Người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế từ nguồn vay tín dụng
(Chinhphu.vn) - Trong 20 năm qua, mô hình tổ chức của Ngân hàng Chính sách xã hội được quan tâm hoàn thiện phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả, nhờ vậy đã có nhiều địa phương, người dân được hỗ trợ vay vốn, phát triển kinh tế.
Theo Ngân hàng chính sách xã hội TP. Hà Nội, kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới của Thành phố giai đoạn 2022-2025, Hà Nội có trên 3.600 hộ nghèo, chiếm 0,16% tổng số hộ dân và có trên 30.000 hộ cận nghèo, chiếm 1,38%; Thành phố có 12 quận, huyện không có hộ nghèo theo chuẩn mới, trong đó có quận Hai Bà Trưng không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (gọi tắt là Nghị định số 78/2002/NĐ-CP) được ban hành cùng với việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Chính phủ đã tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại, thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và cam kết trước cộng đồng quốc tế về xóa đói giảm nghèo.
Trong 20 năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo NHCSXH… đã tham mưu UBND TP. Hà Nội bám sát Nghị quyết đại hội Đảng bộ và các chương trình, mục tiêu, kế hoạch của Thành phố để chỉ đạo triển khai thực có hiệu quả Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn, chuyển tải kịp thời vốn tín dụng chính sách xã hội tới các đối tượng thụ hưởng; góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế của Thành phố.
Mô hình tổ chức của NHCSXH được quan tâm hoàn thiện phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả, huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách.
Qua 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Thành phố đã tập trung nguồn lực qua NHCSXH triển khai cho vay được trên 2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 42.896 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 30.442 tỷ đồng, dư nợ bình quân chung của 17 chương trình tín dụng là 39 triệu đồng/khách hàng, tăng 37 triệu đồng/khách hàng so với thời điểm nhận bàn giao.
Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Từ đó góp phần giúp cho trên 243.000 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 814.000 lao động, giúp cho gần 147.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo 746.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn và 11.375 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, góp phần thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà Vũ Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Đình, quận Thanh Xuân cho biết, do đặc thù phường Khương Đình trước đây là một xã thuần nông, chuyển thành phường từ năm 1997, người dân phần nhiều làm nghề nông với các nghề truyền thống như trồng dưa, cà, trồng hoa...
Trải qua 25 năm phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp dần bị thu hẹp, người dân chuyển đổi sang ngành nghề khác để phù hợp hơn nhưng vấn đề đặt ra là nguồn vốn ở đâu và định hướng nghề gì cho phù hợp.
Được sự tuyên truyền của các kênh UBND phường, các tổ dân phố và đặc biệt qua các tổ chức chính trị - xã hội, người dân đã đến được với NHCSXH, "cánh tay nối dài" của Đảng, Chính phủ trong việc triển khai các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, đảm bảo nền kinh tế đất nước hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau.
Ngay từ những ngày đầu tiên khi NHCSXH được thành lập, Hội LHPN Phường Khương Đình cùng với Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh đã đồng hành, đứng ra nhận ủy thác. Với 3 chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và cho vay học sinh, sinh viên, với nguồn lực hạn hẹp, mỗi người chỉ được vay 5 triệu đồng, toàn phường Khương Đình có 4 tổ vay vốn, số lượng người vay mới được mấy chục người. Trải qua 20 năm hoạt động, đến nay chỉ còn Hội Cựu chiến binh và Hội LHPN phường, với 9 tổ vay vốn, dư nợ 23 tỷ 330 triệu 766 nghìn đồng cho 421 hộ vay.
Ông Phương Đình Phượng, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn Hội Cựu chiến binh phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân chia sẻ, trên địa bàn phường có hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hương trú tại đường Khương Đình, phường Hạ Đình, là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, bản thân chị bị bệnh hiểm nghèo, chồng chị bị bệnh tâm thần, 2 con trai của anh, chị đang học cấp 2 và cấp 3, các năm học đều đạt học sinh giỏi.
Sau khi được tiếp cận nguồn vồn vốn ưu đãi từ NHCSXH quận Thanh Xuân, gia đình chị được vay 50 triệu đồng đã mua sắm dụng cụ, bàn ghế để hành nghề, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Gia đình đã sản xuất tương ớt, bán cà phê. Cuối kỳ hạn 2020, gia đình chị Hương đã thoát nghèo bền vững, cuộc sống được cải thiện và nâng lên. Đến nay, gia đình chị đã thay đổi chỗ ở, hiện đang sinh sống cùng gia đình tại căn hộ chung cư ở quận Hà Đông. Để có được kết quả đó cũng nhờ một phần vào tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và sự giúp đỡ của MTTQ phường và phòng giao dịch NHCSXH quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã tận tình hỗ trợ và giúp đỡ.
Có thể thấy, hoạt động giải ngân được thực hiện trực tiếp cho người vay tại các điểm giao dịch phường được triển khai có hiệu quả trong những năm vừa qua đã góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời. Thông qua phương thức cho vay này, tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức Hội được mở rộng, phong phú, uy tín của các Hội đoàn thể được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.
Thiện Tâm