Các địa phương nỗ lực trồng cây xanh, bảo vệ môi trường

05/02/2025 9:16 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 4/2, tại vườn hoa Diên Hồng (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), Quận ủy - HĐND - UBND - MTTQ quận Hoàn Kiếm tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ năm 2025.

Các địa phương nỗ lực trồng cây xanh, bảo vệ môi trường- Ảnh 1.

Các lãnh đạo trồng cây tại Lễ phát động Tết trồng cây tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: VGP

Dự buổi Lễ có ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 03 của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025"; ông Dương Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; lãnh đạo các Ban HĐND Thành phố, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố; lãnh đạo một số sở, ngành Thành phố.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, trong nhiệm kỳ 2021-2025, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã trồng gần 1.000 cây xanh đô thị bổ sung, thay thế vào các vị trí cây đổ do mưa bão và trồng thêm hơn 25.000m2 cây đơn lẻ, mảng cây, thảm cỏ tại các vườn hoa, hè phố và trong khuôn viên các trường học.

Bên cạnh đó, UBND quận cũng đã triển khai cải tạo, chỉnh trang 11 vườn hoa trên địa bàn, bao gồm các vườn hoa có giá trị lịch sử và kiến trúc như Diên Hồng, Cổ Tân, Tây Sơn và nhiều không gian công cộng như Phố sách Hà Nội tại phố 19-12. Những nỗ lực này đã góp phần xây dựng quận Hoàn Kiếm ngày càng Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, xứng đáng là trung tâm văn hóa, lịch sử của Thủ đô.

Nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo phòng Quản lý Đô thị quận, UBND 18 phường tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội rà soát và có kế hoạch trồng cây trên địa bàn, trong đó có vườn hoa Diên Hồng.

"Quận Hoàn Kiếm tổ chức Lễ trồng cây tại vườn hoa Diên Hồng là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường, góp phần đổi mới cảnh quan, tăng cường cây xanh bóng mát cho không gian vườn hoa Diên Hồng. Mong rằng, mỗi cán bộ và người dân trong quận bằng các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường sống của chúng ta, xứng đáng là quận trung tâm của Thủ đô ngàn năm văn hiến", ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh thêm.

Phát biểu hưởng ứng tại Lễ phát động, Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền Lê Phương Hoàng Yến đã thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Tràng Tiền khẳng định, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, phường Tràng Tiền luôn xác định việc trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện Thành phố và quận.

Cơn bão Yagi vừa qua, trên địa bàn phường đã bị đổ hơn 100 cây, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, thực hiện sự chỉ đạo của Thành phố và quận, trong 2 ngày Đảng, chính quyền, các đoàn thể, cán bộ phường và nhân dân đã dọn dẹp sạch các cây đổ, đường phố được phong quang, sạch đẹp.

Thời gian tới, mỗi cán bộ và người dân phường Tràng Tiền bằng các hoạt động thiết thực, hưởng ứng phát động trồng mới các cây trên các tuyến phố nhằm bảo vệ môi trường.

Huyện Gia Lâm phấn đấu trồng hơn 10.000 cây xanh năm 2025

Cũng trong ngày 4/2, tại Công viên Gia Lâm, Huyện ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Ất Tỵ 2025, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết: Kể từ Tết Nguyên đán Canh Tý 1960 hưởng ứng lời kêu gọi "Tết trồng cây" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay, mỗi độ Xuân về, Tết trồng cây đã thực sự trở thành một tập quán, một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, quốc phòng, môi trường. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Gia Lâm luôn tích cực hưởng ứng phong trào Tết trồng cây hằng năm.

Hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025, huyện Gia Lâm trồng 119 cây tại Công viên Gia Lâm, gồm các loại: sấu, phong linh, lát hoa.

Công viên Gia Lâm là công trình trọng điểm, quy mô hơn 14ha với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, gồm: Kè hồ, quảng trường, đường dạo, chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ…, tổng mức đầu tư hơn 280 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý II/2025. Dự án được đưa vào sử dụng sẽ tạo không gian cảnh quan kiến trúc đô thị, bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng của huyện theo quy hoạch và xây dựng huyện Gia Lâm phát triển toàn diện, xanh - sạch - đẹp bền vững.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các phòng, ban, ngành, đoàn thể từ huyện tới cơ sở tập trung tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây; vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài và giá trị nhân văn của việc trồng cây, tạo thành phong trào: "Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây" gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái để thực hiện thành công chiến lược phát triển nhanh và bền vững khi bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Quận Đống Đa đặt mục tiêu trồng 10.000 cây xanh các loại trong năm 2025

Chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), quận Đống Đa vừa tổ chức lễ gắn biển công trình Trường Tiểu học Khương Thượng và phát động phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Ất Tỵ 2025.

