Cần giải bài toán 'ô nhiễm môi trường' để phát triển làng nghề bền vững

07/02/2023 8:42 AM

(Chinhphu.vn) - Làng nghề xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên nằm cạnh dòng sông Nhuệ, nơi đây chính là vành đai khu Cháy trong thời kì kháng chiến chống Thực Dân Pháp, với địa danh Cây Vừng Cứu Quốc. Mảnh đất kiên cương cách mạng này còn được biết đến là một làng nghề ngàn năm tuổi nhưng hiện nay vấn đề bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều bất cập.

Duy trì phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Sản phẩm khảm trai của xã Chuyên Mỹ. Ảnh: Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ.

Ca dao xưa có câu:

"Hỡi cô thắt đai lưng xanh

Có về Chuyên Mỹ với anh thì về

Chuyên Mỹ có cây Bồ Đề

Có sông tắm mát có nghề khảm khay"

Theo lãnh đạo xã Chuyên Mỹ, xã có 7 thôn và cả 7 thôn đều được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận làng nghề truyền thống và phần lớn số gia đình trên địa bàn đều làm nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Sản phẩm chính gồm: Khảm trai, sơn mài và chế biến nguyên liệu khảm. Đây cũng là cơ sở để xã phấn đấu, hoàn thiện các tiêu chí về đích nông thôn mới năm 2016.

Theo Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên, Phú Xuyên là vùng đất trăm nghề với 154/154 làng, cụm dân cư có nghề, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Để phát huy tiềm năng thế mạnh trong phát triển ngành nghề, từ năm 2011 đến nay, huyện Phú Xuyên lấy ngày 26/10 là ngày vinh danh làng nghề truyền thống. Năm 2019, Thành phố đã công nhận 2 điểm du lịch tại Phú Xuyên là thôn Cựu, xã Vân Từ và thôn Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ.

Từ sự phát triển nhanh chóng của làng nghề, huyện đã hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng để sớm đưa 3 cụm công nghiệp làng nghề xã Phú Túc, Phú Yên, Đại Thắng vào hoạt động. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai quy hoạch cụm công nghiệp ở các xã Vân Từ, Tân Dân, Sơn Hà... 

Đồng thời, huyện tích cực phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành triển khai quy hoạch lại 156 làng có nghề trên địa bàn theo hướng di chuyển các cơ sở sản xuất trong khu dân cư ra các cụm công nghiệp và khu sản xuất tập trung theo quy hoạch, đảm bảo môi trường.

Theo Thông báo số 250/TB-UBND ngày 13/3/2018 của UBND TP. Hà Nội, những năm qua, UBND huyện và các xã đã có nhiều giải pháp hỗ trợ khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề như: Quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, nâng cấp hệ thống lưới điện, đường giao thông… Tính từ năm 2018 - 2020, Phú Xuyên đã xây dựng 4 cụm công nghiệp làng nghề, phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới 4 cụm công nghiệp làng nghề khác.

Theo Chủ tịch huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh, việc hình thành các cụm công nghiệp làng nghề, thúc đẩy phát triển du lịch và tập trung thực hiện chương trình OCOP sẽ góp phần đưa làng nghề của Phú Xuyên lên tầm cao mới; đưa sản phẩm của làng nghề vươn xa hơn.

Theo các nghệ nhân trong làng, nghề khám Chuyên Mỹ nức tiếng xa gần. Để làm ra một sản phẩm đẹp phải trải qua rất nhiều công đoạn từ sơ chế nguyên liệu, lựa chọn nguyên liệu, rồi đến các khâu cưa, đục, tách, mài, bóng... Tất cả đều cần mẫn, tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Không chỉ là nơi phát tích ra nghề khảm độc nhất vô nhị mà Chuyên Mỹ còn có nghề sơn mài cổ truyền với sản phẩm sơn mài mười nước, trong khi sơn li công nghiệp chỉ ba nước.

Bên cạnh những sản phẩm khảm-sơn mài truyền thống độc đáo, Chuyên Mỹ còn tự hào với những công trình kiến trúc văn hóa cổ kính. Với những lợi thế về văn hóa lịch sử và làng nghề độc đáo cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, Chuyên Mỹ đã có những bước phát triển quan trọng. 

Hiện nay hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế của xã được tập trung đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tính đến hết năm 2021 là 60,3 triệu đồng. 

Ưu thế làng nghề của Chuyên Mỹ không chỉ đem lại giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực du lịch làng nghề, quảng bá và giới thiệu giá trị lịch sử - nét văn hóa làng nghề…

Đặc biệt, tại Chuyên Mỹ còn có Hợp tác xã thủ công Ngọ - Hạ tại thôn Ngọ, thành lập từ thập niên 1960, nơi sản xuất các sản phẩm thủ công và đào tạo nhân lực cho làng nghề, sản phẩm của HTX được xuất khẩu sang các nước Âu - Mỹ. Điều thú vị là những nghệ nhân nơi đây đã có những sản phẩm truyền thần được lãnh đạo trung ương gửi thư khen tặng, tiêu biểu như Nghệ nhân dân gian Trần Bá Dinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Chuyên Mỹ còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về vấn đề kết nối vùng nguyên liệu. Đối với nghề khảm có tới trên 90% nguyên liệu là nhập khẩu (gỗ có Lào, Campuchia, Nam phi; chai ốc có Trung Quốc, Singapore, Indonesia....). 

Do nhập khẩu nên làng nghề phụ thuộc nhiều yếu tố vào vấn đề tỉ giá ngoại tệ, hàng rào thuế quan, các quy định về kiểm dịch động thực vật. Có những thời điểm khan hiếm nguyên liệu) và theo phản ảnh của các nhà chế biển nguyên liệu chai ốc, quá trình phân phối trên thị trường cũng gặp khó khăn do các cơ quan quản lý địa phương.

Một vấn đề đáng quan ngại là thực trạng về môi trường sông Nhuệ. Từ nhiều đời nay, sông Nhuệ chính là nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của Chuyên Mỹ. 

Tuy nhiên đến những năm gần đây sông Nhuệ đã ô nhiễm nghiêm trọng, nước ngầm ở Chuyên Mỹ có hàm lượng asen cao gấp cả chục lần cho phép. 

Ô nhiễm từ sông Nhuệ không chỉ có tác động xấu đến môi trường Chuyên Mỹ mà còn toàn bộ các địa phương sông Nhuệ đi qua, do đó việc cải tạo và làm sạch sông Nhuệ là vấn đề rất cấp thiết.

Bên cạnh đó, do sản xuất thủ công cũng có rất nhiều công đoạn trong đó có khâu hoàn thiên (sơn PU), đây cũng chính là công đoạn thải ra nhiều chất thải gây ô nhiễm (nước, bụi, khi). Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ các gia đình không thể tự đầu tư hạ tầng cũng như công nghệ để thu gom chất thải. 

Vì vậy, các nghệ nhân rất mong muốn cơ quan chức năng và thành phố xem xét có chính sách hỗ trợ cũng như có công nghệ phù hợp, giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm làng nghề hiện nay.

Thiện Tâm

Top