Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương là căn cứ thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển Thủ đô

16/03/2024 8:45 AM

(Chinhphu.vn) - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nói trong cuộc phỏng vấn của Báo điện tử Chính phủ về kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 (viết tắt là PII - Provincial Innovation Index) do Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố. Theo kết quả xếp hạng, Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất, đạt 62.86 điểm, xếp hạng 1.

Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương là căn cứ thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển Thủ đô- Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ KH&CN công bố kết quả Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 (viết tắt là PII - Provincial Innovation Index) do Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố, thành phố Hà Nội đã dẫn đầu Bảng xếp hạng PII 2023. Ông đánh giá như thế nào về kế quả này, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Sơn: Theo kết quả xếp hạng PII 2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất 62,86 điểm với đầu vào đổi mới sáng tạo đạt 62,55 và đầu ra đổi mới sáng tạo đạt 63,17 nhờ dẫn đầu 14 chỉ số trong 52 chỉ số thành phần.

Trong số này có các chỉ số về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo như: Nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế - xã hội như chỉ số phát triển con người.

Năm 2022, Hà Nội cũng dẫn đầu khi có số điểm về chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất (61,07 điểm) trong số 20 địa phương thử nghiệm PII 2022.

Kết quả này là tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó, Hà Nội có lợi thế là nơi hội tụ những tiềm năng, thế mạnh để trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trên địa bàn Thủ đô tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước; 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và có 82% số phòng thí nghiệm của cả nước. Số nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.

Theo tôi, tuy dẫn đầu Chỉ số PII 2023 nhưng những kết quả về hoạt động đổi mới sáng tạo của Hà Nội thời gian qua vẫn chưa tương xứng với lợi thế của Thủ đô. Nhiều tiềm lực khoa học, công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác, sử dụng thực sự hiệu quả...

Như lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây đã nói rõ, mục đích của Bộ Chỉ số PII không phải là so sánh, xếp hạng giữa các địa phương mà là mô tả thực trạng của từng địa phương để các địa phương xác định biết điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết các tiềm lực, khả năng của mình để có chính sách và điều chỉnh. Đặc biệt sự điều chỉnh này sẽ dựa theo hướng phát triển của các địa phương bởi mỗi địa phương sẽ có đặc thù khác nhau và định hướng phát triển khác nhau.

Đối với nhà đầu tư, kết quả đánh giá PII của địa phương sẽ là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư địa phương để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp. Đối với khu vực nghiên cứu, Bộ Chỉ số PII cung cấp cơ sở dữ liệu toàn diện với hệ thống các chỉ tiêu đánh giá, có thể so sánh được qua thời gian và thúc đẩy các nghiên cứu khác. Bộ Chỉ số PII cũng có ý nghĩa đối với cộng đồng các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ để xem xét, cân nhắc các tài trợ và hoạt động có liên quan tại các địa phương ở Việt Nam.

Do đó, tôi muốn nhấn mạnh điều quan trọng là thông qua số liệu về đo lường, đánh giá từ bộ Chỉ số PII2023, Hà Nội có được tầm nhìn tổng thể, đa ngành, đa lĩnh vực về năng lực đổi mới sáng tạo, qua đó sẽ phát huy thế mạnh và khắc phục những điểm còn tồn tại của mình. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở các viện nghiên cứu, trường đại học... trên địa bàn cùng vào cuộc.

Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương là căn cứ thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển Thủ đô- Ảnh 2.

Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2023 nhận được 100 đề cử và thành phố Hà Nội được trao giải thưởng "Thành phố Hấp dẫn Khởi nghiệp, Đổi mới Sáng tạo." Ảnh: VGP/Minh Anh

Thưa ông, thời gian qua, Hà Nội đã và đang làm gì để phát huy lợi thế, tiếp tụ xây dựng và giữ vững vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước?

Ông Nguyễn Hồng Sơn: Thành phố Hà Nội đã xác định, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm phát triển bền vững Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Đây chính là động lực phát triển mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.

