Cần giải pháp quyết liệt để tăng sức hấp dẫn cho xe buýt

26/04/2023 11:14 AM

(Chinhphu.vn) - Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng lượng khách sử dụng xe buýt trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa đạt mục tiêu TP. Hà Nội đề ra về tỷ lệ người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải sớm có những giải pháp quyết liệt hơn để tăng sức hấp dẫn cho xe buýt.

Cần giải pháp quyết liệt để tăng sức hấp dẫn cho xe buýt - Ảnh 1.

Sớm có những giải pháp quyết liệt hơn để tăng sức hấp dẫn cho xe buýt. Ảnh: VGP/HL

Vì sao chưa hút khách

Mạng lưới vận tải công cộng của Hà Nội hiện nay có 154 tuyến xe buýt với 132 tuyến trợ có giá, kết nối đến tất cả xã, phường trên địa bàn Thành phố. Năng lực thực tế của mạng lưới xe buýt đã đáp ứng được trên 30% nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ đáp ứng vận tải hành khách công cộng nói chung, trong đó có cả xe buýt chỉ đạt gần 18%.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, hiện xe buýt chưa tạo được sức hấp dẫn, chưa thu hút người dân, mà một trong những nguyên nhân chính là chất lượng phục vụ còn nhiều hạn chế. Mức độ thân thiện, thái độ ứng xử của một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ còn chưa đúng mực gây ra những thiện cảm không tốt.

Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, về chất lượng phục vụ, cả phương tiện và nhân lực đều còn tồn tại một số vấn đề bất cập. "Chúng tôi vẫn nhận được những phản ánh của hành khách về lái xe ẩu, phương tiện xập xệ, phụ xe thiếu văn minh… làm giảm tính hấp dẫn của xe buýt", ông Hải cho hay.

Còn theo đánh giá từ phíaTổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), hạ tầng xe buýt là yếu tố hết sức quan trọng gây ảnh hưởng đến sản lượng xe buýt. Hiện điều kiện hạ tầng giao thông phục vụ cho việc tiếp cận của hành khách đối với xe buýt hiện nay còn chưa được bảo đảm. Một số đoạn tuyến không có vỉa hè để lắp đặt điểm dừng, một số đoạn tuyến chiều rộng vỉa hè không bảo đảm để lắp nhà chờ…

Thậm chí, một số nơi hạ tầng xe buýt còn thường xuyên bị xâm phạm làm địa điểm bán hàng rong, điểm đỗ xe... ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành của xe buýt và an toàn của hành khách khi đi xe. Ùn tắc giao thông cũng đang là nguyên nhân lớn khiến người dân quay lưng với xe buýt.

Ngoài ra, chuyên gia giao thông Vũ Tuấn Linh phân tích, khi quy hoạch thiết kế đường sá, nhiều khu vực đô thị của Hà Nội bỏ quên xe buýt. Trên hầu hết các tuyến đường không có vị trí chờ sẵn để làm nhà chờ, đường ra vào điểm đón khách, gây khó khăn cho cả xe buýt lẫn các loại phương tiện khác…

Gỡ khó để "hút" khách

Để nâng cao sản lượng hành khách công cộng bằng xe buýt, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội Thái Hồ Phương cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt, đầu tư hệ thống điểm trung chuyển, đầu tư hệ thống vé điện tử, hệ thống giao thông thông minh…

Đồng thời cho biết, trong năm 2023, trung tâm sẽ thuê đơn vị tư vấn đánh giá tổng thể hiệu quả mạng lưới các tuyến xe buýt; tiếp tục rà soát, điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến, biểu đồ chạy xe nhằm tránh ùn tắc, giảm thời gian chuyến đi của hành khách và tăng tính kết nối, trung chuyển hành khách giữa xe buýt với đường sắt đô thị.

Về hạ tầng sẽ nghiên cứu, tổ chức thí điểm từ 1-2 làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến đường đủ điều kiện; rà soát, đầu tư đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt.

Cùng với đó, xây dựng phương án vé liên thông đa phương thức cho hệ thống vận tải hành khách công cộng; cơ cấu lại giá vé xe buýt (vé lượt, vé tháng) phù hợp với cự ly đi lại của hành khách…

Theo Transerco, thời gian tới, các tồn tại về chất lượng dịch vụ cần phải tiếp tục khắc phục, xử lý triệt để, đặc biệt là các vi phạm về thái độ phục vụ hành khách. Tiếp tục nâng cao công tác đào tạo đội ngũ, đặc biệt là đối với người lao động tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Ngoài ra, Transerco cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm chất lượng dịch vụ nhất là về thái độ phục vụ, kỷ luật chạy xe, vi phạm doanh thu và chấp hành pháp luật giao thông đường bộ.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, nhiệm vụ tới đây phải xây dựng được bộ tiêu chí hiệu quả tuyến dựa trên sản lượng, doanh thu, trợ giá. Trên cơ sở đó, Thành phố sẽ xem xét dừng hoạt động các tuyến buýt không hiệu quả, không thể để tình trạng có tuyến trợ giá 95-96% bởi đây là lãng phí, sử dụng không hiệu quả ngân sách.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội khẩn trương rà soát, đánh giá lại hiệu quả từng tuyến, tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả, tăng tính kết nối với đường sắt đô thị.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng ứng dụng xe buýt dùng chung với đầy đủ dữ liệu của toàn bộ mạng lưới buýt. Thông qua ứng dụng, người dân có thể đánh giá chất lượng từng phương tiện, chuyến đi để phân loại, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Thành Nam

Top