Dự án xây dựng Trường Tiểu học Khương Thượng là công trình trọng điểm được quận Đống Đa phê duyệt và khởi công từ ngày 1/11/2023. Sau hơn một năm thi công khẩn trương, công trình đã hoàn thành và bàn giao vào ngày 3/1/2025, vượt tiến độ đề ra khoảng 5 tháng.

Với tổng mức đầu tư 152,08 tỷ đồng, công trình được cải tạo, xây dựng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Đồng thời, hệ thống phòng cháy chữa cháy đã được Công an Thành phố nghiệm thu, bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng. Sở Xây dựng Hà Nội đã nghiệm thu hoàn thành công trình, khẳng định chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật đạt yêu cầu.

Nhân dịp này, quận Đống Đa phát động phong trào "Tết trồng cây" nhằm tiếp tục mở rộng diện tích cây xanh trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết, trong năm 2024, dù diện tích đất cây xanh còn hạn hẹp, quận vẫn trồng mới 725 cây, 5.215m² thảm cỏ. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành để trồng mới gần 1.500 cây xanh, 4.000 cây bụi, cây hoa và gần 20.000m2 thảm cỏ trên các tuyến phố, dải phân cách.

Đồng thời, các địa phương, đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ những điều kiện về cây giống, vật tư, nhân lực, kinh phí để tổ chức thực hiện tốt Tết trồng cây, bảo đảm thiết thực hiệu quả, tiết kiệm; trồng nhiều hàng cây ở các tuyến đường, trường học, các khu di tích, khu dân cư và tổ chức chăm sóc, bảo vệ thường xuyên, bảo đảm tỷ lệ cây sống cao và phát triển tốt.

Năm 2025, quận Đống Đa đặt mục tiêu trồng 10.000 cây xanh các loại, gồm: Sấu, sao đen, giáng hương, lát, chiêu liêu, hoa sữa, phong linh, long não, tường vi và nhiều loại cây ăn quả khác... Toàn huyện cũng quyết tâm phấn đấu trồng cây vượt chỉ tiêu đề ra.

Các địa phương nỗ lực trồng cây xanh, bảo vệ môi trường- Ảnh 2.

Các đại biểu trồng cây tại Lễ phát động Tết trồng cây tại quận Đống Đa

Bên cạnh đó, quận cũng đã cải tạo 3 vườn hoa gồm: Vườn hoa 1-6, vườn hoa Trường Đại học Công đoàn, vườn hoa Đào Duy Anh và đang tiếp tục triển khai xây dựng lại vườn hoa Trường Đại học Thủy lợi, vườn hoa Hồ Ba Mẫu. Nhờ những nỗ lực này, tỷ lệ diện tích cây xanh của quận đã tăng đáng kể, hiện có 25.700 cây bóng mát, tăng khoảng 35% so với trước.

Trong năm 2025, quận đặt mục tiêu trồng thêm 2.000 cây bóng mát, cây ăn quả các loại. Mỗi phường sẽ trồng thêm 20-30 cây nhằm bù đắp thiệt hại do Cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, đồng thời góp phần xây dựng quận Đống Đa ngày càng "Sáng - xanh - sạch - đẹp".

Mê Linh phát động trồng 20.000 cây xanh trong năm 2025

Cùng ngày 4/2, UBND huyện Mê Linh tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Ất Tỵ 2025. Năm nay, toàn huyện phấn đấu trồng khoảng 20.000 cây xanh các loại...

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết: Phát huy truyền thống và ý nghĩa tốt đẹp của Tết trồng cây, với nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của cây xanh trong bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan đô thị, trong những năm qua, phong trào trồng cây xanh được huyện Mê Linh quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả tốt. Huyện tập trung chỉ đạo trồng nhiều cây xanh tại các trường học, công sở, khuôn viên di tích lịch sử, điểm sinh hoạt văn hóa công cộng… tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Để phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Ất Tỵ năm 2025 đạt kết quả cao, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Khương đề nghị các phòng, ban, ngành; cơ quan, đơn vị; các xã, thị trấn thực hiện tốt kế hoạch của UBND Thành phố và của UBND huyện về tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Ất Tỵ và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Trồng và quản lý cây xanh trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo". Đặc biệt, sau ảnh hưởng cơn bão số 3, UBND huyện giao các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị thực hiện trồng khoảng 20.000 cây thay thế cây gãy đổ.

Sau khi trồng cây xanh, UBND huyện giao các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh; nêu cao ý thức trồng cây quanh năm chứ không chỉ trồng trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với việc trồng cây lấy bóng mát, người dân cần trồng thêm cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, bảo đảm không gian sống xanh - sạch - đẹp.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của cây xanh, UBND huyện kêu gọi đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, hộ gia đình, cá nhân tích cực hưởng ứng phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ", góp hương sắc cho đất Việt mãi mãi xanh tươi như lời căn dặn của Bác: "Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân".

Thùy Chi

Top