Các địa phương sẵn sàng đẩy mạnh liên kết, hợp tác với Hà Nội

17/06/2018 5:15 PM

(Chinhphu.vn) - “Hà Nội 2018-Hợp tác Đầu tư và Phát triển” là cơ hội thể hiện sự gắn kết giữa chính quyền TP.Hà Nội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; cũng là cơ hội để Hà Nội và các địa phương sẵn sàng kết nối, hỗ trợ, hợp tác đầu tư.

Hội nghị hợp tác đầu tư 2018: Khẳng định mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp

Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư cho 71 dự án

Hội nghị "Hà Nội 2018-Hợp tác đầu tư và phát triển"-Ảnh: Hà Liên Anh

Cơ hội hợp tác đầu tư để phát triển du lịch

Tại Hội nghị “Hà Nội 2018-Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá, hội nghị là cơ hội tốt để Ninh Bình và các địa phương khác trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu kết nối hợp tác cùng phát triển.

Là vùng đất có bề dày lịch sử truyền thống văn hiến lâu đời, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ với quy hoạch 2 khu du lịch cấp quốc gia và 7 khu quy mô cấp cấp tỉnh. Tỉnh quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tạo sức hấp dẫn với du khách trong ngoài nước. Trong năm 2017, tỉnh đón 7,5 triệu lượt khách và trên 4,5 triệu khách trong đầu năm 2018, qua đó tạo lượng lớn việc làm cho người dân đồng thời duy trì bảo tồn di tích văn hóa lịch sử nhằm phát triển du lịch bền vững.

Để có những thành tựu đó, Ninh Bình đã ban hành chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đồng thời đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh cũng như Thủ đô Hà Nội, phấn đấu phát triển du lịch lịch sử - văn hóa - thiên nhiên - tâm linh - cộng đồng - nghỉ dưỡng để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Theo quyết định của Chính phủ, Ninh Bình sẽ đăng cai Năm du lịch quốc gia năm 2020 với chủ đề Con đường Di sản Thế giới của Việt Nam. Để chuẩn bị tốt cho sự kiện này, Ninh Bình tiếp tục chủ trương liên kết các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là TP.Hà Nội thông qua khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch địa phương, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm phát triển du lịch bền vững, cũng như đóng góp xây dựng đất nước bền vững.

Thúc đẩy liên kết phát triển vùng gắn với phát triển hạ tầng giao thông

Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho biết, với vai trò cửa ngõ Hà Nội và vùng kinh tế phía Bắc, từ lâu nổi tiếng là một cảng biển lớn nhất miền Bắc, một đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường sắt và đường hàng không trong nước và quốc tế, Hải Phòng cũng là cửa chính ra biển của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trên hai hành lang-một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam-Trung Quốc.

Chính vì vậy, hệ thống cảng biển của Hải Phòng không ngừng được đầu tư nâng cấp, với hơn 40 cảng biển thương mại, hệ thống cảng biển Hải Phòng đã xử lý phần lớn hàng hóa với tổng lượng trên 92 triệu tấn/năm 2017, và gần 42 triệu tấn trong nửa đầu năm 2018, tăng cao 17,17% so với cùng kỳ năm 2017.

Ngày 13/5, Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng đã được đưa vào sử dụng, cho phép hàng hóa từ cảng Hải Phòng đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ và ngược lại, góp phần giảm mạnh chi phí hàng hóa, nhờ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp phía Bắc. Hải Phòng đã và đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc kết nối hàng hóa của các tỉnh vùng phía Bắc, tăng cường vị thế của vùng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Hội nghị, Hải Phòng cam kết tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò với Hà Nội nói riêng và cả vùng kinh tế Bắc Bộ nói chung. TP. Hải Phòng cũng mong muốn Trung ương tiếp tục hỗ trợ Hải Phòng và các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế phía Bắc tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế. Hiện Hải Phòng cũng đã có một hệ thống hạ tầng kinh tế sẵn sàng đón nhận những dự án đầu tư chất lượng cao, thân thiện với môi trường, sẵn sàng hợp tác phát triển kinh tế du lịch.

Về giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển vùng gắn với phát triển hạ tầng giao thông, ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong phát triển liên kết vùng, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông và hạ tầng kết nối với các địa phương lân cận. Tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng xã hội từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Giao thông cao tốc trên địa bàn tỉnh đến nay cơ bản kết nối với trục giao thông quốc gia, tạo sự liên thông hàng hóa giữa tỉnh với các tỉnh, thành lân cận.

Trong hợp tác với Hà Nội, tỉnh hoàn thành việc kết nối giữa huyện Thanh Thủy với huyện Ba Vì (Hà Nội). Tuy nhiên, việc hỗ trợ liên kết vùng còn nhiều hạn chế, hạ tầng giao thông trục chưa có kết nối, việc đầu tư kết nối với phát triển vận tải thiếu đồng bộ, không gian phân tán, manh mún...

Để khắc phục những hạn chế này, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế về quy hoạch bảo đảm sự nhất quán, cân đối nhu cầu và nguồn lực. Các tỉnh cần rà soát quy hoạch hạ tầng giao thông vùng và các địa phương, loại bỏ quy hoạch không phù hợp; nghiên cứu quy hoạch đồng bộ, quan tâm bố trí vốn cho các dự án công trình trọng điểm, bảo đảm lợi ích tối đa vùng và lãnh thổ; tăng cường dự báo cung - cầu về kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu lực, đánh giá hiệu quả sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Công Thủy cho rằng, Thủ đô Hà Nội cũng cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ các tỉnh trong vùng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng.

Hà Liên Anh

Top