Các trường ngoài công lập đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục Thủ đô

25/06/2019 6:08 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, Hà Nội có 520 trường ngoài công lập. Các trường ngoài công lập ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục Thủ đô, góp phần giảm tải cho các trường công lập; nhiều trường đã xây dựng được thương hiệu chất lượng cao được nhân dân tin tưởng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, hiện nay, toàn Thành phố có 520 trường tư thục, có 16.594 phòng học kiên cố (tăng 3.897 phòng học so với năm học trước) đã cơ bản đáp ứng được điều kiện dạy và học. Các trường trực thuộc Sở có 102 trường trong đó có 58 trường đã được UBND Thành phố giao thuê đất (chiếm tỷ lệ 56,9% và tăng thêm 8 trường được Thành phố cho thuê đất).

Từ tháng 7/2018 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định thành lập mới 02 trường là Trường Tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) Quốc tế Nhật Bản và Trường THPT Tây Hà Nội.

Sở GDĐT  Hà Nội cũng đã cấp phép hoạt động giáo dục cho 05 trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội: Trường Tiểu học, THCS và THPT Vinschool The Harmony; THCS và THPT TH School Hòa Lạc; Trường Tiểu học, THCS và THPT Đa Trí Tuệ; Trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục Việt Nam; Trường Phổ thông quốc tế Việt Nam. Cấp phép chuyển đổi địa điểm 06 trường ngoài công lập: Trường THCS và THPT Phạm Văn Đồng; THPT Hồ Xuân Hương; THPT Huỳnh Thúc Kháng; THPT Nguyễn Tất Thành-Sơn Tây; THPT Trần Thánh Tông; THPT Nguyễn Du-Mê Linh.

Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, nhìn chung, công tác quản lý tổ chức bộ máy các trường ngoài công lập đã có những bước chuyển biến tích cực, bộ máy tổ chức được kiện toàn kịp thời, đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ năng lực ngày càng cao, đội ngũ giáo viên cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và số lượng theo quy định.

Đối với các trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học trực thuộc Sở GDĐT, công tác báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán thuế là một trong 5 tiêu chuẩn đánh giá việc thực chính sách pháp luật của các trường tư thục.

Do đó, hầu hết các trường tư thục đã nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán thuế theo quy định. Nhìn chung, các trường ngoài công lập đã đẩy mạnh công tác công khai trong các hoạt động, nhất là thu chi và tuyển sinh, vì vậy, tới thời điểm hiện nay công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2019 - 2020 được đảm bảo, không có tình trạng xảy ra như những năm học trước.

Huy động nguồn lực đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 157 dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực GDĐT được chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập và thực hiện dự án/cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư (trong đó trường học mầm non và phổ thông có 100 dự án).

Tuy nhiên, Sở GDĐT Hà Nội cũng cho rằng tiến độ triển khai thực hiện các dự án này còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của học sinh Thủ đô.

Hà Nội hiện có 102 dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư đăng ký trên 14.825 tỉ đồng, sử dụng 1.826.350 m2 đất; có 68 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng, trong đó 38 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động như: THCS&THPT Marie Cuirie tại khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm với kinh phí 350 tỷ đồng; Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Vinschool tại 458 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng với kinh phí 800 tỷ đồng; THPT Kinh Đô (huyện Đông Anh), THCS-THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm), THCS-THPT TH School-Hòa Lạc (huyện Thạch Thất), TH-THCS-THPT Vinschool The Harmony (quận Long Biên)... Trung bình hàng năm huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách khoảng 2.500 tỷ đồng xây dựng trường lớp học ngoài công lập.

Hiện tại, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã giải quyết chỗ làm cho gần 40.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên trên địa bàn thành phố, mỗi năm thu hút nguồn ngoài ngân sách được gần 3.200 tỷ đồng để trả lương.

Về trường chất lượng cao (CLC) và trường chuẩn quốc gia, Sở GDĐT Hà nội cho biết, Sở đã tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các trường ngoài công lập. Hiện nay, trên địa bàn toàn Thành phố có 18 trường CLC, trong đó trường ngoài công lập có 05 trường. Số trường ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia cấp Tiểu học có 7 trường, cấp THCS có 02 trường và cấp THPT có 07 trường.

Trong năm học, Sở GDĐT đã tiến hành thanh tra 09 trường và kiểm tra chuyên môn 25 trường ngoài công lập. Nội dung thanh tra tập trung vào việc thực hiện quy chế chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh; công tác quản lý, sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học; công tác kiểm tra nội bộ nhà trường. Kết quả tranh tra, kiểm tra cho thấy lãnh đạo các trường đã chú trọng đến việc thực hiện quy chế chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá học sinh. Hiệu trưởng đã xây dựng kế hoạch năm học, kế hoạch chuyên môn và các kế hoạch để triển khai hoạt động dạy và học sát các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới của Bộ GDĐT, Sở GDĐT Hà Nội. Các trường đã thực hiện đúng chương trình quy định của Bộ GDĐT.

Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, tổng số trường ngoài công lập được đánh giá ngoài là 37 trường. Theo đánh giá, các trường ngoài công lập ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục Thủ đô, góp phần giảm tải cho các trường công lập; nhiều trường đã xây dựng được thương hiệu chất lượng cao được nhân dân tin tưởng, nhiều đoàn trong nước đến tham quan học tập mô hình quản lý, tổ chức hoạt động: Tiểu học -THCS - THPT Nguyễn Siêu, THCS-THPT Lương Thế Vinh, THPT Olympia, Tiểu học-THCS - THPT Đoàn Thị Điểm, Tiểu học-THCS-THPT Marie Curie...;

Có thể nói, quy mô, mạng lưới các trường ngoài công lập tiếp tục được mở rộng, nền nếp, kỷ cương trong quản lý, tổ chức hoạt động được chú trọng, chất lượng dạy và học được nâng cao, thu hút ngày càng nhiều học sinh vào học tại các trường, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp (tăng 70 trường so với cùng kỳ năm học 2017-2018), với 58.422 nhóm lớp, 1.983.435 học sinh; trong đó tư thục có 520 trường, 14.511 nhóm lớp, 256.155 học sinh (so với cùng kỳ năm học 2017-2018 tăng 36 trường, tăng 10.346 học sinh); tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 155.323 người, trong đó: tư thục có 40.920 người cán bộ, giáo viên và nhân viên.

Minh Anh

Top