Hà Nội: Nhiều địa phương phát động Tết trồng cây năm 2024

16/02/2024 3:42 PM

(Chinhphu.vn) - Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội thêm xanh, sạch đẹp, văn hiến, văn minh và hiện đại.

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết "Tết trồng cây", đăng trên Báo Nhân Dân kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị tổ chức một ngày "Tết trồng cây" trong cả nước để trở thành một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Hà Nội: Nhiều địa phương phát động Tết trồng cây năm 2024- Ảnh 1.

Lãnh đạo quận Tây Hồ hưởng ứng Tết trồng cây xuân Giáp Thìn 2024

Phát huy truyền thống và ý nghĩa tốt đẹp của Tết trồng cây và nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của cây xanh trong chương trình vì an ninh môi trường sinh thái và cảnh quan đô thị, trong những năm qua, phong trào trồng mới cây xanh đã được Quận ủy - HĐND - UBND quận Tây Hồ quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả.

Thông qua việc thực hiện Tết trồng cây, các cấp, ngành, đoàn thể tập trung trồng nhiều cây xanh tại trường học, khu vực đường dạo xung quanh hồ Tây, các tuyến đường phố chính của quận, từng bước cải thiện môi trường sinh thái, góp phần nâng cao giá trị cảnh quan đô thị trên địa bàn quận Tây Hồ.

Tết trồng cây năm 2024, UBND huyện Ứng Hòa phát động trồng mới khoảng 13.000 cây xanh các loại. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định cho biết, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến đông đảo quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây; vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng cây; tổ chức triển khai việc trồng cây phù hợp điều kiện từng địa phương, đơn vị, bảo đảm thiết thực hiệu quả; tiếp tục tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, triển khai xây dựng kế hoạch trồng cây xanh gắn với phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; lựa chọn loại cây trồng phù hợp từng khu vực (đô thị, các khu/cơ sở sản xuất, điểm dân cư nông thôn...); tổ chức phát động trồng cây đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân; triển khai thực hiện tốt kế hoạch Tết trồng cây gắn với trồng, chăm sóc, bảo đảm sinh trưởng, phát triển...

Huyện Thường Tín cũng vừa tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Giáp Thìn 2024.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, trong những năm qua, phong trào trồng cây của huyện đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Năm 2023, toàn huyện đã trồng 19.589 cây, đạt 101% so với kế hoạch, trong đó có 5.351 cây bóng mát và 14.238 cây ăn quả, tỷ lệ cây sống đạt 96%.

Kết quả trên đã từng bước nâng cao chất lượng cây ăn quả ở các vùng chuyên canh và cải tạo một số vườn tạp trong khu dân cư, góp phần tạo cảnh quan môi trường, giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Trong năm 2024, huyện phấn đấu trồng 19.600 cây các loại.

Hưởng ứng sự kiện Tết trồng cây, giai đoạn 2021-2023, toàn quận Bắc Từ Liêm đã trồng được 3.200 cây bóng mát; dự kiến năm 2024-2025, sẽ trồng 2.920 cây bóng mát.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên cho biết, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân quận Bắc Từ Liêm luôn khắc ghi lời dạy của Bác, xác định việc trồng cây xanh gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của quận không chỉ cho hôm nay mà cho các thế hệ mai sau. Đặc biệt, quận Bắc Từ Liêm là địa phương đang đô thị hóa nhanh, việc trồng cây xanh để cân bằng sinh thái là rất cần thiết, là trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Năm 2024, huyện Hoài Đức phấn đấu trồng 15.000 cây các loại, trong đó, 13.000 cây ăn quả, 2.000 cây lấy gỗ, cây bóng mát.

Phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường nhấn mạnh, việc trồng cây đầu năm nhằm tạo không khí thi đua để các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong huyện tích cực, chủ động, hưởng ứng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và hoàn thành thắng lợi mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và hoàn thành các tiêu chí huyện Hoài Đức trở thành quận.

Trong năm 2024, toàn huyện Đan Phượng phấn đấu trồng 1.999 cây bóng mát, cây đô thị.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đan Phượng, đều tổ chức ngày hội "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết thêm, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến đông đảo quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây; vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng cây...

Đồng thời lưu ý, các cơ quan, đơn vị, địa phương phát động Tết trồng cây phù hợp điều kiện thực tế, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức… Mỗi người dân trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường.

Năm 2024, huyện Sóc Sơn phấn đấu trồng mới và trồng nâng cấp 30.000 cây phân tán các loại, chăm sóc bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng làm cho huyện Sóc Sơn và Thủ đô ngày càng "xanh - sạch - đẹp".

Để góp phần thêm xanh cho Thủ đô Hà Nội, trong năm 2024 huyện Quốc Oai phấn đấu trồng 3.000 cây bóng mát, 10.000 cây ăn quả các loại và trồng mới, trồng bổ sung 10ha rừng tại các xã: Đông Xuân, Phú Mãn, Hòa Thạch.

Thùy Chi

Top