Cần chính sách tổng thể, đặc thù để phát triển y tế Thủ đô

01/08/2023 3:13 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội cần phải ban hành các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của ba lĩnh vực: Cơ sở y tế trực thuộc Trung ương, trường Đại học Y - Dược; Cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân trong chiến lược chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên địa bàn...

Cần chính sách tổng thể, đặc thù để phát triển y tế Thủ đô - Ảnh 1.

Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; Sở Tư pháp Hà Nội và trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức - Ảnh: VGP/GH

Cần cân nhắc kỹ đề xuất chuyển giao quản lý bệnh viện Trung ương về Hà Nội

Góp ý cho dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại hội thảo sáng 1/8, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu ý kiến về nội dung trong dự thảo về việc chuyển giao quản lý các bệnh viện Trung ương về Hà Nội

Đối với nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về việc "Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học y", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ luôn ủng hộ chủ trương của Hà Nội trong phát triển hệ thống y tế, với việc áp dụng các kỹ thuật mới nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu ý kiến, việc chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội quản lý cần được cân nhắc kỹ hơn trên cơ sở thực tiễn.

GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" có liên quan đến 17 bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Vì thế, việc duy trì sự quản lý của Bộ Y tế với 17 bệnh viện trung ương này là cần thiết, bởi đây là những bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành của cả nước.

Khi trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện trung ương này sẽ mang thương hiệu quốc gia, tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến để phát triển và chuyển giao hệ thống y tế tuyến tỉnh.

Cần chính sách tổng thể, đặc thù để phát triển y tế Thủ đô - Ảnh 2.

GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội nêu ý kiến, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những thay đổi quan trọng liên quan đến lĩnh vực y tế - Ảnh: VGP/GH

Chất lượng cơ sở y tế Thủ đô chưa xứng tầm là tuyến cuối của Hà Nội

Tại hội thảo, GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội nêu ý kiến, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những thay đổi quan trọng liên quan đến lĩnh vực y tế.

Về cơ bản các nội dung sửa đổi này là phù hợp với thực tiễn, tiềm năng nguồn lực y tế ở thành phố, đồng thời tạo lập mục tiêu và định hướng phát triển cho hệ thống y tế ở Thủ đô song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của ngành y tế Hà Nội. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô (sửa đổi) về nội dung phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân là cần thiết.

GS.TS.BS Tạ Thành Văn cũng nêu, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong lĩnh vực y tế phải xuất phát từ thực trạng, tính đặc thù, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô qua từng giai đoạn cụ thể. Thực tế cho thấy, chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô chưa xứng tầm với vị thế là tuyến cuối của Hà Nội. Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu; trang thiết bị của hệ thống y tế thành phố, đặc biệt là tuyến cơ sở còn thiếu và xuống cấp.

Nguồn nhân lực y tế còn thiếu về số lượng, tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân là chưa cao (14 bác sĩ/10.000 dân, so với số 11,5 bác sĩ/10.000 dân của cả nước trong năm 2022 và thấp hơn nhiều so với Úc, Pháp; Hoa Kỳ; Trung Quốc). Trên thế giới, cứ 1 bác sĩ thì có 3 - 4 điều dưỡng viên; Nhật Bản thậm chí có đến 9 - 10 người, còn ở Việt Nam 1 bác sĩ chưa có đến 2 điều dưỡng viên.

Sự thiếu vắng các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế chất lượng cao ở ngay các bệnh viện của Hà Nội ở giữa Thủ đô như: Pháp y, giải phẫu bệnh, lao, truyền nhiễm, xét nghiệm... Nếu tính đến các bệnh viện ở các quận, huyện ngoại thành thì tình hình còn khó khăn hơn.

Hiện nay, cho dù tình hình có được cải thiện hơn song vẫn còn xa với nhu cầu thực tiễn của ngành Y tế Thủ đô; công tác khám chữa bệnh từ xa chưa được vận hành, hệ thống cấp cứu lưu động chưa thực sự hiệu quả và còn mỏng, tình trạng tắc nghẽn tại một số cơ sở y tế vẫn tồn tại…

Tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ bệnh viện Trung ương, trường đại học trên địa bàn

Ngành Y tế Hà Nội hiện có 13 bệnh viện đa khoa huyện; 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 579 trạm y tế; 4 nhà hộ sinh; 53 phòng khám đa khoa khu vực và các cơ sở điều trị Methadone. Đội ngũ nhân lực trực thuộc 30 trung tâm y tế và 579 trạm y tế với nhiệm vụ đa chức năng vừa khám, chữa bệnh vừa thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng tại địa bàn.

Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ y tế, nhất là bác sĩ có tăng nhưng còn chậm, chưa theo kịp tuyến thành phố; Còn thiếu nhân lực trình độ chuyên môn cao, bác sĩ có trình độ sau đại học để phát triển kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật chuyên sâu trong công tác khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân.

Nguyên nhân được chỉ ra từ thực tế, chế độ lương thấp, công việc vất vả không có thu nhập tăng thêm. Do không có bác sĩ trình độ cao nên không thu hút được bệnh nhân đến các phòng khám đa khoa và các trạm y tế, dẫn đến nguồn kinh phí từ dịch vụ khám chữa bệnh thấp.

GS.TS.BS Tạ Thành Văn cho rằng, Hà Nội cần phải ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn. Các chính sách này không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí.

Hà Nội cần phải ban hành các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của ba lĩnh vực: Cơ sở y tế trực thuộc Trung ương, trường Đại học Y - Dược; Cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân trong chiến lược chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên địa bàn.

Sự phân bổ các cơ sở y tế phải gắn liền với quy hoạch mạng lưới đô thị, thành phố vệ tinh và các khu dân cư đông người. Các ưu đãi đầu tư nên tập trung vào chương trình, dự án cụ thể và khả thi tiếp cận thực tế và tiếp cận công nghệ hiện đại của các nước phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao có thể là những chuyên gia, nhà khoa học ở những nước tiên tiến, những người có kinh nghiệm làm việc chuyên môn trong và ngoài địa bàn Thủ đô và quốc tế.

Gia Huy

Top