Cải thiện chất lượng không khí: Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp

21/04/2022 4:37 PM

(Chinhphu.vn) - Phát thải từ giao thông cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, vận hành các nhà máy, khu công nghiệp, từ việc đốt rơm rạ, sử dụng bếp than tổ ong… khiến không khí Hà Nội trở nên ô nhiễm mức có hại cho sức khỏe. Để cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.

Cải thiện chất lượng không khí: Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp - Ảnh 1.

Tình trạng đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa

Nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

Chia sẻ về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, bà Đào Thị Anh Điệp, quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, hiện TP. Hà Nội xác định được các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Trong đó, nhóm nguyên nhân chủ quan do con người gây ra là từ khí thải của các phương tiện cơ giới tham gia giao thông.

Cùng với đó là hoạt động xây dựng, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, chất thải không đúng quy định tại một số địa phương.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan như: Bụi mịn, chất ô nhiễm từ bên ngoài di chuyển vào thành phố Hà Nội; do hiện tượng nghịch nhiệt gây ra…

Với mật độ phương tiện giao thông dày đặc như hiện nay, nhất là tình trạng phương tiện chất lượng kém vẫn đang lưu hành, dẫn đến lượng khí thải gây ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông cũng gây ô nhiễm không khí đáng kể do hoạt động của máy móc thi công, phương tiện vận chuyển phát sinh chất khí độc hại và tiếng ồn.

Việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để xây dựng các công trình cũng kéo theo nguy cơ ùn tắc giao thông dẫn đến làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm không khí do khói bụi, hơi xăng dầu tại các vị trí ùn tắc.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn 8/19 quận, huyện, thị xã thường xuyên xảy ra tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ trên đồng ruộng, vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND thành phố Hà Nội.

Trong vụ mùa 2021, qua kiểm tra thực tế của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, hiện tượng người dân đốt rơm rạ tiếp tục xảy ra sau thu hoạch ở các địa phương là 3,6%. Cá biệt, có địa phương tỷ lệ đốt rơm rạ tăng cao như: Gia Lâm 30,4%, Đông Anh 28,9%, Mê Linh 14,3%, Thanh Oai 4,8%...

Vấn đề của việc đốt rơm rạ khiến lượng khí phát thải ra môi trường cũng tăng cao. Vụ mùa 2021, khối lượng bụi mịn PM2.5 đo được là 86,9 tấn, khí CO2 là 12.326,8 tấn, khí SO2 khoảng 1.885 tấn, khí CO là 973,9 tấn… Nguồn khói bụi này gây ô nhiễm trực tiếp đến khu vực nội thành, ảnh hưởng đến an ninh hàng không tại sân bay Nội Bài…

Tăng cường giải pháp cải thiện chất lượng không khí

Để tăng cường cải thiện chất lượng không khí, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành một số văn bản hướng dẫn và yêu cầu các sở, ban, ngành cùng các đơn vị liên quan phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Tiêu biểu, Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND Thành phố về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn TP. Hà Nội; văn bản số 742/UBND-ĐT ngày 15/3/2021 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải…

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 1137/UBND-ĐT về việc tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Theo đó, UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiệm vụ "Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh" theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) hoàn thành trong năm 2022.

Cùng với đó, Sở tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ và hướng dẫn các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, tiếp tục triển khai công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Các đơn vị thuộc Sở hoàn thiện và vận hành ổn định, liên tục hệ thống quan trắc chất lượng không khí nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho người dân trên địa bàn Thành phố.

Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo đảm xóa bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố trong năm 2022. Tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng nơi quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Thành phố giao Sở Xây dựng kiểm tra các điểm đổ, tập kết chất thải rắn xây dựng và các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình xây dựng có quy mô lớn trên địa bàn các quận. Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng vi phạm, để phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường và đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định.

Sở Giao thông vận tải triển khai hiệu quả Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030"... Trên cơ sở thông tin chất lượng không khí của Thành phố, Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND Thành phố phương án phân luồng, hạn chế giao thông trong những ngày không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng...

Đặc biệt, UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra tình trạng sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ trên địa bàn.

Diệu Anh

Top