Cần cơ chế, chính sách phát triển siêu thị, trung tâm thương mại
(Chinhphu.vn) - Với vai trò trung tâm kinh tế của vùng và là thị trường lớn với hơn 10 triệu dân, Hà Nội cần xây dựng được hệ thống thương mại đủ lớn mạnh để đáp ứng yêu cầu. Muốn làm được điều này, Thành phố cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại bảo đảm phù hợp với quy hoạch.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ luôn được Thành phố đẩy mạnh, thu được kết quả khả quan, 83 dự án hạ tầng thương mại kêu gọi đầu tư đã được công bố gồm: 58 dự án lĩnh vực chợ (bao gồm cả chợ đầu mối), 17 dự án lĩnh vực trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, 4 dự án lĩnh vực hạ tầng logistics và 4 dự án lĩnh vực cửa hàng xăng dầu.
Thành phố đã đầu tư xây mới, xây dựng lại, cải tạo sửa chữa 82 dự án chợ với tổng số 708,98 tỷ đồng. Tập trung triển khai xây dựng mạng lưới chợ đầu mối nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, kết nối tiêu thụ các sản phẩm của các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố với các trung tâm thương mại lớn của Thành phố.
Hiện, trên địa bàn Thành phố có 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 1.840 cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm; 455 chợ… Điều đáng nói, nhiều thương hiệu bán lẻ hiện đại như: AEON Mall Long Biên, AEON Mall Hà Đông, Vincom Mega Mall, Lotte, hay chuỗi siêu thị Big C, BRG/Hapro mart, Co.opmart… đã hình thành.
Ngoài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, người tiêu dùng cũng đã quen thuộc với các chuỗi cửa hàng tiện lợi, mô hình tạp hóa mới... như: Winmart, Co.op Food, Sói Biển, Bác Tôm hay các siêu thị điện máy như: Thế giới di động, Điện máy xanh, Media mart… Điều đó cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng của các hình thức bán lẻ hiện đại là một trong những điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế của Thủ đô.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng, hoạt động thương mại trên địa bàn không chỉ góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, mà còn hỗ trợ bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường. Các doanh nghiệp bán lẻ như: Hapro, AEON Mall, Winmart, Co.opmart, Big C, Lotte… ngoài việc kinh doanh còn tích cực thực hiện các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn.
Mặc dù số lượng siêu thị tại Hà Nội lớn, nhưng việc phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại nội thành nơi có nhiều lợi thế thương mại, mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Còn tại ngoại thành, số lượng siêu thị ít, hiệu quả kinh doanh không cao, nên các nhà đầu tư không mặn mà.
Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki cho biết, Tập đoàn AEON xem thị trường Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 sau Nhật Bản để phát triển hoạt động kinh doanh. Mục tiêu của AEON là mở 30 trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2030, tập trung tại các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Ngoài các trung tâm mua sắm lớn, AEON Việt Nam sẽ phát triển các mô hình bán lẻ đa dạng.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian tới, thành phố Hà Nội phấn đấu phát triển 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, góp phần đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Thủ đô.
Để hoàn thành mục tiêu này, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại gồm: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm phù hợp với quy hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn.
Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ để tạo đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng, tương xứng với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.
Bích Phương