Cần quy hoạch tổng thể và sớm ban hành danh mục chủng loại cây xanh đô thị

14/08/2024 5:23 PM

(Chinhphu.vn) - Để Hà Nội có được mạng lưới cây xanh hoàn chỉnh phát huy được tác dụng, các đơn vị chức năng cần quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố; đồng thời quy hoạch mạng lưới cây xanh cho từng quận, huyện và những khu đô thị mới.

Cần quy hoạch tổng thể và sớm ban hành danh mục chủng loại cây xanh đô thị- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Ngày 14/8, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học nghiên cứu, đánh giá một số chủng loại cây xanh đô thị phù hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong lựa chọn một số loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, có khả năng cao trong hấp thu, giảm thiểu bụi mịn và ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Thông tin về hiện trạng hệ thống cây xanh đô thị, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hưng nêu, trên các tuyến đường phố thuộc địa bàn 12 quận nội thành và 17 huyện, thị xã Sơn Tây, khối lượng quản lý theo phân cấp là 2,4 triệu m2 thảm cỏ, cây mảng, hàng rào, hoa lưu niên, cây cảnh; 1.500m2 hoa thời vụ; khoảng 194.000 cây bóng mát, 510.000 cây keo, tràm, bạch đàn… Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, UBND cấp huyện quản lý khoảng 460.900 cây tại các địa bàn còn lại.

Thống kê sơ bộ cũng cho thấy, trên địa bàn 12 quận có hơn 8.000 cây cổ thụ (có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50cm trở lên tại chiều cao 1,3m của cây). Một số cây này đã bước sang tuổi già cỗi, có biểu hiện sinh trưởng kém. Ngoài ra, còn có một số loài cây không thuộc chủng loại cây bóng mát trồng đô thị như dâu da, vông, dướng, trứng cá dễ bị gẫy đổ khi gặp mưa gió, quả chín rụng bẩn, hấp dẫn ruồi, nhặng.

Từ năm 2020 đến nay, khoảng 140.000-150.000 cây bóng mát được cắt tỉa mỗi năm trên toàn địa bàn thành phố theo phân cấp. Hệ thống cây bóng mát sau khi được cắt tỉa về cơ bản đã bảo đảm an toàn, hạn chế bị gẫy đổ trong mùa mưa bão.

Giai đoạn 2016-2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã giao các đơn vị thực hiện trồng được 987.187 cây bóng mát, cây lâm nghiệp các loại; 113.155 cây cảnh đơn lẻ, khóm; 147.450m2 cây mảng, thảm cỏ theo chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Triển khai kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 8/3/2023 của UBND thành phố về việc trồng mới 500.000 cây xanh đô thị trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, thành phố đã thực hiện trồng 101.758 cây xanh, dự kiến tiếp tục trồng khoảng 400.000 cây xanh.

Ông Nguyễn Đức Hưng cũng cho biết, công tác quản lý, phát triển cây xanh đô thị vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như thiếu một số quy định cụ thể để thực hiện công tác quản lý, nghiệm thu, thanh quyết toán duy tu, duy trì hệ thống cây xanh. Công tác cắt tỉa cây bóng mát đôi khi còn chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây và khả năng tạo bóng mát.

Quá trình chăm sóc, duy trì cây bóng mát chưa áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Công tác cắt tỉa chủ yếu bảo đảm an toàn cho người dân, phòng chống thiên tai mà chưa quan tâm nhiều đến cảnh quan, tính thẩm mỹ, trang trí đô thị và chưa có biện pháp bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.

Đây cũng là những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận nhằm nêu ra giải pháp trong quản lý, bảo tồn và phát triển cây xanh đô thị.

Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhận định, tại hội thảo, nhiều bài học được chỉ ra như cần khảo sát chi tiết, thống kê số lượng, vị trí địa điểm, phân tích điều kiện sinh trưởng của từng chủng loại cây, lựa chọn loài thay thế. Ngoài ra, cần xây dựng tiêu chí để phân loại, lập phương án thay thế một số chủng loại cây xanh già cỗi, có sự tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về nội dung này.

Đặc biệt, các đại biểu thống nhất ý kiến cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, tránh các trường hợp "bức tử" cây như đã xảy ra. Trong trường hợp xử lý, thay thế cây cần lấy ý kiến cộng đồng rộng rãi; công khai, minh bạch các nội dung từ chủ trương, kế hoạch đến phương án, đơn vị thực hiện để đạt được sự đồng thuận của người dân và dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, để có được mạng lưới cây xanh hoàn chỉnh phát huy được tác dụng, các đơn vị chức năng cần quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố; Quy hoạch mạng lưới cây xanh cho từng quận, huyện và những khu đô thị mới; Quy hoạch thiết kế trồng cây xanh, dựa trên phân loại các đường phố trong khu đô thị mới…

Cùng với đó, các đại biểu kiến nghị các đơn vị có liên quan sớm ban hành định mức kỹ thuật và giá dịch vụ công ích cho công tác quản lý, giám sát duy tu, duy trì hệ thống cây xanh đô thị, cơ chế và giá đền bù chặt hạ, di chuyển cây xanh…

Đồng thời, ban hành quy định về quản lý cây xanh đô thị ví dụ như trên các tuyến đường tỉnh trên địa bàn các huyện; Ban hành danh mục cây khuyến khích trồng, cây hạn chế trồng và cây cấm trồng trong đô thị để làm cơ sở phục vụ công tác quản lý, phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

Thùy Chi

Top