Thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo

09/01/2024 1:24 PM

(Chinhphu.vn) - Đến năm 2025, thành phố Hà Nội xác định mục tiêu phát triển, hỗ trợ các hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, hình thành một hệ thống logistics hiện đại, đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn.

Thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo- Ảnh 1.

Hà Nội đặt mục tiêu hình thành một hệ thống logistics hiện đại. Ảnh: Internet

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo ông Trần Đức Nghĩa, đại diện Hiệp hội Logistics Hà Nội, Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị của miền Bắc và của cả nước. Về công nghiệp, Hà Nội hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động, hơn 100 cụm công nghiệp đã và đang hình thành.

Về thương mại, Hà Nội có gần 150 siêu thị, 454 chợ và hơn 10.000 cửa hàng tiện ích đang hằng ngày phục vụ nhu cầu của khoảng 8 triệu cư dân đô thị. Những con số này thể hiện hoạt động logistics đang diễn ra tại Hà Nội với một mức độ vượt trội so với các địa phương khác ở khu vực phía Bắc và trong toàn quốc.

Hà Nội cũng là trung tâm giao thông vận tải của cả nước với khoảng 40% lưu lượng hàng hóa luân chuyển qua địa bàn là của các địa phương khác thông qua 4/5 phương thức vận tải. Thực tế này thể hiện những chính sách về logistics trên địa bàn Hà Nội sẽ tác động, ảnh hưởng đến chi phí logistics quốc gia.

"Hoạt động trong một thị trường logistics có quy mô lớn, xếp thứ hai sau TPHCM mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp logistics của Hà Nội phát triển, thúc đẩy sự phát triển của ngành. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế của Hà Nội là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp logistics Hà Nội", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Hà Nội có khoảng 25.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động logistics, nhưng thực chất, chỉ có hơn 5.400 doanh nghiệp đang hoạt động chính thức. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân chiếm 80%, phần lớn đều có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ và nhân lực, thường chỉ có từ 10 - 20 nhân viên.

Vì vậy, các doanh nghiệp logistics trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường; 18% tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, còn lại do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho hay, hiện hệ thống kho hàng, bến bãi logistics tại Hà Nội còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, thiếu nhiều loại hình kho lưu trữ hàng hóa đặc thù (kho mát, kho lạnh, kho tài liệu…). Lượng cảng cạn ICD ít và mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa kết nối với loại hình vận tải khác như đường sắt, đường thủy…

Đặt mục tiêu hình thành một hệ thống logistics hiện đại

Bước sang ăm 2024, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, cụ thể hóa quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics trên địa bàn; rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung của Thành phố…

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp, kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025 xác định mục tiêu phát triển, hỗ trợ các hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, hình thành một hệ thống logistics hiện đại, đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố.

Đặc biệt, là phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại; đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và nội địa. Từ đó, đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, của cả nước và khu vực.

Đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3 (3PL), mức độ 4 (4PL); hướng đến mức độ 5 (5PL), logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Hà Nội cũng sẽ phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi các hạ tầng logistics (như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận...); phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng.

Ngoài ra, TP. Hà Nội còn tạo điều kiện tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics nhỏ và vừa với các công ty, chuyên gia phần mềm công nghệ thông tin để được hướng dẫn, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ tiếp cận và đầu tư trang bị, nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý thông tin và chuyển giao dữ liệu, sản xuất và đặt hàng, giao hàng, khai báo hải quan, phần mềm dịch vụ logistics (RFID, Barcode, e-logistics) theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, để phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới, TP. Hà Nội cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số.

Đồng thời, phải đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics; nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics có quy mô phù hợp trên những tuyến đường vành đai, kết nối đầu mối gom hàng, kho tập kết, phân phối hàng tại khu vực tập trung sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp; chú trọng phát triển hệ thống kho bãi, kho bãi chuyên dụng; 

Phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi hạ tầng logistics (như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận...); phát triển nền tảng số kết nối giữa các chủ hàng, nhà giao vận và khách hàng...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh logistics và liên kết Vùng Thủ đô nhằm tạo thuận lợi cho giao lưu vận chuyển, phân phối hàng hóa của Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác; tạo điều kiện phát huy vai trò các hiệp hội ngành nghề liên quan đến dịch vụ logistics;…

Diệu Anh

Top