Thêm cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực

24/10/2023 12:10 PM

(Chinhphu.vn) - Xác định công nghiệp chủ lực đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp chủ lực. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thêm cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thêm cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực  - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp đã mang tới nhiều sản phẩm mới, công nghệ hiện đại giới thiệu tới khách hàng. Ảnh: VGP/BP

Nhiều giải pháp công nghệ mới

Mới đây, tại Hội chợ Sản phẩm Công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2023 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, các doanh nghiệp đã mang tới nhiều sản phẩm mới, các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, có thế mạnh xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu thuộc các ngành, lĩnh vực: Điện, điện tử, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, công nghệ cao, công nghiệp chế biến…giới thiệu tới khách tham quan.

Là doanh nghiệp chuyên lĩnh vực tư vấn, thiết kế và chế tạo các sản phẩm quạt công nghiệp, Công ty CP Cơ điện Tomeco đã giới thiệu đến các đối tác, khách hàng 2 dòng sản phẩm mới gồm: Hệ thống quản lý quạt công nghiệp ứng dụng IoT; Giải pháp hệ thống đo kiểm tự động 247.

Ông Nguyễn Đặng Bình Thành, cố vấn kỹ thuật và nghiên cứu phát triển của Công ty CP Cơ điện Tomeco cho biết, đây là những giải pháp công nghệ mới, tiếp cận công nghệ 4.0 kết nối vạn vật IoT, cho phép giám sát hiện trạng cũng như chế độ vận hành của sản phẩm theo thời gian thực.

"Hệ thống giám sát này như thiết bị kiểm tra sức khỏe thường xuyên của con người, chúng ta hoàn toàn có được những cảnh báo sớm, nguy cơ xảy ra sự cố. Với các giải pháp mới này giúp hỗ trợ cho cả nhà cung cấp và khách hàng trong việc chủ động, giám sát hoạt động của sản phẩm theo thời gian thực", ông Thành cho biết.

Phó Chủ tịch Cộng đồng Keieijuku Việt Nam Đào Trung Kiên cho biết, tham gia hội chợ lần này, cộng đồng Keieijuku có 33 doanh nghiệp tham gia với 58 gian hàng. Đây là dịp các gian hàng, doanh nghiệp tham gia cùng nhau chia sẻ, học hỏi, giao thương và cùng nhau phát triển. Hiện thị trường hoạt động của các doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi hẳn, nhưng doanh nghiệp cùng nhau học hỏi, thực hiện cải thiện tình hình nội tại công ty để tăng sức cạnh tranh.

"Là cộng dồng doanh nghiệp tử tế, chúng tôi mong muốn lan tỏa rộng ra xã hội để đem triết lý kinh doanh tử tế, nhất là từ Nhật Bản đến đến Việt Nam", ông Đào Trung Kiên cho hay.

Còn theo bà Đoàn Hải Yến, Chủ tịch BNI Excellent, đây là lần đầu tiên được tham gia chương trình kết nối này, bà mong muốn được mở rộng cơ hội kết nối với các doanh nghiệp chủ lực của Hà Nội. Hiện tại thời điểm cuối năm các doanh nghiệp đang có sự tăng trưởng vào các đơn hàng, doanh thu. Hy vọng rằng, các buổi giao thương sau hội chợ này sẽ giúp cho các doanh nghiệp duy trì được mức tăng trưởng, phục hồi tích cực, tăng trưởng tốt vào quý IV này.

Luôn đồng hành với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực

Thêm cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực  - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp đã mang tới nhiều sản phẩm mới, công nghệ hiện đại giới thiệu tới khách hàng. Ảnh: VGP/BP

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,93% so với cùng kỳ trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công nghiệp chủ lực.

Cũng trong thời gian này, Hà Nội đã thu hút 2.526 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, trong đó đăng ký cấp mới 305 dự án với số vốn đạt 270 triệu USD; 130 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 215 triệu USD; 252 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.041 triệu USD.

Có 22,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 226,9 nghìn tỷ đồng

TP. Hà Nội đã tổ chức khởi công, động thổ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 19/43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020, tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế; Kết nối giữa doanh nghiệp Hà Nội với nhiều nước trên thế giới

Với định hướng đưa Hà Nội trở thành Thành phố công nghiệp phát triển hiện đại của khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghệ thông tin của cả nước; tăng hàm lượng khoa học, công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa của sản phẩm công nghiệp; phát triển mạnh các ngành, các sản phẩm công nghiệp vượt trội có lợi thế cạnh tranh, tác dụng dẫn đường thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị gia tăng và mạng phân phối toàn cầu.

Xác định công nghiệp chủ lực đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Công thương và các sở ngành, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trọng tâm là phát triển ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn.

Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố có 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố thuộc các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, da giầy; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) Nguyễn Xuân Phú nhìn nhận, việc tham gia hội chợ, các doanh nghiệp mới có cơ hội trở thành bạn hàng của nhau; đặc biệt, thông qua các tọa đàm, các doanh nghiệp sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm thương trường, bán hàng đến quản lý, quản trị doanh nghiệp… Đây là những kiến thức vô cùng bổ ích, đặc biệt là cho các doanh nghiệp mới, thiếu kiến thức sẽ được bổ sung để công việc kinh doanh đạt hiệu quả hơn.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm kiếm những hội chợ công nghiệp để các doanh nghiệp không những gia tăng lượng khách hàng, mà hướng tới hoàn thiện hơn chuỗi cung ứng của mình", ông Phú khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, TP. Hà Nội luôn xác định các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Thủ đô. Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, TP. Hà Nội cam kết luôn đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ưu đãi về vốn… để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển và đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của Thành phố.

"TP. Hà Nội sẽ tiếp tục có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực hình thành những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế, dẫn dắt, làm chỗ dựa, nâng đỡ những doanh nghiệp khác cùng phát triển", Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Năm 2023, TP. Hà Nội đặt ra chỉ tiêu thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực; trong đó có 10 - 15 sản phẩm được công nhận lần đầu; phấn đấu 100% các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố.

TP. Hà Nội cũng đã có đề án "Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2023" nhằm tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu và đóng góp giá trị tăng cao vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu; nâng cao căng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội với doanh nghiệp của các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.

Bích Phương

Top