên, Hà Nội) đặt mua trên một trang thương mại điện tử một chiếc máy tính cho con học online, được giới thiệu là sản phẩm chất lượng, dùng pin rất lâu, nhưng khi nhận máy và sử dụng thì pin đã bị chai, chỉ được 1-2 tiếng là sập nguồn. Ngay sau đó anh Thắng đã gọi điện cho bên bán nhưng đều không thấy nghe điện thoại.

Trường hợp của chị Thu, anh Thắng tương tự với các phản ánh, khiếu nại liên quan tới các vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong mua sắm trực tuyến mà Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thường xuyên nhận được thời gian qua. Theo đó, phổ biến là hành vi đặt mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng đơn hàng bị hủy không rõ lý do, sau đó, có bên thứ ba liên hệ để giao món hàng đã đặt nhưng có vấn đề về chất lượng, giấy tờ giao dịch.

Bên cạnh đó là tình trạng người tiêu dùng bị hủy đơn hàng tự động với lý do “người giao hàng không liên hệ được người mua”, mà thực tế người tiêu dùng không nhận được liên hệ nào của bên giao hàng. Ngoài ra là tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng... Khi có nhu cầu đổi, trả hàng, nhiều người tiêu dùng bị từ chối hoặc kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại.

Nói về nguyên nhân khiến người tiêu dùng ngại tố cáo hành vi vi phạm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết, thực tế người Việt Nam có tâm lý ngại va chạm nên đa số chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, việc giải quyết các khiếu nại không thành công là do người tiêu dùng không đủ chứng cứ chứng minh quyền lợi bị xâm hại hoặc đưa ra đòi hỏi đền bù quá mức…

Chung tay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hiện nay các sàn thương mại điện tử cũng đang triển khai nhiều biện pháp, chung tay với lực lượng chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điển hình như sàn thương mại điện tử Sendo đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để sàng lọc những sản phẩm có nguy cơ giả mạo. Trang thương mại điện tử Lazada, bên cạnh việc thực hiện kiểm tra và rà soát liên tục, ngay khi phát hiện hay nhận được cảnh báo về vi phạm liên quan tới hàng nhái, giả… sẽ xử phạt từ đình chỉ đến đóng cửa vĩnh viễn gian hàng.

Tương tự, Shopee sẽ chỉ trả tiền cho người bán khi khách hàng hài lòng với sản phẩm; người mua có thể trả hàng trong vòng 7 ngày và nếu phát hiện người bán vi phạm có thể chủ động báo cáo qua công cụ tương tác…

Về phía các cơ quan chức năng, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị chức năng tập trung tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đặc biệt, các nội dung liên quan tới điều kiện thiết lập các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh; minh bạch hóa thông tin sản phẩm, quản lý các mô hình kinh doanh mới, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hoặc hỗ trợ cho thương mại điện tử như kho hàng, chuyển phát, thanh toán…Kiểm tra rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng thương mại điện tử, từ đó đề xuất kế hoạch kiểm tra, xử lý phù hợp, bảo đảm hiệu quả.

Về phía địa phương, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, Thành phố khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa các chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… Cùng với đó, cảnh báo và hướng dẫn người tiêu dùng về cách thức mua hàng, các dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả; quy trình phản ánh, khiếu nại khi quyền của người tiêu dùng bị xâm hại hoặc khi phát hiện vi phạm.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ; xây dựng cơ chế phối hợp, xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nghiên cứu thành lập các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh…

Thùy Linh

Bài 2: Bảo vệ quyền người tiêu dùng: Trách nhiệm của doanh nghiệp

 

Top