Thành phố Hà Nội hiện đang triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU về "Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025". Đây là chương trình có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ làm thay đổi nhận thức về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà còn là nguồn lực quan trọng cho Thủ đô Hà Nội trong việc phát triển nhanh và bền vững. Chương trình số 07-CTr/TU tạo cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Thực tế thời gian qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hiện, thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Số lượng vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh lần lượt chiếm hơn 38% và 40% xét trên quy mô cả nước. Thành phố cũng có chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư nước ngoài, trọng tâm là các dự án quy mô lớn, chất lượng cao.

Hiện Hà Nội đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và làm chủ công nghệ mới; hình thành và phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở để tăng cường liên kết, kết nối hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ Trung ương, Hà Nội, các tập đoàn, doanh nghiệp nhằm tạo lập môi trường phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới; nâng cao năng lực và hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo; tiếp tục quan tâm phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô.

Hà Nội cũng đang triển khai "Mạng lưới Sáng kiến Thủ đô" và phát huy vai trò "Thành phố sáng tạo" nhằm liên kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, đội ngũ trí thức và doanh nhân để phục vụ, giải quyết các vấn đề đặc thù trong quá trình phát triển Thủ đô…

Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương là căn cứ thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển Thủ đô- Ảnh 3.

Chiều 24/11/2023, Bộ KHCN đã chính thức chuyển giao Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc về UBND TP. Hà Nội sau 1/4 thế kỷ thành lập. Ảnh: VGP/Minh Anh

 Xin ông cho biết trên cơ sở kết quả xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo và những chủ trương lớn của Thành phố về đổi mới, sáng tạo, ngành khoa học công nghệ Thủ đô sẽ triển khai thực hiện những nhiệm vụ giải pháp cụ thể gì để phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hồng Sơn: Như chúng ta đã biết, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Đây là công cụ phản ánh mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương trên cả nước, đồng thời góp phần cải thiện năng lực, kết quả đổi mới sáng tạo cấp quốc gia.

Trước đó, từ năm 2017, Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (thường được gọi tắt là GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố hàng năm đã được Chính phủ sử dụng như một công cụ quan trọng nhằm tham khảo, xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Ở cấp độ địa phương, tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/01/2022, Chính phủ đã phân công Bộ KHCN chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các cơ quan liên quan xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và tổ chức đánh giá thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực đổi mới sáng tạo và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, đồng bộ với Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ KHCN đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các cơ quan liên quan triển khai xây dựng bộ chỉ số và tổ chức triển khai thử nghiệm thành công tại 20 địa phương trong năm 2022. Trên cơ sở đó, tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2022, Chính phủ đã giao Bộ KHCN chính thức triển khai Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ KHCN đã nghiên cứu, tham vấn ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương và các chuyên gia để hoàn thiện Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 và đã tổ chức triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo sát cấu trúc của Bộ Chỉ số GII), gồm: 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo gồm: (1) Thể chế, (2) Vốn con người và Nghiên cứu và phát triển, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường và (5) Trình độ phát triển của doanh nghiệp; và 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KHCN và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội gồm: (6) Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, (7) Tác động.

Nguồn dữ liệu để xây dựng Bộ Chỉ số PII 2023 được thu thập dựa trên số liệu từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác (Bộ Chỉ số Cải cách hành chính, Bộ Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Bộ Chỉ số Chuyển đổi số, Bộ Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh).

Với mỗi địa phương, kết quả đánh giá, xếp hạng của từng chỉ số, nhóm chỉ số và trụ cột được trình bày trong một bảng thông tin tổng hợp. Đồng thời, 5 điểm mạnh và 5 điểm yếu của mỗi địa phương cũng được chỉ rõ. Trên cơ sở các thông tin này, địa phương có thể nhận diện được những vấn đề cần chú trọng để từ đó có chỉ đạo, điều hành trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo của địa phương, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của địa phương và của quốc gia.

Có thể thấy, với chính quyền các cấp, Bộ Chỉ số PII cung cấp các căn cứ về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương; làm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng, thực thi hiệu quả các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KNCN và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy thực hiện các sáng kiến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo.

Ngay trong tháng 3 này, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị chuyên môn của Bộ KHCN để tổ chức một cuộc hội thảo về vấn đề này. Mục tiêu là tìm ra được các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ dựa trên những điểm mạnh của Thành phố; đồng thời cải thiện những chỉ số còn thấp để đổi mới mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô.

Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)

Top