Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tiệm cận đô thị

01/06/2023 4:02 PM

(Chinhphu.vn) - Định hướng phát triển kinh tế đô thị và xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị văn minh, huyện Đan Phượng đã phát huy lợi thế để phát triển các mô hình nông sản an toàn, xây dựng thương hiệu, khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái.

Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tiệm cận đô thị - Ảnh 1.

Mô hình trồng nho Hạ Đen tại HTX Sinh Phát Phương Đình, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng cho chất lượng và thu nhập cao. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng luôn chủ động, sáng tạo, xác định nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với từng giai đoạn phát triển của huyện và là huyện đi đầu Thành phố về xây dựng nông thôn mới. Tính đến năm 2020, huyện có 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến hết năm 2022, huyện có 12/15 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 12/20 xã nông thôn mới kiểu mẫu toàn thành phố).

Với việc thực hiện đề án phát triển huyện thành quận, xã thành phường giai đoạn 2021-2025,  huyện đã định hướng phát triển kinh tế đô thị và xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị văn minh. Theo đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế số và các mô hình kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Đối với phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện đã triển khai tái cơ cấu ngành và tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm. Tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện là 3.652 ha, diện tích chuyển đổi sang cây trồng cho hiệu quả, giá trị kinh tế cao đạt 1.624,5 ha. Bên cạnh đó, nhiều mô hình nông nghiệp rau hữu cơ, sản xuất hoa lan hồ điệp, nấm chất lượng cao được mở rộng; các giống mới, cây con mới được khảo nghiệm thành công và nhân ra diện rộng như: Mô hình nho hạ đen, mô hình tôm thẻ chân trắng. Nông sản và các sản phẩm OCOP được số hóa và quảng bá trên các sàn thương mại điện tử mang lại giá trị, thu nhập cao. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 425 triệu đồng.

Hiện trên địa bàn huyện có 13 HTX nông nghiệp được thành lập mới, tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, xây dựng được 8 nhãn hiệu tập thể cho nông sản, 97 sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP. Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 73 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện không có hộ nghèo. 

Là xã vùng bãi ven sông Hồng với diện tích đất nông nghiệp còn khá lớn, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng đang phát huy lợi thế để phát triển các mô hình nông sản an toàn, xây dựng thương hiệu, khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái.

Ông Đỗ Văn Sánh, thôn 1, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng chia sẻ, do nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ giá đỗ sạch là rất lớn, trên diện tích khoảng 600 m2, gia đình ông đã vay vốn đầu tư khoảng 600 triệu đồng để phát triển mô hình làm giá đỗ sạch cung cấp cho thị trường Hà Nội. Từ nguồn vốn đầu tư ban đầu, gia đình ông Sánh đã đầu tư mua dụng cụ, nguyên liệu làm giá đỗ. Với hơn 2 tấn giá đỗ/tháng cũng cho gia đình ông Sánh thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng. Hiện nay, cơ sở sản xuất giá đỗ sạch của ông Đỗ Văn Sánh đang tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, nghề làm giá đỗ sạch đang phát triển mạnh tại 3 thôn của xã Trung Châu với khoảng 80 hộ làm nghề.

Ông Thiều Văn Thiết, thôn 11, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng cho biết, toàn xã Trung Châu hiện có trên 300 ha diện tích đất nông nghiệp, cùng với việc quy hoạch diện tích phát triển chăn nuôi, xã cũng đang quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng để khuyến khích người dân phát triển các mô hình nông sản an toàn, phát triển du lịch trải nghiệm cho người dân. Trước đây vốn chỉ trồng rau màu, ngô khoai sắn không mang lại nhiều giá trị kinh tế, sau khi được tham quan, học tập kinh nghiệm từ mô hình nho Hạ Đen tại xã Phương Đình, ông Thiết đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng đầu tư cây con giống trồng nho Hạ Đen trên diện tích 4.500 m2 và nho sữa giống Hàn Quốc trên diện tích 1.000 m2 vừa để thu hoạch nho, vừa phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Theo tính toán với mức giá 150 nghìn đồng/kg, ước tính thu hoạch từ nho sẽ cho gia đình thu nhập trên 70 triệu đồng/sào. Ngoài thu hoạch từ sản phẩm nho, gia đình cũng đang định hướng mở du lịch sinh thái cho người dân đến tham quan, chụp ảnh và khoản thu nhập từ hoạt động dịch vụ này.

Ông Nguyễn Xuân Luận, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Châu, huyện Đan Phượng cho biết, phát triển những mô hình, cây con giống mới cho giá trị kinh tế cao theo định hướng du lịch sinh thái trải nghiệm cũng đang được nhiều hộ nông dân vùng bãi ven sông Hồng triển khai. Từ những mô hình thí điểm khi triển khai hiệu quả xã sẽ khuyến khích nhân rộng và có những chính sách hỗ trợ để cho mô hình phát triển.

Hiện nay, xã Trung Châu đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu của huyện Đan Phượng và việc phát triển các mô hình chuyển đổi hiệu quả đang là định hướng của Đảng ủy và UBND xã nhằm khai thác hết tiềm năng thế mạnh của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thiện Tâm

Top