Các địa phương thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng cho bà con nhân dân, các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn và học sinh sinh viên vay vốn. Qua đó đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mê Linh Quang Mạnh Hà, tính đến hết tháng 12 năm 2022, tổng nguồn vốn tín dụng trên địa bàn huyện là 521,4 tỷ đồng, tăng 57,2 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong năm 2022, NHCSXH huyện đã thực hiện giải ngân 196.169 triệu đồng, với 5.780 lượt khách hàng. Trong đó, giải ngân một số chương trình như: Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 38.280 triệu đồng; hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm 149.219 triệu đồng; nhà ở xã hội 490 tỷ đồng; học sinh, sinh viên 200 triệu đồng; hộ cận nghèo 50 triệu đồng; cho vay cơ sở mầm non 960 triệu đồng; người sử dụng lao động để trả lương phục hồi sản xuất 6.970 triệu đồng…
Đáng chú ý, nguồn vốn tín dụng chính sách của huyện đã góp phần giúp hơn 4 nghìn khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nhiều mô hình kinh tế tập thể, mô hình trang trại, VAC của các hộ gia đình có quy mô phát triển theo định hướng chung của huyện, góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.
Trong đó có một số điển hình tiêu biểu như hộ gia đình của bà Phạm Thị Thu Chang (xã Tráng Việt) vay 50 triệu đồng sửa chữa cửa hàng say xát gạo, cho thu nhập hàng năm khoảng 180 triệu đồng và tạo việc làm cho 2 lao động. Hay như hộ gia đình ông Phùng Thế Trưởng (xã Tam Đồng) được vay 40 triệu vốn giải quyết việc làm đã mở xưởng sản xuất nội thất, hướng dẫn phát triển kinh tế hộ gia đình vững chắc, tạo việc làm cho 2 lao động…
Có thể thấy thời gian qua, nguồn vốn tín dụng đã góp phần giúp cho 5.870 lượt khách hàng vay vốn tiếp tục vay vốn đầu tư chống tái nghèo; tạo thêm được 3.932 lao động có việc làm ổn định; 1.914 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để các hộ dân có điều kiện sống tốt hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh trong sinh hoạt, 12 cơ sở mầm non vay vốn khôi phục cơ sở vật chất, 10 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn.
Theo Phó Chủ tịch huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Mê Linh Lê Văn Khương, với những kết quả đạt được, để hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2023, từng thành viên Hội đồng quản trị và lãnh đạo, công chức phòng giao dịch NHCSXH huyện cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của huyện. Tích cực phối hợp với chính quyền và hội đoàn thể tổ chức bình xét, tổng hợp đối tượng thụ hưởng vay vốn, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, lãi phát sinh tại cơ sở. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các xã có nợ đọng, nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro để đôn đốc thu hồi kịp thời, đảm bảo an toàn vốn.
Tại huyện Thạch Thất, theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Quốc Mạnh, thời gian qua, thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, trong 20 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội của Trung ương, Thành phố đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện. Đồng thời từng bước khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội là công cụ, giải pháp quan trọng, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn phát triển của huyện cũng như của Thành phố trong giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh, ổn định chính trị xã hội.
Trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách triển khai qua NHCSXH trên địa bàn huyện đã giúp hàng nghìn hộ vượt qua được khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, ổn định cuộc sống. Đồng thời, góp phần giúp trên 10 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút, tạo việc làm cho trên 19 nghìn lao động; hỗ trợ 7.261 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới, cải tạo 18.145 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng, sửa chữa 284 ngôi nhà cho hộ nghèo;... Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn; đồng thời góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 11 triệu đồng năm 2002 lên 75 triệu đồng năm 2022; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2021 xuống còn 0,21%, đời sống người dân, nhất là người nghèo ngày càng được cải thiện.
Với những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, trong tháng 1 năm 2023, NHCSXH huyện Thạch Thất đã tiếp tục thực hiện việc cho vay quay vòng theo kế hoạch được giao hoàn thành 100%. Bên cạnh đó, trước khi giải ngân cần đẩy mạnh tuyên truyền cho hộ vay nắm được thông tin về chương trình cho vay, sử dụng vốn vay đúng mục đích quyền lợi và nghĩa vụ của hộ vay.
Rà soát củng cố và kiện toàn những tổ Tiết kiệm và vay vốn không làm đúng hợp đồng ủy nhiệm sau khi kiểm tra đối chiếu phát hiện. Tập trung đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ khoanh, nợ gia hạn, lãi tồn các cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn các xã, thị trấn: Cẩm Yên, Kim Quan, Liên Quan, Phú Kim, Canh Nậu, Phùng Xá, Đồng Trúc, Bình Yên có nợ quá hạn, lãi tồn khó đòi phối hợp với Hội đoàn thể, tổ Tiết kiệm và vay vốn báo cáo UBND xã có giải pháp để đôn đốc các món nợ quá hạn.
Thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách; quan tâm tập trung nguồn lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, công tác ủy thác cho vay qua các hội đoàn thể, chất lượng hoạt động của các tổ Tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch để chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội.
Thiện Tâm