Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút vốn FDI

07/02/2025 9:46 AM

(Chinhphu.vn) - Nhận định nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng cho phát triển, thành phố Hà Nội đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để có thể thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút vốn FDI- Ảnh 1.

TP. Hà Nội tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút vốn FDI. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Vốn FDI đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế

Kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến nay, Hà Nội luôn đứng trong top đầu cả nước về lĩnh vực này, tạo được ấn tượng tích cực, cũng như thúc đẩy tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế.

Riêng về thu hút vốn FDI, giai đoạn 2018-2020, Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Riêng trong hai năm 2018 - 2019, thu hút FDI của Hà Nội dẫn đầu cả nước với lần lượt 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD. Trong giai đoạn 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thu hút FDI của Thành phố đã bị giảm mạnh.

Năm 2023, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau dịch COVID-19. Thành phố Hà Nội đã quay trở lại vị trí dẫn đầu cả nước với hơn 2,26 tỷ USD vốn FDI trong sáu tháng đầu năm 2023, tăng gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó có 196 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký mới đạt 75,33 triệu USD; 89 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 209 triệu USD...

Các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU)... tiếp tục có những dự án lớn vào Hà Nội, tập trung vào các lĩnh vực, như kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống; y tế và giáo dục...

Dòng vốn FDI có xu hướng tiếp cận thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp, dự án hiện hữu và cả dự án mới. Đà tăng nguồn vốn FDI của Hà Nội từ các tập đoàn nước ngoài gia tăng là minh chứng rõ nét nhất, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế…

Mặc dù nền kinh tế thế giới và khu vực còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng thời làn sóng đầu tư có sự tái cấu trúc, chuyển dịch mạnh mẽ, song với những chính sách đúng đắn, quyết liệt, kịp thời, để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có hoạt động đầu tư nước ngoài đã đạt kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

Năm 2024, Hà Nội thu hút được 2,2 tỷ USD vốn FDI, tăng 30% so với cùng kỳ và đứng thứ năm cả nước. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, FDI là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế Thủ đô.

Từ 1/1/2025, Luật Thủ đô sửa đổi chính thức có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Cùng với đó, Hà Nội cần có chiến lược mang tính dài hạn trong thu hút FDI.

Đánh giá về bức tranh tổng quát thu hút FDI trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, vốn FDI đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô. Nhất là trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ, ngành dịch vụ chất lượng cao; góp phần tạo việc làm, cải thiện môi trường đầu tư.

Đà tăng nguồn vốn FDI của Hà Nội từ các tập đoàn nước ngoài gia tăng là minh chứng rõ nét nhất, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế, giúp Hà Nội nâng cao vị thế về đối ngoại.

Những yếu tố giúp Hà Nội luôn nằm trong top dẫn đầu các tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi Hà Nội là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế-xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng. Hơn nữa Hà Nội được đánh giá cao về hệ thống kết nối, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Bước sang năm 2025, thành phố Hà Nội tiếp tục phấn đấu thu hút khoảng 2,7 tỷ USD vốn FDI. Trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào khu vực Đông Nam Á, để cạnh tranh với các địa phương khác, bên cạnh chủ trương cải cách, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, Hà Nội cần tiếp tục chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Hà Nội tiếp tục đặt nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả, thực chất hơn nữa. Thành phố cần đồng hành, sát cánh cùng các nhà đầu tư, luôn lắng nghe và cố gắng giải quyết những vướng mắc mà các nhà đầu tư, dự án gặp phải trong quá trình triển khai.

Đồng thời, thành phố Hà Nội tiếp tục thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp để thu hút FDI; rà soát, thúc đẩy tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng phù hợp nhu cầu thực tế.

Thành phố cũng đã tiếp nhận quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, kết hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại...

Ngoài ra, sẽ tăng cường rà soát các dự án nhằm đôn đốc nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nội dung cam kết được quy định trong giấy phép đầu tư cũng như để nhận diện những vướng mắc, khó khăn nhằm tháo gỡ cho nhà đầu tư với tinh thần đồng hành, chia sẻ.

Với các dự án quy mô lớn, phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài nảy sinh nhiều bất cập liên quan vấn đề pháp lý, Thành phố sẽ kiến nghị Trung ương và các bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác liên bộ để phối hợp giải quyết…

Diệu Anh

Top