Cần phối hợp hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm buôn lậu, hàng giả
(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, các lực lượng chức năng của TP. Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì, phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là kinh doanh trên thương mại điện tử…

Lực lượng chức năng Hà Nội bắt giữ hàng lậu. Ảnh: Internet
Quý I/2025, Hà Nội đã xử lý hơn 5.500 vụ buôn lậu, hàng giả
Hiện nay, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ… tiếp tục diễn ra trên hầu hết địa bàn trọng điểm các tỉnh, thành phố.
Việc lợi dụng thương mại điện tử, mua sắm trên các trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện… để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… có chiều hướng gia tăng.
Điển hình như việc lợi dụng thủ tục đơn giản với hàng hoá quá cảnh, miễn thuế đối với hàng hoá tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, các đối tượng buôn lậu đã trà trộn hàng vi phạm với hàng nhập khẩu chính ngạch, thẩm lậu vào thị trường Việt Nam tiêu thụ hoặc giả mạo xuất xứ để xuất khẩu sang nước thứ 3.
Chia sẻ tại Hội nghị giao ban công tác quý I/2025 và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố Hà Nội luôn xác định công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường và giữ vững kỷ cương kinh tế-xã hội.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.
Theo đó, trong quý I/2025, lực lượng chức năng Thành phố đã kiểm tra 5.713 vụ, xử lý 5.503 vụ vi phạm (trong đó xử lý hình sự 88 vụ với 123 bị can). Tổng thu nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 1.273 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm khoảng 67 tỷ đồng.
"Nhiều vụ việc điển hình có tính chất phức tạp đã được phát hiện và xử lý kịp thời, cho thấy hiệu quả đấu tranh của lực lượng chức năng, như phát hiện gần 14 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, bắt giữ hơn 23 nghìn gói kẹo nghi là hàng giả, khởi tố vụ án sản xuất truyện tranh giả quy mô lớn", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, bên cạnh kết quả đạt được trên, công tác còn một số khó khăn, như: Hoạt động sản xuất hàng giả thường tập trung tại các khu vực hẻo lánh, gây khó khăn cho công tác phát hiện, kiểm tra; sự phát triển nhanh của thương mại điện tử và nền tảng số đặt ra thách thức mới trong khi cơ chế kiểm soát, chế tài xử lý chưa theo kịp; Cơ sở vật chất phục vụ bảo quản tang vật còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý.
Nâng cao hiệu quả kiểm soát, chống gian lận
Dự báo trong quý II/2025, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ ba sẽ gia tăng, dưới góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia sớm có văn bản hướng dẫn kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh, thành phố phù hợp với Nghị quyết 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo tính liên thông, thống nhất.
Bên cạnh đó, để hoàn thiện thể chế, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục tham mưu Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát, chống gian lận và thất thu ngân sách.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội cũng sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các lực lượng chức năng sẽ duy trì phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là tại các cảng hàng không, trung tâm thương mại và khu vực biên giới.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng, từ đó góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Diệu Anh