Mở rộng vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
(Chinhphu.vn) - Bên cạnh việc thực hiện tích tụ ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn.
Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật đóng vai trò quan trọng đối với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp nói chung và của các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội nói riêng.
Chị Cao Thị Thủy, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa cho biết, HTX đã vạch định mục tiêu hướng tới xuất khẩu. Vì vậy, từ lâu HTX đã ứng dụng công nghệ cao từ việc đưa vào sản xuất giống lúa chất lượng JO2 đến việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch lúa.
Trên diện tích 310ha, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã giúp HTX tiết giảm chi phí, nhân công lao động và góp phần tận dụng hết các phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Sau khi thu hoạch, ngoài sản phẩm chính là sản phẩm mang thương hiệu Gạo Khu Cháy, HTX còn thu được một khoản kinh phí không nhỏ từ việc thu hoạch và bán rơm để làm thức ăn chăn nuôi, làm nấm rơm hoặc phân hữu cơ tốt cho đồng ruộng.
Ông Nguyễn Viết Huynh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ chia sẻ, đối với HTX, trong vụ xuân năm 2023 đã đưa mô hình giống lúa chất lượng cao TBR225 vào sản xuất trên diện tích 50 ha. Việc đưa giống lúa mới, chất lượng cao vào sản xuất đồng thời áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ khâu gieo cấy, phun thuốc đến gặt hái vừa giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân. Nhiều mô hình đã được Trung tâm phát triển nông nghiệp Hà Nội áp dụng thành công mở ra hướng sản xuất lúa của Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng mới được 16 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa; 3 mô hình chuyển đổi sản xuất lúa - cá tại 19 xã thuộc 8 huyện, quy mô 1.117 ha. Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao, cao hơn các giống lúa khác khoảng 27,3 triệu đồng/ha/vụ.
Thực tế việc áp dụng công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Đặc biệt là từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người dân nông thôn. Dù mang lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên, để nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao lại là bài toán không dễ.
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 1.800 HTX đang hoạt động. Tuy nhiên mới chỉ có hơn 50 HTX được ghi nhận là cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đây là con số còn rất khiêm tốn. Định hướng phát triển kinh tế nông thôn của Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025 xác định sẽ ưu tiên xây dựng những mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng, an toàn thực phẩm và đặc biệt là tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực. Để đạt được mục tiêu trên, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất là đòi hỏi cấp thiết đặt ra đối với các HTX.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Thành phố cần có hướng đi riêng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, tập trung phát triển các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ; hình thành các kênh phân phối; phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái…
Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu cho Thành phố hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, trình HĐND thành phố thông qua vào tháng 7/2023. Bên cạnh đó thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm.
Thiện Tâm