Kết nối doanh nghiệp Hà Nội với các doanh nghiệp FDI
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hà Nội tiếp cận, trao đổi và hợp tác với các doanh nghiệp FDI, tập đoàn lớn; qua đó thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội TP. Hà Nội.
Nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, xác định công nghiệp chủ lực đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 26/1/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025; Quyết định số 4303/QĐ-UBND ngày 24/9/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thành phố đã tổ chức khởi công, động thổ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 28/43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020, tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp; tổ chức thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư, sản xuất và hình thành tổ hợp Techno Park Việt Nam-Nhật Bản về lĩnh vực hàng không, vũ trụ tại khu công nghiệp Hanssip Hà Nội và chuỗi các khu công nghiệp Hanssip tại Việt Nam.
Thành phố cũng đã tổ chức làm việc, trao đổi thông tin với đoàn các doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Kochi, Fukuoka - Nhật Bản; phái đoàn công tác thành phố Wonju tỉnh Gangwon - Hàn Quốc, Vân Nam - Trung Quốc, mời gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; hợp tác trong đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm thân thiện môi trường, ít tiêu hao năng lượng, mở rộng xuất khẩu, tham gia hệ thống phân phối vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do…
Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội cũng tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại với đoàn doanh nghiệp Australia ngày 24/6/2024 tại Hà Nội; tham gia Triển lãm kết nối, xúc tiến đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, thu hút sự chú ý, tham gia của các doanh nghiệp chủ lực như: Công ty CP Giải pháp tự động hoá ETEK, Công ty máy tính Thánh Gióng, Công ty GMO Run System…
Mới đây, tại hội nghị kết nối doanh nghiệp TP. Hà Nội với các doanh nghiệp FDI, tập đoàn, doanh nghiệp lớn năm 2024, đại diện Samsung Việt Nam cho hay, Samsung đang triển khai các chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, tư vấn cải tiến sản xuất cho doanh nghiệp, đào tạo nhân lực cho ngành khuôn mẫu, đào tạo và hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh…
Các chương trình của TP. Hà Nội tổ chức đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, tạo tính lan tỏa sâu rộng, giúp doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để phát triển bền vững
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam và thành phố Hà Nội ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới. Thông qua việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Nội có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận, vươn ra nhiều thị trường tiềm năng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thuận lợi, thách thức đan xen trong hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Bước vào năm 2024, tình hình chính trị, kinh tế thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Thành phố, sự cố gắng nỗ lực của các sở, ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Thủ đô Hà Nội đã duy trì được mức tăng trưởng, phục hồi tích cực.
Trong 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 tăng 2,5%), trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công nghiệp chủ lực. Toàn Thành phố thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI, trong đó, đăng ký cấp mới 197 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 143 lượt tăng vốn đầu tư với 220,7 triệu USD; 178 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208,2 triệu USD. Có 21,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 199 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, trong lĩnh vực công nghiệp, thành phố Hà Nội đã coi trọng phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên của Hà Nội, ban hành và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố đến năm 2020, định hướng tới năm 2025" bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển công nghiệp Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kết quả giai đoạn từ năm 2021-2024, Thành phố thu hút được hàng trăm doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình, đã có 114 doanh nghiệp với 172 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội, đạt trên 100% so với mục tiêu giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, năm 2024 dự kiến công nhận 63 sản phẩm của 35 doanh nghiệp, đưa tổng số sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố giai đoạn 2018-2024 lên 289 sản phẩm của 191 lượt doanh nghiệp.
Lãnh đạo Sở Công Thương kỳ vọng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội sẽ phát huy được vai trò đầu tầu, chủ động, sáng tạo, tận dụng cơ hội, thời cơ tìm kiếm và khai thác các quan hệ hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh cả trong ngắn hạn và dài hạn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để khắc phục khó khăn, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu bền vững.
Diệu Anh