Các trường học ngoại thành Hà Nội sẵn sàng đón năm học mới

30/08/2022 4:22 PM

(Chinhphu.vn) - Ghi nhận tại trường học của một số huyện ngoại thành Hà Nội trong những ngày qua, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đã và đang được thực hiện khẩn trương, sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023.

Các trường học ngoại thành Hà Nội sẵn sàng đón năm học mới - Ảnh 1.

Giáo viên Trường Tiểu học Tòng Bạt (Ba Vì) vẽ tranh tường đón chào năm học mới. Ảnh: VGP/Minh Anh

Thời điểm này, các trường học ở Hà Nội đều đang tất bật chuẩn bị để sẵn sàng đón học sinh tựu trường, chào đón năm học mới 2022-2023.

Là một huyện nằm cách xa trung tâm Thủ đô, việc đi lại còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, đến nay, các trường học trên địa bàn huyện Ba Vì đã hoàn tất công tác vệ sinh trường lớp đảm bảo sạch sẽ; quan tâm việc tu sửa cơ sở vật chất như quét sơn, nâng cấp hệ thống điện. Một số trường tổ chức vẽ tranh tường đem lại cảnh quan, không gian thân thiện trong khuôn viên trường, như: Tiểu học Tòng Bạt, Tiểu học Đông Quang,…

Các trường học ngoại thành Hà Nội sẵn sàng đón năm học mới - Ảnh 2.

Giáo viên Trường Tiểu học Tòng Bạt (Ba Vì) vẽ tranh tường đón chào năm học mới. Ảnh: VGP/Minh Anh

Một số trường mầm non của huyện Ba Vì cũng đã tích cực huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên làm đồ chơi cho trẻ từ những vật liệu có sẵn như gỗ, nhựa tái chế, tiêu biểu như Mầm non Cổ Đô,…

Năm học mới 2022-2023, huyện Ba Vì có tổng số 110 trường công lập, 01 trường Mầm non Tư thục và 24 nhóm trẻ tư thục, với tổng số lớp, nhóm lớp là 1.988 lớp với hơn 64.000 học sinh. Trong đó cấp THCS có 523 lớp với trên 19.300 học sinh, Tiểu học có 821 lớp với trên 27.900 học sinh, Mầm non có 644 lớp với trên 20.600 học sinh.

Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, đến nay, 100% giáo viên và học sinh đã được cung ứng SGK phục vụ năm học mới 2022-2023. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Phòng GD&ĐT đã phối hợp với nhà xuất bản Giáo dục và Công ty phát hành sách - thiết bị Hà Tây trao tặng sách cho 241 học sinh lớp 1,2,3 để các em có đủ sách trước khai giảng năm học mới.

Nhằm giúp cho Cán bộ quản lý, giáo viên cập nhật, tăng cường kiến thức, năng lực sư phạm, trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học để triển khai thực hiện tốt công tác quản lý và giảng dạy lớp 3, lớp 7 năm học 2022-2023 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngay từ trung tuần tháng 7 đến đầu tháng 8, Phòng GD&ĐT Ba Vì đã triển khai công tác tập huấn chuyên môn cho hơn 1.200 cán bộ quản lý, giáo viên các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn với tổng số 12 chuyên đề.

Các trường học ngoại thành Hà Nội sẵn sàng đón năm học mới - Ảnh 4.

Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì tổ chức tập huấn cho giáo viên chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Ảnh: VGP/Minh Anh

Phòng GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng, kế hoạch lộ trình bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ quản lý, giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.

Ông Phùng Ngọc Oanh cho biết, trong năm học mới này, Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì quyết tâm duy trì, phát triển những kết quả đạt được. Đồng thời thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; Triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 3, lớp 7; Đẩy mạnh giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông. Tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 90% trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT Ba Vì giành được nhiều thành tích đáng tự hào như: xếp thứ 13/30 quận, huyện trong toàn thành phố kết quả kỳ thi Học sinh giỏi lớp 9; xếp thứ 22/30 quận huyện điểm thi vào lớp 10 (tăng 7 bậc so với năm học trước), kết quả thi đua xếp thứ 17/30 quận, huyện…

Các trường học ngoại thành Hà Nội sẵn sàng đón năm học mới - Ảnh 5.

Cán bộ giáo viên Trường Tiểu học Tân Hòa (huyện Quốc Oai) vệ sinh trường lớp chuẩn bị khai giảng năm học mới - Ảnh: VGP/Minh Anh

Còn tại huyện Quốc Oai, đến thời điểm này các trường trên địa bàn đều tích cực chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới. Năm học 2022-2023, huyện Quốc Oai có 84 trường mầm non và phổ thông với 1.700 lớp và trên 56.000 học sinh.

Ngay từ đầu tháng 8, nhiều cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn huyện đã huy động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên kết hợp với phụ huynh học sinh tổng vệ sinh trường học; dọn cỏ và cắt tỉa lại hệ thống cây xanh, cây cảnh; chỉnh trang lại hệ thống bảng biểu; thuê mướn quét vôi ve. 

Công tác tập luyện chuẩn bị cho lễ khai giảng cũng được chú trọng nhưng đảm bảo đơn giản, trang nghiêm, không quá chú trọng hình thức, làm sao để tạo khí thế vui tươi, phấn khởi cho thầy và trò bước vào năm học mới.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quốc Oai Nguyễn Khắc Thắng, năm học 2022-2023, phát huy thành tích nổi bật trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có học sinh thủ khoa toàn quốc với 30/30 điểm, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, huyện Quốc Oai sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng đại trà, tiếp tục giữ vững chất lượng mũi nhọn với một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục;

"Bên cạnh đó, Ngành GD&ĐT của huyện cũng sẽ thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục", ông Nguyễn Khắc Thắng nhấn mạnh.

Tại huyện Mê Linh, đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn huyện cũng đã hoàn tất những khâu cuối cùng, sẵn sàng đón năm học mới. Từ lớp học, thư viện cho đến khuôn viên vườn hoa, sân trường đã được các thầy cô vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng.

Trước đó, trong kỳ nghỉ hè vừa qua, Phòng Giáo dục và đào tạo Mê Linh đã  tổ chức hội nghị xây dựng "Trường học hạnh phúc" năm học 2022-2023 với mục đích giới thiệu thành quả, chia sẻ những kinh nghiệm và cả những khó khăn trong quá trình thực hiện của các trường trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho hay, năm học mới 2022- 2023, ngành giáo dục huyện nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao hơn, toàn diện hơn, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. 

Trong đó, sẽ tiếp tục tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành; quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên…

Mới đây, nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm học 2021 -2022 và chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021- 2022 và triển khai, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 cấp Trung học cơ sở.

Các trường học ngoại thành Hà Nội sẵn sàng đón năm học mới - Ảnh 6.

Thư viện ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai tại Trường THCS Lương Thế Vinh, thị trấn Phùng, Đan Phượng

Nói về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022-2023, bà Bùi Thị Thu Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng cho biết, huyện sẽ quan tâm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là lớp 3, lớp 7; áp dụng một số mô hình giáo dục tiên tiến ở các cấp học. Kiện toàn đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Bên cạnh đó, đa dạng nội dung, hình thức bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đội ngũ trong các nhà trường. Đồng thời, các nhà trường đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và công tác truyền thông trong giáo dục; tiếp tục bổ sung kho học liệu điện tử phù hợp, chất lượng và khai thác có hiệu quả.

Minh Anh

Top