Các địa phương chủ động ứng phó với cơn bão số 3

06/09/2024 1:57 PM

(Chinhphu.vn) - Để ứng phó với cơn bão số 3, các địa phương của Hà Nội đã lên phương án và sẵn sàng các biện pháp ứng phó trước mọi tình huống xảy ra.

Các địa phương chủ động ứng phó với cơn bão số 3- Ảnh 1.

Các địa phương của Hà Nội đã lên các phương án ứng phó với mưa bão. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, do ảnh hưởng của bão số 3, từ sáng ngày 7 đến sáng ngày 8/9 trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ có mưa to đến rất to, dông, lốc, sét, gió giật mạnh. Lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi cao hơn 300mm. Từ trưa ngày 8 đến sáng 9/9 có mưa vừa, mưa to, dông…

Chính do mưa lớn nên trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến 10/9, các sông ở Hà Nội sẽ xuất hiện đợt lũ với biên độ từ 1,5 đến 4m. Trong đó, đỉnh lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống ở mức dưới báo động cấp I; sông Đáy ở mức từ báo động cấp I đến báo động cấp II. Các sông Bùi, Tích, Cà Lồ... đạt mức lũ từ báo động cấp II đến cấp III.

Đáng chú ý, tại khu vực ngoại thành, mực nước sông lên cao có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt vùng trũng thấp, bãi nổi giữa sông, ảnh hưởng đến an toàn đối với tuyến đê vùng ven các sông: Đà, Hồng, Đuống, Đáy, Bùi, Tích, Cà Lồ và vùng trũng, ven sông một số khu vực thuộc huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn và các quận: Long Biên, Hà Đông...

Theo dự báo, các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì có lượng mưa khoảng 200-300mm, có nơi cao hơn 400mm. Các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh 150-250mm, có nơi cao hơn 300mm.

Vì vậy, để chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (bão YAGI), huyện Thạch Thất đã yêu cầu thru trưởng các phòng, ban, ngành của huyện, lãnh đạo các xã, thị trấn tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trước tình hình, diễn biến của bão. Đồng thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, thành phố và huyện trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ. Tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình tiêu thoát nước, các khu dân cư để kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể xảy ra; sẵn sàng sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm, trong đó đặc biệt lưu ý đối với các xã miền núi.

Các địa phương, đơn vị trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo chi tiết, đầy đủ, kịp thời tình hình diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; kịp thời tham mưu báo cáo, đề xuất khó khăn, vướng mắc và các nội dung vượt thẩm quyền theo quy định.

Các địa phương chủ động ứng phó với cơn bão số 3- Ảnh 2.

Các biện pháp đê bao, phòng hộ được triển khai để ứng phó với mưa bão. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tại huyện Chương Mỹ, theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả với bão số 3 và các ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan có thể xảy, các xã, thị trấn tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình của cơn bão số 3, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn. Đồng thời tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, hồ, đập, công trình thủy lợi, các công trình xây dựng, các khu nhà ở, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng, sự cố đảm bảo an toàn công trình; tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu úng bảo vệ phục hồi sản xuất.

Chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ". Lên phương án chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ ứng phó mưa to, gió lớn; chằng chống nhà cửa, công trình, biển báo, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hoạt động sản xuất của nhân dân; phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai; phương án hỗ trợ đảm bảo đời sống Nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, sự cố xảy ra…

Thực hiện rà soát, khoanh vùng nguy cơ ngập lụt, úng để có phương án phù hợp; chủ động vận hành hợp lý các công trình thủy lợi.

Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, các công trình, trụ sở ven sông, ven suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở. Có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là tại các xã Tiên Phương, Hồng Phong, Thủy Xuân Tiên và thị trấn Chúc Sơn.

Các xã, thị trấn chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang (Thị trấn Xuân Mai, xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Hữu Văn, Hồng Phong, Trần Phú, Mỹ Lương, Tốt Động) chủ động phương án sơ tán nhân dân tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó lũ rừng ngang. Rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, dễ có nguy cơ sự cố, nhất là đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn về người, tài sản của nhà nước và nhân dân; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, hàng hóa, vật tư thiết yếu, sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai xảy ra.

Đối với các chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị thi công kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho người và phương tiện, tránh để tình trạng mất an toàn trong trường hợp có mưa, bão.

Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy lợi Chương Mỹ kiểm tra, rà soát, xử lý sự cố, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, hồ đập. Chủ động vận hành các công trình tiêu, bảo vệ các diện tích sản xuất nông nghiệp.

Công ty Điện lực Chương Mỹ đảm bảo an toàn lưới điện, cung cấp đủ nguồn điện để phục vụ tiêu úng, chống ngập và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Thiện Tâm

Top