Cần đòn bẩy để phát triển du lịch nông nghiệp tại Hà Nội

27/07/2023 3:08 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, du lịch nông nghiệp, nông thôn trên cả nước và tại Hà Nội còn manh mún, chủ yếu là các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do thiếu quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể.

Cần đòn bẩy để phát triển du lịch nông nghiệp tại Hà Nội - Ảnh 1.

Một khu sinh thái, trải nghiệm cho các em học sinh tại Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội - Ảnh: VGP/An Khuê

Một xu hướng du lịch mới

Vấn đề du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được các nước phát triển trên thế giới triển khai từ những năm 80 thế kỷ trước. Khi ngăn chặn dòng người từ nông thôn di chuyển ra thành phố, giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn là một trong giải pháp hiệu quả, bền vững nhằm nâng cao thu nhập người dân và đổi mới bộ mặt nông thôn.

Theo GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, xu hướng du lịch trên thế giới đang thay đổi dần từ du lịch truyền thống trong không gian kín sang các loại du lịch mới, du lịch xanh ưu tiên hơn cho việc lựa chọn các điểm đến gần nhà, các chuyến trải nghiệm nội địa, an toàn gần gũi thiên nhiên với không gian rộng, thoáng mát.

"Tổ chức du lịch thế giới ( UNWTO) cho rằng đến năm 2030, du lịch với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31%; Du lịch với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; Du lịch với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%. Vì vậy du lịch xanh sẽ phát triển mạnh", GS.TS Mỹ Dung nhấn mạnh.

Với Hà Nội, phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn nhằm phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới đã được chỉ ra trong Kế hoạch 227/KH-UBND năm 2021. Nhưng theo GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung, do hiện nay có nhiều vấn đề khác nhau, chưa thật thống nhất về du lịch nông nghiệp, nông thôn nên có thể ảnh hưởng tới chỉ đạo trong thực tiễn.

Hiện nay, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội và trên cả nước phát triển còn manh mún, tự phát, chủ yếu là các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ mà nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do thiếu quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể.

TS. Đoàn Mạnh Cương, Vụ Văn hóa- Giáo dục, Văn phòng Quốc hội cho rằng, phát triển nông nghiệp, nông thôn tại đô thị lớn như thành phố Hà Nội là hướng đi góp phần xây dựng mô hình kinh tế tại chỗ. Song trong quá trình triển khai phát triển nông nghiệp tại đô thị trong bối cảnh công nghiệp 4.0, đặt ra một số vấn đề khó khăn như về nguồn nhân lực; liên kết và ứng dụng công nghệ số; khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh; các mô hình mới hình thành và triển khai; đặc biệt là chi phí đầu tư cho nông nghiệp thông minh cao hơn rất nhiều so với nông nghiệp truyền thống.

"Để có chi phí đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị thông minh, việc đưa nông nghiệp thông minh vào khai thác trong hoạt động du lịch tại thành phố Hà Nội là mô hình cần nghiên cứu và triển khai. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội và các địa phương gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, các đại biểu đề xuất tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương", TS Đoàn Mạnh Cương phân tích.

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Tạo ra điểm liên kết để du lịch nông nghiệp kéo dài; Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền cũng chính là một trong những nhiệm vụ Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ đề ra.

Cần đòn bẩy để phát triển du lịch nông nghiệp tại Hà Nội - Ảnh 2.

Xu hướng "bỏ phố về ruengf" đang được nhiều bạn trẻ theo đuổi khi phát triển du lịch nông thôn - Ảnh: VGP/An Khuê

Đồng hành phát triển những "làng du lịch"

Hiện nay, Tổng cục Du lịch đã phát triển mô hình "Làng du lịch thông minh" (Smart Village) nhằm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, sức mạnh của cộng đồng,… hình thành các điểm đến có sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, được du khách trong nước và nước ngoài tin cậy truy cập, tìm kiếm qua các website, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ. Nhiều người dân nông thôn, các bạn trẻ cũng đang chọn hướng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn để thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Thực hiện một số chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác đồng thời giá trị nông nghiệp và phát triển du lịch; sử dụng lao động là người địa phương; các hoạt động du lịch có tính chất cộng đồng; các dự án sản xuất hàng hóa và dịch vụ của khu vực nông thôn vào tiêu dùng du lịch.

Phát triển nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp. Cần đổi mới và xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho quảng bá cho du lịch nông nghiệp trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Chú trọng công tác điều phối và quản lý điểm đến nhằm phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Cần xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Bagico, là người thường xuyên hỗ trợ, tư vấn các bạn trẻ khởi nghiệp với du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn cho biết: Một thực tế nhiều bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch nông thôn chưa có phương án kinh doanh cụ thể, rõ ràng ngay từ đầu và công khai các kế hoạch cũng như lộ trình,… vì vậy dù nhìn thấy tiềm năng trong mảng này nhưng vẫn loay hoay, hoang mang khi gặp những vấn đề bất trắc.

Bà Thành Thực cho biết: "Phía sau xu hướng bỏ phố về rừng là nhiều star-up phải bán tháo, bán lỗ các mô hình kinh doanh của mình do không quản trị được những rủi ro với các mô hình kinh doanh, điều này cũng hoàn toàn bình thường nhất là đối với các bạn trẻ. Các bạn phải phân định được rạch ròi 2 mảng du lịch và nông nghiệp, và phải hiểu rõ mình mạnh về mảng gì. Nếu không mạnh về mảng nào cần kết hợp với những người có thế mạnh, chứ chúng ta không thể giỏi cả 2 lĩnh vực này được".

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: "Sở Du lịch sẽ đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy phát triển hiệu quả loại hình du lịch này. Sở đang xây dựng quy hoạch du lịch để tích hợp chung vào quy hoạch Thủ đô. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia "Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".

Trong đó, định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô. Sau khi xây dựng bộ tiêu chí, Sở Du lịch sẽ trình UBND TP Hà Nội ra quyết định công nhận, sau đó triển khai một số mô hình điểm, tiến tới nhân rộng, qua đó góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch Thủ đô".

An Khuê

Top