Cam kết không tăng giá bán, ổn định nguồn cung hàng hóa Tết
(Chinhphu.vn) - Để phục vụ người dân Thủ đô dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đều cam kết không tăng giá bán để ổn định nguồn cung hàng hóa Tết.
Ổn định về giá cả
Phó Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, Hapro đã tập trung xây dựng chương trình kinh doanh phục vụ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các sản phẩm mang thương hiệu Hapro do các Công ty, đơn vị trong Tổng công ty trực tiếp sản xuất và kinh doanh đã có uy tín trên thị trường: gạo Hapro Đồng Tháp; Hạt điều rang Hapro; các sản phẩm rượu vang Thăng Long; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt gà, thịt ba chỉ xông khói; bộ sản phẩm giò lụa, giò bò, giò gà...; các đặc sản vùng miền như bưởi Diễn, miến dong, bún khô, mỳ gạo…
Từ tháng 9, tháng 10/ 2023, Hapro/BRGMart đã trao đổi cùng các nhà cung cấp, đặc biệt với các nhà cung cấp cung ứng mặt hàng thiết yếu, lập kế hoạch dự trữ và cung ứng nguồn hàng liên tục tăng từ 20-30% sản lượng bán hàng so với năm 2023 để phục vụ Tết Nguyên Đán. Ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo,), rượu bia – NGK…. Trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, Tổng công ty còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm…
"Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các phương án chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm đầy đủ về chủng loại, ổn định về giá cả phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội", bà Đỗ Tuệ Tâm khẳng định.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn thông tin, dự kiến dịp Tết 2024, Công ty đưa ra thị trường 350 tấn sản phẩm. Ngoài các loại mứt truyền thống, công ty giới thiệu nhiều sản phẩm mới như mứt mận, hồng bì, hibicus... Các sản phẩm bánh, mứt năm nay cũng được thay đổi về mẫu mã, hình ảnh bao bì, bảo đảm tính thẩm mỹ và tiện lợi trong sử dụng.
"Năm nay dù giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 5-12% so với cùng kỳ năm trước, song đơn vị vẫn cam kết không tăng giá bán sản phẩm để ổn định nguồn cung. Trong quá trình sản xuất, công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm", ông Tuấn nói.
Giám đốc siêu thị Coop Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cũng cho biết, hưởng ứng chương trình bình ổn giá, khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, ngay từ giữa tháng 12/2023, chương trình Tết của Saigon Co.op sẽ mở màn chuỗi bằng các hoạt giảm giá trực tiếp từ 50% - 100% cho hơn 10.000 sản phẩm Tết. Chuỗi chương trình này kéo dài đến sát Tết Nguyên Đán, đặc biệt trong 10 ngày cận Tết tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân; đồng thời duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu quà tặng...
Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica Nguyễn Quốc Hoàng chia sẻ, năm nay, doanh nghiệp dự kiến đưa ra thị trường 6.200 tấn bánh kẹo các loại với mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt trong dịp Tết.
Tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý hàng giả, kém chất lượng
Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết 2024, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã vận động 27 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.000 điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội (trong đó trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; gần 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và hơn 500 bếp ăn tập thể)…
Dự báo nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ tăng từ 10% đến 13% so với năm trước. Vì thế, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh chủ động kết nối, khai thác hàng hóa, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Đánh giá cao nỗ lực đổi mới để chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong nước, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng các sản phẩm, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Qua đó, các doanh nghiệp đã chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng...
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, đến nay, các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu đưa ra thị trường nhiều mặt hàng và khôngtăng giá nhằm chia sẻ khó khăn với người dân.
Sở đã thành lập các đoàn công tác kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết, bảo đảm không để hàng hóa tăng giá đột biến, khan hàng, thiếu hàng.
Đặc biệt, để bảo đảm an toàn thực phẩm, Sở Công Thương đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, các sở, ngành triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành theo quyết định của UBND Thành phố, với mục tiêu kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng..., bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Sở Công Thương tập trung triển khai các hoạt động kích cầu, qua đó cung cấp các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên lựa chọn các thương hiệu bánh, mứt, kẹo bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, không mua hàng không rõ thông tin, nhãn mác.
Diệu Anh