‘Bắt tay’ đào tạo nhân sự thương mại điện tử

12/09/2022 8:58 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian gần đây, với sự phát triển không ngừng của ngành thương mại điện tử, nhu cầu nhân sự chất lượng cao cho ngành này cũng không ngừng tăng cao. Tuy nhiên, một trong những hạn chế là nhân lực trong ngành đang còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Do đó, nhà trường cũng như các doanh nghiệp đang xích lại, bắt tay nhau để cải thiện tình trạng này.

‘Bắt tay’ đào tạo nhân sự thương mại điện tử - Ảnh 1.

Nhu cầu nhân lực thương mại điện tử đang tăng nhanh. Ảnh minh họa

Còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng

Khảo sát về thương mại điện tử hằng năm của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, nhu cầu mua sắm trực tuyến đang ngày một tăng cao, tới gần 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, chính điều này đã thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, từ đó khiến nhu cầu về nhân lực thương mại điện tử tăng mạnh. Theo đó, 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Tuy nhiên, mới chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện nay được đào tạo chính quy.

Như vậy có tới 70% nhân sự thương mại điện tử ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin… Điều này cũng đồng nghĩa dư địa cho các cơ sở đào tạo nhân lực thương mại điện tử là rất lớn.

Trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025, phát triển nguồn nhân lực là một trong 5 nhóm chỉ tiêu đo lường mức độ phát triển của thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đặt ra 2 mục tiêu gồm 50% cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp trển khai đào tạo thương mại điện tử; có 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên… được đào tạo kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Chia sẻ góc nhìn của nhà tuyển dụng, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại của Lazada Việt Nam, cho biết nhu cầu nhân lực thương mại điện tử tại Việt Nam đang tăng nhanh, cung không đủ cầu. Doanh nghiệp buộc phải tuyển cả những ngành khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế này như ngành quản trị kinh doanh…

Cần mô hình kết nối "3 bên"

Để cải thiện cả về chất và lượng nhân lực thương mại điện tử, mới đây tại hội thảo về chủ đề đào tạo thương mại điện tử, nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng cường phối hợp đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường; cần áp dụng mô hình kết nối "3 bên" gồm cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, tổ chức để cùng nhau nâng cao chất lượng đào tạo, với tính ứng dụng cao, phù hợp với các nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Tại Hà Nội, nhiều trường đại học đã triển khai đào tạo nhân lực cho ngành thương mại điện tử, như: Trường Đại học Thương mại, trường Đại học Thuỷ Lợi, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông, Viện đại học Mở Hà Nội…

Theo các nhà tuyển dụng, nhu cầu nhân lực thương mại điện tử tại Việt Nam đang tăng nhanh, cung không đủ cầu dẫn tới doanh nghiệp buộc phải tuyển cả những ngành khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế này. Tuy nhiên, khi tuyển dụng sinh viên ngành thương mại điện tử vào làm việc, doanh nghiệp cũng phải thực hiện đào tạo lại toàn bộ.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Nội là trường đã tham gia đào tạo và có lứa sinh viên thương mại điện tử đầu tiên ra trường. Lý giải vì sao nhân lực thương mại điện tử chất lượng còn yếu, bà Trần Thị Thập, Phó khoa Quản trị Kinh doanh, cho rằng hiện nhu cầu nhân lực thương mại điện tử của doanh nghiệp đa dạng, khác nhau, các trường phải xác định đáp ứng nhu cầu mảng nào trong nhu cầu nhân lực đó.

"Học viện đã mời không ít chuyên gia, nhân sự chủ chốt tại các doanh nghiệp tham gia vào chương trình đào tạo. Ngoài ra, học viện cũng triển khai đào tạo theo chuyên đề đề thực tế của doanh nghiệp, làm việc với các doanh nghiệp để có những môn chuyên đề mới", bà Thập chia sẻ.

Thạc sĩ Tạ Trần Phương Nhung, Giảng viên ngành Thương mại điện tử của Đại học Đông Đô cho biết, ngành thương mại điện tử là ngành rất rộng, có sự ứng dụng khác nhau giữa các công ty khác nhau. Mỗi công ty sẽ cần nguồn nhân lực được đào tạo theo hướng khác nhau. Điều này dẫn tới sự chênh lệch giữa đào tạo và nhu cầu ứng dụng thực tiễn tại doanh nghiệp, khiến cả người được tuyển dụng và doanh nghiệp tốn thêm thời gian, công sức, tiền bạc để đào tạo lại.

Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp và trường đại học để có hướng tiếp cận gần thực tế công việc cho sinh viên.

Ông Lê Thái Phong, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết, trước đây trường này đã đào tạo ngành thương mại điện tử nhưng vì một số lý do đã đóng lại. Song, trường lại sắp mở đào tạo ngành thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo ông Phong, các trường đào tạo nhân lực ngành này không cần cạnh tranh mà cần "bắt tay" để xây dựng mạng lưới đào tạo mạnh…

Diệu Anh

Top