Bước bứt phá trong sản xuất nông nghiệp Thủ đô

31/07/2023 7:06 PM

(Chinhphu.vn) - Việc tích tụ ruộng đất để thực hiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi đã tạo cơ hội cho các địa phương tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; xây dựng vùng sản xuất gắn với quy hoạch chung của Thành phố.

Bước bứt phá trong sản xuất nông nghiệp Thủ đô- Ảnh 1.

Nông nghiệp Thủ đô đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh đạt chuẩn VietGap, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Để đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều mục tiêu cụ thể, tạo cơ sở thống nhất trong chỉ đạo triển khai; UBND TP. Hà Nội đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện. Có thể thấy, việc lựa chọn dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất làm khâu đột phá để phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung đã mang lại những hiệu quả rõ nét cho nông nghiệp Thủ đô.

Bước bứt phá trong sản xuất nông nghiệp Thủ đô- Ảnh 2.

Hà Nội có nhiều mô hình lúa chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ông Lê Hữu Giang, thôn Ngô Đồng, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai cho biết, toàn bộ diện tích cấy lúa của nhà ông sau quá trình dồn điền đổi thửa đã được tập trung lại thành một thửa rộng 3.600m2. Nhưng cấy lúa thì giá trị không cao nên năm 2020, sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chuyển đổi thành trang trại chăn nuôi tập trung, trên thửa đất lớn, ông Giang và các con đã dựng trại khép kín để nuôi 20.000 con gà đẻ trứng theo quy trình VietGAP. Hiện mỗi ngày đàn gà đẻ cho thu từ 11.000 đến 12.000 quả trứng, đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường.

Bước bứt phá trong sản xuất nông nghiệp Thủ đô- Ảnh 3.

Mô hình sản xuất mạ khay cấy máy tại huyện Phú Xuyên. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ông Trần Sỹ Hùng, Giám đốc Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh, huyện Đan Phượng chia sẻ: Xưởng sản xuất nấm khép kín của gia đình ông Trần Sỹ Hùng được hình thành sau chính sách hỗ trợ gom đất cho doanh nghiệp, người dân có điều kiện sản xuất thuê lại để đầu tư phát triển nông nghiệp của huyện Đan Phượng. Theo ông Hùng, nếu không có sự cởi mở trong chính sách đất đai của Đan Phượng, ông đã không thể giỡ bỏ lán trại tạm bợ, xây dựng nhà lạnh khép kín để trồng nấm công nghệ cao. Thay đổi phương thức sản xuất, đưa công nghệ hiện đại vào hỗ trợ nên hoạt động sản xuất ở đơn vị đã có những bước chuyển mình rõ nét. Giờ đây, trên diện tích 0,8 hecta, mỗi tháng trại sản xuất của ông Hùng có thể cung cấp ra thị trường vài tấn nấm các loại. Bình quân mỗi năm, doanh thu của đơn vị đạt trên 5 tỷ đồng, lao động thường xuyên của Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh cũng chính là người nông dân cho thuê đất đã có việc làm với mức thu nhập ổn định khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, trong giai đoạn 2021- 2025, Hà Nội xác định ngành nông nghiệp phải phát triển toàn diện, bền vững, phải tạo ra sự khác biệt, điểm nhấn riêng so với các địa phương khác trong cả nước. Đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ số. 

Với những bước đi bài bản cùng cách làm cụ thể, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Nội đã hoàn toàn đổi khác. Đời sống của người nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào nhiều công đoạn làm gia tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị cho nhiều loại nông sản của Thủ đô.

Thiện Tâm

Top