Cần những giải pháp đột phá mạnh mẽ cho giao thông đô thị

29/06/2022 11:17 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện giao thông Hà Nội đang đối mặt với tình trạng đường sá chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện, thiếu đồng bộ khiến tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra... Chính vì vậy, bài toán giao thông đô thị đang cần những giải pháp đột phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Đưa những giải pháp đột phá cho phát triển giao thông Thủ đô - Ảnh 1.

Hà Nội đã và đang nỗ lực phát triển và đồng bộ hệ thống giao thông công cộng. Ảnh minh họa

Giao thông công cộng chiếm tỉ lệ nhỏ dưới 10%

Mới đây, tại buổi tọa đàm "Giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030", GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên Đại học Giao thông Vận tải cho biết, có 5 vấn đề lớn của đô thị hiện đại là nhà ở, việc làm, giao thông đô thị, môi trường và nước sạch. Đây là 5 vấn đề bức xúc của đô thị hiện đại.

Ở nước ta, Hà Nội và TPHCM, tình trạng ách tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển của phương tiện giao thông. Trong đó, phương tiện giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng tỉ lệ rất nhỏ, khoảng dưới 10%.

Đặc biệt, những phương tiện công cộng có sức chứa lớn như tàu điện ngầm thì chúng ta đang không có, dù trong lịch sử, loại hình phương tiện giao thông công cộng này đã xuất hiện ở Hà Nội từ hơn 200 năm trước.

Dù hiện nay chúng ta đang phát triển được nhiều phương tiện vận tải công cộng khác như: Xe buýt, xe buýt nhanh, đường sắt đô thị... nhưng vẫn rất cần ưu tiên phương tiện vận tải công cộng có sức chứa lớn và hạn chế phương tiện cá nhân. Đây chính là hai giải pháp trọng tâm để giảm ùn tắc giao thông.

Thực tế cho thấy, việc phát triển phương tiện giao thông công cộng ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang còn rất chậm. Hiện nay, loại hình phương tiện công cộng được phát triển đáng kể nhất chỉ có xe buýt. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, phương tiện cá nhân, nhất là xe máy lại đang đang phát triển bùng nổ. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi theo lý thuyết, những đô thị có 10 triệu dân trở lên (còn gọi là siêu đô thị) cần phải cấm xe máy. Còn ô tô con đang bước vào giai đoạn bùng nổ.

Theo các chuyên gia, vấn đề giao thông của Hà Nội cũng như TPHCM thường xuyên ùn tắc như hiện nay cũng có lý do xuất phát từ quy hoạch đô thị, sự phát triển của hạ tầng giao thông không bắt kịp sự phát triển của đô thị, phương tiện cá nhân phát triển nhanh và giao thông công cộng có phát triển nhưng không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân…

Để phương tiện công cộng phát triển

Để mạch máu giao thông của được lưu thông tốt hơn, GS.TS Từ Sỹ Sùa hiến kế, hiện nhu cầu đi lại của người dân bằng phương thức nào cũng cần xem xét trên khía cạnh mặt tích cực và tiêu cực. Muốn thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì đầu tiên phương thức giao thông đó phải có chất lượng dịch vụ tốt và giá cả hợp lý. Nếu đáp ứng được 2 tiêu chí trên, người dân sẽ tự nguyện tìm đến với phương tiện giao thông công cộng.

Bên cạnh đó, cũng cần lư ý rằng, mỗi địa hình, mỗi khu vực sẽ phù hợp với một loại hình phương tiện khác nhau, từ đó cần lựa chọn loại hình phương tiện giao thông phù hợp.

Ngoài ra, cần chú trọng đến những tiện ích, chất lượng dịch vụ của các loại hình vận tải hành hành khách công cộng; giảm chi phí của các loại hình vận tải hành khách công cộng để thu hút người dân…

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất TP. Hà Nội tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và dần có sự đồng thuận với việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng. Sở cũng đang được UBND Thành phố giao xây dựng hai đề án như hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô và phân vùng xe máy và cần có những giải pháp, lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân, để phương tiện công cộng phát triển.

Cùng với đó, TP. Hà Nội có định hướng phát triển phương tiện sử dụng năng lượng sạch, hiện đã có 8 tuyến xe buýt chạy bằng năng lượng điện. Sở tiếp tục tham mưu với Thành phố thay thế những tuyến xe buýt trong nội đô trở thành những chiếc xe năng lượng sạch. Đồng thời, tiếp tục phát triển những phương tiện với sức chứa nhỏ hơn như xe đạp công cộng, xe điện cỡ nhỏ để tăng cường kết nối mạng lưới phương tiện tiện công cộng.

"Hà Nội đang có đơn vị đề xuất thí điểm thực hiện xe đạp công cộng, chúng tôi đang hướng dẫn đơn vị thực hiện, nghiên cứu sao cho phù hợp với Hà Nội nhằm mục đích đến năm 2030 sản lượng vận tải hành khách công cộng của TP. Hà Nội  đạt từ 45-50%", ông Nguyễn Tuyển nói.

Về khía cạnh doanh nghiệp, theo Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast Vũ Thắng, với tình hình thực tế tại Việt Nam, xe điện có nhiều ưu điểm hơn so với các phương tiện sử dụng năng lượng khác. Đây là lợi thế lớn, bởi vậy VinFast đang đẩy mạnh đầu tư các trạm sạc để phát triển. Tuy nhiên, về tổng thể và lâu dài, để phát triển năng lượng sạch, chẳng hạn như năng lượng điện, thời gian tới các doanh nghiệp rất cần thêm những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Diệu Anh

Top